Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xuất, nhập khẩu hàng hoá “lao đao” vì dịch bệnh
Chủ nhật: 23:20 ngày 08/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Một số doanh nghiệp hiện chưa hoạt động.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp dệt may.

Theo Sở Công Thương, tính chung 2 tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tương đối ổn định và tăng 14,03% so cùng kỳ năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,32%. Các ngành kinh tế tăng so cùng kỳ: công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 10,92%); sản xuất phân phối điện (tăng 173,52%); cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải (tăng 24,81%). Phần lớn các phân ngành công nghiệp đều tăng so cùng kỳ.

Đóng góp cho tăng trưởng công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2020 vẫn chủ yếu từ ngành công nghiệp có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn như: dệt may, cao su và plastic, da và sản phẩm có liên quan, chế biến lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, có một số doanh nghiệp chưa hoạt động, các chuyên gia người nước ngoài bị cách ly không trực tiếp tham gia chỉ đạo công việc và một số vẫn chưa được phép nhập cảnh vào Việt Nam đã làm giảm mức tăng trưởng chung của toàn ngành trong những tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tiến Dương Tây Ninh (xã Bình Minh, TP. Tây Ninh) cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và có tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế -  xã hội, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nguyên vật liệu đầu vào, xuất khẩu tinh bột mì... Trước tết, doanh nghiệp đã xuất đi 2.000 tấn bột mì, tương đương 10 tỷ đồng nhưng đến nay công ty vẫn chưa nhận được tiền thanh toán từ phía đơn vị thu mua.

Công ty đang trong tình trạng hết vốn để hoạt động. Trước tình hình này, phía ngân hàng cũng sợ rủi ro nên chỉ giải ngân hỗ trợ cho doanh nghiệp 50% số vốn/đơn hàng. Với số vốn này, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng hoặc sẽ ngưng hoạt động. Trong khi đó, công ty còn tồn kho gần 2.000 tấn bột chưa thể xuất đi được.

Ông Dũng cho biết thêm, thời điểm trước tết, công suất chế biến của nhà máy hơn 100 tấn bột/ngày, hiện tại công suất chế biến còn từ 50 - 60 tấn/ngày, giảm khoảng 50% công suất chế biến nên có khả năng sẽ phải tạm ngưng hoạt động. 

Một doanh nghiệp chế biến tinh bột mì ở huyện Châu Thành cho biết, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp này là Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Malaysia... Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80%. Hiện nay, việc xuất khẩu qua biên giới hoàn toàn ngưng trệ, không thông quan được, hàng tồn kho cao dẫn đến chiếm dụng vốn đầu tư; sản lượng xuất bán giảm sút. Doanh nghiệp này kiến nghị tỉnh và các ngành chức năng có chính sách giảm, cho chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT; hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi cho doanh nghiệp; giảm lãi suất vay, giảm trả nợ vay; đồng thời hỗ trợ mở cửa, thông quan để xuất nhập khẩu hàng hoá.

Theo Sở Công Thương, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Một số doanh nghiệp hiện chưa hoạt động. Phần lớn nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật, chủ yếu là chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc của các dự án chưa thể qua Việt Nam để trực tiếp điều hành dự án. Còn đối với các dự án đã được giải ngân vốn, thi công công trình đang trong giai đoạn triển khai xây dựng cơ bản tiến độ chậm lại hoặc dừng thi công.

Còn theo Cục Hải quan Tây Ninh, trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu nhiều tác động không nhỏ. Theo thống kê, kim ngạch nhập khẩu từ ngày 1.1.2020 đến 29.2.2020 là 623.773.361 USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2019.  

Kim ngạch xuất khẩu từ 1.1.2020 đến 29.2.2020 là 973.447.083 USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2019, do xuất khẩu các hàng hoá (dệt may, giày da…) đã được sản xuất từ các nguyên liệu đã nhập khẩu trước khi có dịch bệnh và thị trường xuất khẩu tại nhiều nước chưa chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phần lớn là doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… là các quốc gia đang bùng phát dịch bệnh. Do đó, việc nhập khẩu các nguyên liệu, vật tư từ các quốc gia này để phục vụ cho hoạt động gia công, sản xuất của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn trên, Sở Công Thương đã kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét cho phép cấp mới giấy phép lao động cho người nước ngoài đã được cách ly 14 ngày theo quy định tại cơ sở lưu trú và được cơ quan quản lý y tế có thông báo thực hiện xong cách ly. Đồng thời, cơ quan hữu quan cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được nhập khẩu nguyên vật liệu kịp thời để bảo đảm cho quá trình sản xuất không bị gián đoạn.

Sở Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp rà soát và báo cáo tình hình lao động, chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc làm việc tại các cơ sở sản xuất đã về nghỉ tết ở Trung Quốc, Hàn Quốc… chưa trở lại Việt Nam; làm việc với đối tác nước ngoài để các chuyên gia, lao động của các nước tạm thời chưa quay lại Việt Nam, có phương án sử dụng lao động phù hợp, tránh để ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nghiên cứu giải pháp, tìm thêm thị trường để nhập nguồn nguyên liệu nếu bị thiếu hụt và tạo đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu. 

Khoai mì được đưa vào chế biến tại một nhà máy mì trên địa bàn thị xã Hoà Thành.

Cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường tuyên truyền thông tin tới các doanh nghiệp và người lao động về tình hình diễn biến dịch bệnh, các biện pháp ngăn ngừa để doanh nghiệp và người lao động yên tâm, ổn định sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, nhưng phải đi đôi với việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của ngành, của các cơ quan cấp trên về phòng, chống dịch bệnh.

Ngành Hải quan cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý tại địa bàn (kiểm dịch, biên phòng…) trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh; theo dõi sát sao diễn biến, tình hình dịch bệnh của nước bạn (Campuchia) để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Ngành đã trang bị đầy đủ các thiết bị y tế để phòng, chống dịch bệnh cho công chức Hải quan khi thực hiện nhiệm vụ, tuân thủ các biện pháp y tế để bảo vệ sức khoẻ bản thân, phòng tránh lây nhiễm cho người khác.

Trúc Ly - Nhi Trần

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục