Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
So với Nghị định 138 năm 2013, dự thảo nghị định lần này cụ thể hơn và có nhiều nội dung mới hơn. Ngày 20.5 là thời hạn chót để Bộ GD-ĐT nhận ý kiến đóng góp trước khi trình Chính phủ thông qua nghị định này.
Ngày 20.3, Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nội dung dự thảo có nhiều điểm mới, đáng quan tâm. Dự thảo nghị định (khi được thông qua) sẽ thay thế Nghị định 138 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Đối tượng áp dụng của Nghị định gồm cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường trung cấp và trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên, cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm và viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ…
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 50 triệu đồng, với tổ chức là 100 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, cơ sở giáo dục có sai phạm còn phải khắc phục hậu quả hoặc thậm chí phải giải thể cơ sở giáo dục, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục cùng nhiều chế tài khác. Vậy, những hành vi nào bị coi là vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục?
Trước tiên, cơ sở giáo dục vi phạm quy định về thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục hoặc thành lập tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục nếu làm sai lệch nội dung như sửa chữa, tẩy xoá quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục.
Các hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Mức phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập; giải thể tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc cho phép thành lập không đúng thẩm quyền.
Cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm nếu thành lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc không đúng thẩm quyền cũng sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Ngoài tiền, những cơ sở giáo dục vi phạm còn bị áp dụng các chế tài như tịch thu quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục đối với hành vi vi phạm.
Điều 7 của dự thảo nghị định quy định mức phạt tiền từ 5 đến 15 triệu đồng đối với các hành vi công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định; thực hiện không đầy đủ hoặc đúng hạn báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo quy định; báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất có nội dung không chính xác…
Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh cũng sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đến 40 triệu đồng, tuỳ thuộc vào mức độ sai phạm.Các hành vi vi phạm trong tuyển sinh như thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định; thông báo tuyển sinh không đủ thời gian theo quy định. Không công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào; thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố… cũng bị xử phạt hành chính.
Cơ sở giáo dục thực hiện liên kết trong đào tạo nếu cắt xén nội dung, giảm bớt thời lượng đào tạo cũng bị phạt hành chính, tuỳ vào mức độ sai phạm, số tiền phạt khi có sai phạm trong liên kết đào tạo lên tới 50 triệu đồng. Điều 14 của dự thảo quy định phạt tiền nếu thí sinh vi phạm quy chế thi. Ví dụ, hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi bị phạt 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Người nào có hành vi làm hộ bài cho thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài sẽ bị phạt từ 2 đến 4 triệu đồng… Điều 23 quy định xử phạt cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên nếu sử dụng nhà giáo không đủ tiêu chuẩn thì bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Tại Điều 25, dự thảo quy định, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động khác trong cơ sở giáo dục.
Hành vi vi phạm quy định về phổ cập giáo dục cũng sẽ bị phạt tiền. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi xúi giục không đi học hoặc xúi giục bỏ học đối với người học các cấp học phổ cập. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học phổ cập.
Điều 30 của dự thảo quy định, cơ sở giáo dục không công khai tài chính sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Cơ sở giáo dục thu hoặc chi các khoản không đúng quy định sẽ bị phạt tối đa 20 triệu đồng. Thẩm quyền lập biên bản, xử phạt được giao cho UBND các cấp xã, huyện, tỉnh cũng như thanh tra ngành giáo dục (tuỳ tính chất, mức độ, vụ việc cụ thể).
Dự thảo nghị định còn quy định hàng chục hành vi khác bị xử phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả. So với Nghị định 138 năm 2013, dự thảo nghị định lần này cụ thể hơn và có nhiều nội dung mới hơn. Ngày 20.5 là thời hạn chót để Bộ GD-ĐT nhận ý kiến đóng góp trước khi trình Chính phủ thông qua nghị định này.
Đ.V.T