Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thầy giáo dạy học sinh bằng những cái tát học sinh, lời lẽ như chợ búa, tôi thực sự thấy xấu hổ và đáng buồn khi trong ngành giáo dục lại có những người thầy hành xử thiếu văn hóa như vậy.
Cô giáo Tuyết Nga – Giáo viên trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ với PV Infonet: “Khi xem clip thầy giáo dạy học sinh bằng những cái tát học sinh, lời lẽ như chợ búa, tôi thực sự thấy xấu hổ và đáng buồn khi trong ngành giáo dục lại có những người thầy hành xử thiếu văn hóa như vậy. Tôi thực sự bất bình với các dạy học trò của người thầy này, đây là cách dạy phản giáo dục…”
Theo cô giáo Tuyết Nga trong một số trường hợp thầy giáo quá nóng tính, bức xúc coi học sinh là con, là cháu mình thì vẫn có hành động tát một cái để cảnh cáo.
“Điều này ở một chừng mực nào đó, tôi nghĩ thầy giáo đó vẫn được phép, và nên làm để cảnh cáo, răn đe… không chỉ cho học sinh đó mà còn các học sinh khác.” – Công Tuyết Nga chia sẻ.
Thầy giáo có hành vi tát học trò, và cư xử lời lẽ chợ búa (ảnh cắt trong clip).
Theo cô Tuyết Nga, nhưng tát nhiều lần, và xưng hô kiểu “mày – tao” thì đây là rất đáng lên án, và cảm thấy buồn khi người thầy có những hành xử như vậy.
Riêng những lời nói xưng hô “mày –tao” trong clip thực sự phản giáo dục, vì trong ngành giáo dục, giữa thầy và trò không được phép xưng hô “mày - tao”.
Ngoài ra, còn phải nói đến hoàn cảnh của học sinh đó, hiện nay do tác động của nhiều yếu tố như: trò chơi, phim ảnh… rồi hoàn cảnh gia đình giáo dục chưa được nghiêm, khiến học sinh đó học hành kém, không được mong đợi như của thầy giáo, nên mới xảy ra những hành động mắng chửi, xưng hô thô tục, thậm chí đánh tát…
"Ở trường hợp này, về phía nhà trường chắc chắn sẽ có những hình thức kỷ luật đích đáng. Từ đầu năm học, các nhà trường đều đưa ra những quy định riêng của trường nếu giáo viên vi phạm, và tùy vào hình thức, mức độ như thế nào để xử lý." - Cô Nga cho biết.
Theo cô giáo Thu Hương, hành vi ứng xử của người thầy như vậy không nên đứng trong môi trường sư phạm.
Cô giáo Lê Thị Thu Hương, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cũng bất bình với hành động thầy giáo tát học trò và lời lẽ xưng hô “mày – tao”. “Tôi nghĩ đây không phải là hành động của giáo viên đứng lớp, dù có xảy ra chuyện gì giáo viên cũng phải bình tĩnh tìm cách xử lý… Trong khi, thầy cô giáo dạy học sinh thế này, thế kia là đúng, nhưng chỉ vì nóng nảy mà thầy giáo lại phạm sai lầm”.
Theo cô Hương, trong ngành giáo viên không cho phép thầy cô giáo xưng hô kiểu “mày –tao” với học sinh. Kể ngay cả trẻ đi học về, bố mẹ gọi “mày –tao” nó đã phản ứng rồi, nói gì là thầy cô đứng ở trên lớp, khó chấp nhận được.
Xưng hô kiểu này chỉ dành cho bạn bè dân dã, thân mật… chứ không phải thầy thích thế nào là gọi thế được. Chính cách cư xử như vậy, khiến cho học trò lại theo thầy và người thầy sẽ mất đi vị thế trong những học trò như vậy. Và rất dễ xảy ra bạo lực học đường.
“Quan hệ thầy trò trong những vụ việc xảy ra thời gian qua, nếu người thầy giữ ở mức quan hệ với trò một khoảng cách nhất định thì sẽ không xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Trong môi trường sư phạm, tùy từng trường hợp cụ thể, hoàn cảnh cụ thể người thầy có thể vận dụng để giáo dục học trò. Người thầy phải cách giáo dục khéo léo để có cái uy để học trò nể, học trò sợ.” – Cô Hương phân tích.
Cô Hương nêu quan điểm, vì giáo dục gia đình cũng là một phần rất quan trọng đến hình thành nhân cách sống, cư xử của học trò đối với những người xung quanh. Gia đình là tế bào của xã hội, việc giáo dục cho học trò từ gia đình mà không nghiêm thì sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của học trò.
Ngoài việc xử lý của nhà trường, xét trong từng hoàn cảnh, người thầy trong clip cần phải nhận được sự chia sẻ của đồng nghiệp, nếu người thầy đó cảm thấy hối hận thì chúng ta nên tạo điều kiện cho thầy giáo đó tiếp tục giảng dạy, còn nếu không, thầy sẽ khó đứng trong môi trường sư phạm…
Theo Nguyễn Hiếu (Infonet)