Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xung quanh thông tin tăng học phí-hiểu thế nào cho đúng ?
Thứ bảy: 09:32 ngày 14/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hai ngày nay, dư luận xã hội bàn tán về thông tin Bộ GD&ÐT có ý định tăng học phí đối với tất cả các cấp, bậc học. Thực ra, đây là dự thảo của Bộ GD&ÐT trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 86 năm 2015. Luật Giáo dục năm 2019 quy định bỏ học phí đối với học sinh cấp THCS. Trong khi quy định của luật chưa được áp dụng, lại tăng học phí, có điều mâu thuẫn ở đây không?

Học sinh một trường tiểu học (ảnh minh hoạ).

Theo dự thảo, nghị định này quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; nguyên tắc, phương pháp xác định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Nghị định áp dụng đối với trẻ em học mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh (gọi chung là người học) đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gọi chung là cơ sở giáo dục); các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ðối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, mức thu học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định.

Lộ trình thực hiện, theo dự thảo, khung học phí năm học 2021-2022 thực hiện theo quy định tại Khoản 2 (xem bên dưới). Từ năm học 2022-2023 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ tăng tối đa 7,5%/năm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân.

Căn cứ khung học phí quy định tại Khoản 2 Ðiều này, UBND cấp tỉnh trình HÐND cùng cấp quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng tối đa không vượt mức trần quy định. Khung học phí (mức sàn - mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng trong nước như sau:

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc sắp xếp, phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí theo vùng của đơn vị.

Học phí được thu định kỳ hằng tháng, học sinh, sinh viên tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Ðối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu tối đa 9 tháng/năm.

Ðối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu tối đa 10 tháng/năm. Trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng dẫn đến thời gian học không đủ 9 tháng đối với giáo dục mầm non phổ thông và 10 tháng đối với giáo dục đại học thì học phí được thu theo số tháng học thực tế (trường hợp không triển khai học trực tuyến thì không thu học phí).

Chỉ thực hiện thu học phí khi tổ chức học trực tuyến hoặc khi bố trí học bù. Mức thu học phí bảo đảm nguyên tắc theo số tháng thực học và chi phí phát sinh cần thiết để tổ chức dạy học nhưng không vượt quá quy định tại nghị định này đối với cơ sở giáo dục công lập, không vượt quá tổng thu học phí tính theo số tháng tối đa của 1 năm học đã công khai từ đầu năm học đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời gian học, mức thu học phí, chính sách miễn giảm học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Quản lý và sử dụng học phí, cơ sở giáo dục công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng thu, chi học phí của cơ sở giáo dục công lập phải tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán và báo cáo tài chính hằng năm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục sử dụng học phí theo nguyên tắc tự bảo đảm thu, chi và chịu trách nhiệm về quản lý tài chính đối với hoạt động của mình. Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Ðối tượng không phải đóng học phí gồm có học sinh tiểu học trường công lập; người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Các ngành chuyên môn đặc thù do Chính phủ quy định.

Theo dự thảo, có 19 nhóm đối tượng được miễn học phí, trong đó có trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền được miễn học phí từ năm học 2021-2022 (nhóm 8). Học sinh trung học cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại (nhóm 8) được miễn học phí từ năm học 2025-2026 (từ ngày 1.9.2025)....

Một trong những thông tin gây thắc mắc là, tại sao Luật Giáo dục năm 2019 quy định miễn học phí đối với học sinh cấp THCS nhưng nay lại quy định tăng học phí đối với cấp học này? Tại sao trong dự thảo lại quy định cả mức học phí đối với học sinh tiểu học, trong khi học sinh cấp học này từ hàng chục năm nay không phải đóng học phí? Khoản 5, Ðiều 99 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định “trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định” nhưng tại sao không bỏ, lại còn tăng học phí?

Trên thực tế, mức thu học phí đối với bậc học mầm non, cấp tiểu học cần được hiểu đây là định mức mà Nhà nước chi ra để trả cho cơ sở giáo dục trong một năm học đối với một học sinh. Khoản tiền này, hiện tại học sinh mầm non, đúng hơn là gia đình các cháu vẫn phải đóng trực tiếp cho nhà trường.

Riêng học sinh tiểu học, Nhà nước cấp bù cho nhà trường, người học và gia đình người học không phải đóng khoản tiền này. Ðối với học sinh cấp THCS, Luật Giáo dục năm 2019 quy định được miễn học phí nhưng “theo lộ trình”. Lộ trình này, trong dự thảo có nói, sẽ thực hiện từ ngày 1.9.2025.

Ðiều này có nghĩa từ nay đến năm 2025, học sinh THCS vẫn phải đóng học phí. Như vậy, hiện tại, Nhà nước chỉ thực hiện cấp bù ngân sách cho cơ sở giáo dục tiểu học và học sinh cấp học này không phải đóng học phí. Hoàn toàn không có chuyện khi tăng học phí thì học sinh tất cả các cấp, bậc học phải trực tiếp đóng học phí. Cũng như Nghị định 86 năm 2015, dự thảo sửa đổi lần này quy định chi tiết việc miễn, giảm học phí theo tỷ lệ phần trăm cho nhiều nhóm đối tượng học sinh thuộc diện chính sách.

Ð.V.T

“Nhà nước cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện việc miễn, giảm học phí đối với người học thuộc các đối tượng miễn, giảm quy định tại Nghị định này và đang học tại cơ sở giáo dục đó với mức thu học phí tương ứng với từng cấp học. Nhà nước cấp trực tiếp bằng chuyển khoản số tiền hỗ trợ đóng học phí cho cơ sở giáo dục tiểu học tư thục có học sinh thuộc đối tượng được hỗ trợ tiền đóng học phí” - trích dự thảo nghị định.

data:
  • Kết quả SXMB nhanh nhất
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục