Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vụ đền bù giải toả này đã lâu, liên quan đến nhiều hộ dân ở ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, trong đó có ông Đàm Tuy.

![]() |
Ông Tuy chỉ vào phần đất bị thu hồi |
Vụ đền bù giải toả này đã lâu, liên quan đến nhiều hộ dân ở ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, trong đó có ông Đàm Tuy.
Theo trình bày của ông Tuy: năm 2004, dự án đường vào khu di tích Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được thực hiện giai đoạn 2. Do con đường đất hiện có quá hẹp nên ở giai đoạn 2 này Nhà nước phải mở rộng lòng đường. Muốn vậy thì phải thu hồi đất của một số hộ dân ở hai bên đường, trong đó có đất của ông Tuy. Trước khi thực hiện cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm kê tài sản như cây cối, cảnh vật kiến trúc, các công trình xây dựng trên đất. Thành phần đoàn kiểm kê có đại diện UBND, Địa chính xã Tân Lập, Địa chính huyện Tân Biên và Ban đền bù giải toả của huyện.
Sau khi cắm mốc lộ giới và kiểm kê tài sản, hoa màu, vật kiến trúc có trên đất, ông Tuy được mời ra UBND xã Tân Lập thông báo kết quả. Ông Tuy không thắc mắc gì về bản kiểm kê này. Tháng 1.2004, ông Tuy nhận được bảng giá đền bù trên đất bị giải toả và cả cây cối trên đó, với số tiền hơn 90 triệu đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên sau 7 năm (đến tháng 1.2011), ông Tuy mới nhận được tiền. Tổng số tiền mà ông Tuy được nhận là 364.920.000 đồng. Trong đó, có hơn 191 triệu đồng tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, còn lại là tiền đền bù giải toả đất đai, cây cối, vật kiến trúc. Sở dĩ số tiền đền bù giải toả được nâng từ 91 triệu lên 364 triệu là do có sự biến động rất lớn về giá đất, sau thời gian 7 năm. Không chỉ có đất, ngay cả cây cối cũng được tính giá tại thời điểm nhận tiền, vì lúc ấy cây cối đã được 7- 8 năm tuổi.
Ngày 19.1.2011, ông Tuy đến UBND huyện Tân Biên nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, ông Tuy cho rằng số tiền được nhận là chưa đủ. Bởi vì, trong quyết định của UBND huyện Tân Biên chi trả tiền bồi thường cho gia đình đã không tính đầy đủ số cây trồng trên phần đất bị thu hồi. Cụ thể, UBND huyện Tân Biên đã không tính hơn 55.000 cây tràm giống, 2.500 cây tràm 2 năm tuổi và 200 cây ô dước (hay rước?). Theo ông Tuy, nếu tính đầy đủ 3 loại cây vừa nêu thì số tiền tăng thêm khoảng 177 triệu đồng. Khi ông Tuy thắc mắc, một người trong Ban giải toả đền bù của huyện Tân Biên giải thích: Hội đồng đền bù không chấp nhận số cây mà ông Tuy kê khai năm 2004 (mặc dù số cây này đã được chính quyền xã và huyện xác nhận vào năm đó). Ngay trong ngày 19.1.2011, ông Tuy gửi đơn khiếu nại lên UBND huyện Tân Biên. Ngày 24.2.2011, Trung tâm Phát triển quỹ đất Tân Biên (trực thuộc UBND huyện) có công văn trả lời ông Tuy. Theo đó, số cây tràm giống và cây tràm 2 năm tuổi không được đưa vào phương án phê duyệt chi trả đền bù. Bởi vì, Quyết định số 64/2009/QĐ–UBND ngày 16.12.2009 của UBND tỉnh không quy định về bồi thường cây giống trên đất bị thu hồi. Mặt khác, căn cứ vào diện tích đất của ông Tuy bị thu hồi thì số lượng các loại cây được đưa vào phương án đền bù là hợp lý. Trung tâm Phát triển quỹ đất cho rằng, chỉ với diện tích 2.931m2 không thể có số lượng cây lớn như vậy được.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Trần Văn Tảo (Giám đốc) và ông Nguyễn Hồng Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Tân Biên giải thích thêm: Dự án đường vào khu di tích lịch sử được khởi động năm 2004, lúc bấy giờ người dân tự kê khai tài sản, cây cối trên phần đất bị thu hồi. Nhưng chỉ xác nhận về con người, nhân thân. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đến cuối năm 2008 Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện Tân Biên mới tham mưu cho UBND huyện, thành lập Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư. Lúc này, hiện trạng cũ không còn nên không có cơ sở để kiểm chứng lại, xem các hộ dân có kê khai đúng hay không. Vì vậy, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng xin phép Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư căn cứ vào tờ khai của dân (như đã nói ở trên) để chi trả. Tuy nhiên, Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư không đồng ý giải quyết 2.500 cây tràm, bởi vì điều này không hợp lý. Cụ thể, Hội đồng cho rằng trên một diện tích đất chỉ khoảng 3.000m2, ông Tuy không thể trồng với số lượng cây lớn như vậy được…
Theo chúng tôi, xung quanh vụ giải toả đền bù này còn một vài vấn đề cần phải được làm rõ. Chẳng hạn diện tích đất bị thu hồi không khớp nhau. Cụ thể, trong bản tự khai của ông Tuy (có xác nhận của các cấp chính quyền) thì diện tích đất bị thu hồi là 3.641,6m2. Tuy nhiên, Hội đồng và Trung tâm lại ghi chỉ có 2.931,3m2? Mặt khác, số lượng 2.500 cây tràm 2 năm tuổi mà ông Tuy kê khai, có xác nhận của chính quyền địa phương… Thế nhưng Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư và Trung tâm Phát triển quỹ đất Tân Biên lại không tính số cây này… Trong trường hợp của ông Đàm Tuy, nên chăng chính quyền huyện Tân Biên cần xem xét lại để giải quyết một cách thoả đáng?
VIỆT ĐÔNG