Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xuất khẩu gạo: Chớp thời cơ nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực 

Cập nhật ngày: 05/08/2023 - 17:57

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh cần tranh thủ sản xuất, xuất khẩu gạo, mở rộng thị trường nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực và giữ được thương hiệu hạt gạo Việt.

Ngày 4-8, tại TP Cần Thơ, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2023. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần tranh thủ sản xuất, xuất khẩu gạo nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực cũng như giữ thương hiệu hạt gạo của Việt Nam (VN).

Các ý kiến cho rằng đây là thời cơ cho gạo Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Q.HUY

Vẫn tồn tại nhiều thách thức

Tại hội nghị, các đại biểu bàn nhiều về tác động của lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường như Ấn Độ, UAE, Nga khiến giá gạo toàn cầu tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 11 năm qua. Các ý kiến cho rằng đây là thời cơ cho gạo VN mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu nhưng trong đó cũng tồn tại nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, cho biết hiện chất lượng gạo Việt đáp ứng được hầu hết thị trường thế giới. Việc Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo đã được dự báo từ trước nhưng thời điểm dừng hiện nay là có tác động lớn đến giá gạo thị trường thế giới và VN. Ở VN, một số doanh nghiệp (DN) có đơn hàng và thực hiện hợp đồng đã ký, mang lại hiệu quả tốt. Thế nhưng cũng có một số DN chưa có đơn hàng, chưa có hàng nhưng đã ký hợp đồng rồi mới đi mua nên giá hơi cao, không hiệu quả và lỗ lớn.

“Từ việc giá cả trong nước tăng, chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến DN xuất khẩu bị đứt gãy, có hiện tượng bẻ kèo, không giao hàng cho các DN, cần có giải pháp giải quyết” - ông Nam thông tin.

Nói về thời cơ, ông Nam cho rằng đây là cơ hội để DN Việt quảng bá, giới thiệu gạo của mình, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần phải quản lý được sản lượng, nhất là trước tình hình, diễn biến thất thường của thời tiết và hiện tượng El Niño.

Ông Nam cho rằng các DN cần thực hiện nghiêm việc dự trữ gạo theo chỉ đạo của trung ương để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bộ Công Thương cần có cơ chế quản lý xuất khẩu, theo dõi tình hình ký kết, thực hiện, lượng tồn kho… để có chỉ đạo kịp thời. Ngoài ra, ông Nam còn cho biết hiện nay VN có hiện tượng giá gạo trong nước cao hơn giá xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT khẳng định tình hình sản xuất lúa gạo trong nước không có gì khó khăn, vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho rằng cùng với xu thế chung thì giá gạo trong tỉnh cũng liên tục tăng. Điều này đã gây tâm lý cho người dân về vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Do đó, tỉnh đề xuất Bộ Công Thương cần tính toán giá gạo nội địa, ổn định giá thị trường trong nước vì hiện giá gạo đến người tiêu dùng rất cao.

Về phía DN xuất khẩu, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, nhận định xuất khẩu gạo giá cao là một điều rất đáng mừng khi nước ta đã xây dựng được giá trị gạo chất lượng cao. Thế nhưng giá tăng mỗi ngày như hiện nay thì rất khó cho DN xuất khẩu.

“Ví dụ, vừa qua DN mua 6.500 đồng/kg, mỗi ngày công ty phải tăng thêm 200-400 đồng/kg, thậm chí đến hôm nay giá đã lên đến 7.400 đồng/kg thì DN mới lấy được lúa mang về và xuất khẩu. Do đó, chúng tôi mong muốn có được giá sàn hoặc giãn thời gian xuất khẩu ra để thu gom đủ gạo mới xuất khẩu. Nông dân nên hỗ trợ DN lúc này vì hợp đồng đã ký kết với nước ngoài không thể đi năn nỉ được. Khi giá thấp thì các DN cũng hỗ trợ nông dân để hài hòa lợi ích các bên” - bà Huyền nói.

Theo bà Huyền, do ảnh hưởng khí hậu nên chất lượng lúa gạo ở ĐBSCL không đảm bảo. Dự báo về sản lượng vụ hè thu cũng chỉ đạt khoảng 50%. Do đó, bà Huyền cho rằng ngành chức năng cần kiểm tra lại dự trữ, cân đối làm sao gạo dự trữ trong nước được an toàn; giá cao, bán đạt nhưng chỉ bán số lượng vừa phải.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết thống kê cho thấy nông dân ĐBSCL bán lúa gạo cho DN qua ba cách. Cụ thể, bán trực tiếp cho DN (chiếm 12,1%), nông dân thông qua thương lái bán cho DN (chiếm 50%), phần còn lại là thông qua hợp tác xã. Như vậy, trong 180 DN có đủ điều kiện xuất khẩu gạo ở ĐBSCL thì chỉ có 50 DN có liên kết với hợp tác xã.

Cần tận dụng thời cơ này để sản xuất, xuất khẩu

Trước những băn khoăn của các chuyên gia, DN, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, khẳng định tình hình sản xuất lúa gạo trong nước không có gì khó khăn, vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Điều cần thiết là bình tĩnh bàn giải pháp ứng phó trước tình hình thực tế.

Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên một lần nữa nhấn mạnh: Chúng ta nên tận dụng thời cơ này để sản xuất, xuất khẩu gạo, chú trọng phát triển thị trường tiềm năng. VN là thành viên của các hiệp định thương mại tự do nên xuất khẩu gạo cũng cần thực hiện với phương châm đánh chắc, tiến chắc, kiểm soát xuất khẩu và kiểm soát cả giá, hướng tới xác định giá trần và giữ được thương hiệu gạo VN.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đảm bảo an ninh lương thực, kẻo lâm vào tình trạng “gậy ông đập lưng ông”. Nước xuất khẩu gạo mà để 100 triệu dân thiếu gạo là không được” - bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng cần có sự tăng cường liên kết giữa các bên. Các DN cần đặc biệt thực hiện tốt khâu liên kết để tránh tình trạng “bẻ kèo” khi giá tăng và không lấy hàng khi giá giảm.•

Lượng thóc dành cho xuất khẩu khoảng 15,1 triệu tấn. Ảnh: HD

Dự kiến năm 2023 xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo

Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, dự kiến năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha; năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha; sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Sản lượng lúa thu hoạch bảy tháng đầu năm 2023 đạt trên 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.

Cũng theo ông Đông, ước tính của cơ quan liên bộ, đến hết tháng 7-2023, VN ước tính xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo.

“Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu khoảng trên 15,1 triệu tấn, tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo” - ông Đông nhấn mạnh.

Nguồn PLO