Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xuất khẩu gạo lập kỷ lục mới
Thứ sáu: 05:51 ngày 15/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bất chấp Ấn Độ mở kho, xuất khẩu gạo của VN vẫn đạt 4,9 tỉ USD chỉ sau 10 tháng, một cột mốc mới trong lịch sử xuất khẩu gạo VN.

Giá cao kỷ lục, gạo Việt vượt kim ngạch 5 tỉ USD

Sau khi Ấn Độ mở kho, giá gạo thông dụng trên thị trường châu Á lao dốc. Nhiều nước xuất khẩu gạo lớn bao gồm cả Thái Lan không giữ được mốc 500 USD/tấn, riêng gạo VN vẫn dao động từ 520 - 530 USD/tấn. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp (DN), gạo VN giữ được giá tốt nhờ 2 yếu tố là chất lượng và nguồn cung hạn chế. Trong những ngày đầu tháng 11, thị trường tiếp tục đón nhận thông tin tích cực khi Indonesia công bố kết quả đấu thầu 500.000 tấn. Theo đó, các DN VN trúng thầu gần 85.000 tấn, chiếm tỷ lệ 17%, giá trúng thầu là 510 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo của VN tiếp tục lập kỷ lục mới - ẢNH: CÔNG HÂN

Các DN kinh doanh xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho biết, đối với gạo thông dụng cung cấp cho thị trường Indonesia cũng như các nước châu Phi, sau khi Ấn Độ mở kho thì mặt bằng giá thế giới giảm nhanh. Nguyên nhân ngoài nguồn cung dồi dào bổ sung từ Ấn Độ thì lượng tồn kho của Pakistan và Thái Lan, Myanmar cũng khá cao. Chính vì vậy các nước đã giảm giá gạo về mức dưới 500 USD/tấn để tăng tính cạnh tranh. Riêng gạo VN ít bị ảnh hưởng do nguồn cung thấp, thậm chí VN còn phải nhập khẩu một lượng lớn gạo giá rẻ về để phục vụ chế biến hàng tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi. Việc VN trúng thầu gạo Indonesia lần này sẽ giúp giá gạo VN ổn định mức tốt trong những tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), lý giải: Từ đầu năm đến nay VN đã xuất khẩu lượng gạo cao kỷ lục. Hiện tại VN chỉ còn vụ thu đông, sản lượng không nhiều nên chúng ta không bị áp lực đầu ra, nhờ vậy giữ được giá tốt so với các nước. Bên cạnh đó, thị trường chỉ bị áp lực ở phân khúc gạo thông dụng, trong khi VN hiện nay chủ yếu sản xuất gạo thơm, chất lượng cao; ở phân khúc này thị trường vẫn tốt và giá ổn định.


Theo Hiệp hội lương thực VN (VFA), hiện giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN vẫn duy trì mức cao nhất thế giới là 524 USD/tấn. Gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan là 486 USD/tấn, Pakistan 461 USD/tấn và Ấn Độ thấp nhất với 444 USD/tấn.

Còn thống kê từ Bộ NN-PTNT cho biết, khối lượng xuất khẩu gạo trong tháng 10 ước đạt 800.000 tấn với giá trị 505 triệu USD. Lũy kế 10 tháng của năm 2024, khối lượng gạo xuất khẩu đạt tới 7,8 triệu tấn, tăng 10,2% về lượng; giá trị đạt gần 4,9 tỉ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023. Về kim ngạch, xuất khẩu gạo trong 10 tháng qua vượt kim ngạch cả năm 2023 (4,6 tỉ USD). Nguyên nhân nhờ giá gạo xuất khẩu bình quân ở mức cao, đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Với đà tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu gạo cả năm 2024 có thể tiếp tục lập kỷ lục mới và lần đầu vượt con số 5 tỉ USD, sản lượng vượt 8 triệu tấn.

Trụ vững ở thị trường truyền thống
Nếu tại thị trường phổ thông Indonesia và các nước châu Phi, gạo VN đang bị cạnh tranh về giá với nhiều nước thì tại thị trường Philippines, gạo Việt vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối.

Ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: Nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines hiện nay vẫn có nhu cầu cao với gạo VN. Họ đang tích cực nhập khẩu để đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ mùa tiêu thụ cuối năm cũng như những tháng mùa khô của năm 2025. Chính vì vậy, giá gạo xuất khẩu của VN chẳng những không giảm mà còn tăng 10 USD/tấn so với cuối tháng 10. Cụ thể giá gạo DT8 đang giao tại cảng TP.HCM là 670 USD/tấn. Dù thị trường Indonesia và châu Phi chuộng gạo giá rẻ nhưng vẫn có nhu cầu nhập khẩu cao và là khách hàng truyền thống của VN. Dự báo nhu cầu của các thị trường này vẫn ở mức cao trong thời gian tới. 

"Ngoài ra, một thị trường truyền thống khác của VN là Trung Quốc thời gian qua vẫn chưa chuyển động do giá chưa về mức kỳ vọng của họ. Dự báo vào vụ đông xuân tới, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ quay lại thị trường. Điều này sẽ giúp gạo VN giữ đầu ra và giá ổn định", ông Trọng nhận định.

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm: Gạo thơm, chất lượng cao của VN giữ được giá tốt, ngoài việc thị trường xuất khẩu ổn định thì thị trường nội địa cũng có nhu cầu cao. Văn hóa truyền thống của người Việt thường mua gạo dự trữ trong nhà vào dịp đầu năm mới với hàm ý tượng trưng sự no ấm, đủ đầy. Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay các nhà sản xuất cũng tập trung nguồn hàng chất lượng cao phục vụ thị trường nội địa. Nếu giá gạo trắng xuất khẩu bình quân khoảng 15.000 - 15.500 đồng/kg thì gạo thơm cao hơn đáng kể, nhất là gạo đặc sản như ST25 giá xuất kho đã lên đến 29.000 - 31.000 đồng/kg; giá bán lẻ nội địa từ 35.000 - 36.000 đồng/kg. Nguyên nhân là các loại gạo này phải được trồng ở các vùng nước lợ, ven biển miền Tây mới cho chất lượng tốt.

Nhập khẩu gạo cũng tăng mạnh trong tháng 10, giá trị nhập khẩu đạt 148 triệu USD, tăng 225% so với tháng 10.2023. Lũy kế 10 tháng của năm 2024, nhập khẩu gạo của VN đạt gần 1,2 tỉ USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường gạo tiếp tục có nhu cầu cao

Báo chí Philippines dẫn nguồn từ cơ quan chức năng nước này cho biết tính đến cuối tháng 10 đã nhập khẩu 3,8 triệu tấn gạo, vượt kỷ lục 3,6 triệu tấn vào năm 2023. Trong 2 tháng cuối năm, dự báo lượng gạo nhập khẩu của Philippines khoảng 400.000 tấn/tháng. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay sẽ đạt từ 4,6 - 4,7 triệu tấn, tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tính đến cuối tháng 10.2024, Philippines nhập khẩu 2,9 triệu tấn gạo từ VN, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,7 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines.

Bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới là Indonesia cho biết có nhu cầu nhập khẩu gạo cao. Sau gói thầu gạo 500.000 tấn vừa có kết quả, Indonesia tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu đến 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ. Mục tiêu nhằm giúp Indonesia duy trì nguồn cung gạo tới tháng 2.2025. Trong năm 2024, Indonesia là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới với 3,6 triệu tấn.

Nguồn TNO

Tin cùng chuyên mục