Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khác với những lời đồn đãi rằng ông bị suy hô hấp nặng, khả năng cứu chữa rất thấp, phải chuyển đi TP.HCM điều trị, chiều 8.8, Bs. Cường vẫn trao đổi với chúng tôi một cách bình thường qua điện thoại.
Sau khi có tin một ca dương tính với cúm A/H1N1 là một bác sĩ, lãnh đạo trong ngành Y tế, ngay lập tức xuất hiện nhiều lời đồn thổi thất thiệt, gây hoang mang cho cộng đồng. Để tìm hiểu thực hư thế nào, chúng tôi đã đến khoa Nhiễm- Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, nơi vị bác sĩ này đang được cách ly, điều trị.
Người mắc cúm A/H1N1 chính là Bs. Nguyễn Văn Cường- Phó GĐ Sở Y tế, Phó trưởng ban chỉ đạo Phòng chống cúm A/H1N1 tỉnh Tây Ninh. Từ phòng cách ly, qua một lớp cửa kính khá dày, Bs. Cường vẫy tay chào chúng tôi. Khác với những lời đồn đãi rằng ông bị suy hô hấp nặng, khả năng cứu chữa rất thấp, phải chuyển đi TP.HCM điều trị, chiều 8.8, Bs. Cường vẫn trao đổi với chúng tôi một cách bình thường qua điện thoại, rồi theo yêu cầu của chúng tôi, ông bước ra khỏi phòng, đứng ở dãy hành lang cách ly với một thể trạng hoàn toàn khoẻ mạnh. Dưới đây là cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại với Bs. Nguyễn Văn Cường.
Từ khu vực cách ly đặc biệt, bác sĩ Nguyễn Văn Cường- PGĐ Sở y tế giơ tay chào chúng tôi. Trông ông khoẻ mạnh, không có hiện tượng viêm phổi hay suy hô hấp nặng như những lời đồn nhảm. |
PV: Chào bác sĩ, đã mấy ngày qua, có nhiều tin đồn về tình trạng sức khoẻ của ông, nào là suy hô hấp nặng, sốt cao, không còn khả năng cứu chữa v.v… Bác sĩ nghĩ như thế nào về những tin đồn này? Hiện nay, tình trạng sức khoẻ của ông ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Văn Cường: Trước hết, tôi xin cám ơn sự quan tâm của người dân đối với sức khoẻ của cá nhân tôi. Quả thật, đối với những người làm công tác chống dịch ngành Y tế, khả năng nhiễm bệnh không thể nào tránh khỏi. Cá nhân tôi cũng vậy. Mặc dù hiểu rất rõ cơ chế lây bệnh, nhưng bản thân tôi lại trực tiếp đến xử lý tại các ổ dịch nên không tránh khỏi có những tình huống đáng tiếc xảy ra. Đây cũng là lần đầu tiên anh em y tế phải đối diện với cơn dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng nên không tránh khỏi sự lúng túng khi thực hiện các thao tác phòng chống dịch. Để bảo vệ cán bộ mình trước dịch bệnh, tôi đã trực tiếp hướng dẫn họ sử dụng đồ phòng hộ đúng cách, cách phun khử trùng thế nào là an toàn v.v… Việc tiếp xúc quá nhiều yếu tố nguy cơ cao đã làm tôi mắc bệnh. Tuy nhiên, đó không phải là sự chủ quan, lơ là của một bác sĩ, mà là những điều bất khả kháng, không lường hết trong lúc dịch lan tràn như hiện nay.
Từ lúc nhập viện điều trị, sức khoẻ tôi vẫn luôn ổn định, không có các triệu chứng nào khác như suy hô hấp, viêm phổi như lời đồn. Hiện tại, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh đã làm rất tốt công việc điều trị cho bệnh nhân cúm A/H1N1.
PV : Nhưng trước việc một trong những lãnh đạo của ngành Y tế Tây Ninh lại bị nhiễm cúm A/H1N1, điều đó không tránh khỏi tình trạng người dân cảm thấy bất an, lo lắng cho bản thân và gia đình sẽ dễ dàng mắc bệnh. Bác sĩ có lời khuyên gì cho người dân không?
Bác sĩ Nguyễn Văn Cường: Tôi xin khẳng định lại, dịch cúm A/H1N1 hiện nay chưa có dấu hiệu gây
Bác sĩ Mai Thị Rơi (Khoa nhiễm, BV Đa khoa Tây Ninh) cho biết: Từ khi nhập viện đến nay, bệnh nhận Nguyễn Văn Cường đều trong tình trạng sức khoẻ ổn định, không có biến chứng khác lạ. Nếu không có gì bất thường, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm lại”. |
chết người hàng loạt trong cộng đồng, người dân không nên quá lo lắng. Theo nhận xét của TS.BS Trần Tịnh Hiền- PGĐ Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, hầu hết những ca mắc cúm A/H1N1 đều khoẻ mạnh và tự khỏi sau một thời gian điều trị . Chúng ta không nên quá hoang mang lo sợ, mà cần nghiêm túc thực hiện những khuyến cáo của y tế trong việc phòng chống cúm A/H1N1. Nếu không may mắc bệnh, chúng ta cần có hành động phù hợp để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng như tự hạn chế tiếp xúc khi có dấu hiệu bệnh, chấp nhận những phương án điều trị do phía y tế đưa ra v.v… Bản thân tôi là một bác sĩ, nhưng khi có triệu chứng cúm thì tôi cũng đã tự cách ly mình. Gia đình tôi cũng đã tuân thủ quy trình điều trị và cách ly theo chỉ định của bác sĩ điều trị, nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh vào cộng đồng dân cư. Dẫu người bệnh và gia đình phải chịu thiệt thòi về tinh thần lẫn vật chất (nếu gia đình có kinh doanh, buôn bán hàng hoá, thức ăn…) do cách ly điều trị, nhưng đổi lại chúng ta mau chóng bình phục, có sức khoẻ tốt, và quan trọng là bảo vệ được cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm cao.
Nhân đây, tôi cũng xin khuyến cáo, dù không rõ mục đích các tin đồn về sức khoẻ của tôi là để làm gì, người dân cũng không nên lo lắng cực độ. Tốt nhất là không nên che giấu tình trạng bệnh tật của mình vì mục đích cá nhân. Nếu bản thân có bệnh, cần cách ly điều trị ngay. Pháp luật cũng đã quy định người nào cố tình che giấu bệnh trạng, làm xảy ra dịch trong cộng đồng thì sẽ xử lý theo Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm và Nghị định 145 của chính phủ.
PV: Xin cám ơn bác sĩ, chúc ông mau chóng bình phục.
Yên Khuê