BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xung quanh việc đấu thầu xử lý lục bình: Gói thầu là “chùm khế ngọt”?

Cập nhật ngày: 19/06/2011 - 11:22

“Lỗ” cũng “đấu” !

Mới đây, Báo Tây Ninh thông tin về việc 10 đơn vị tham gia đấu thầu xử lý lục bình, đơn vị chào giá thấp nhất là 4 tỷ đồng, cao nhất là 9,3 tỷ đồng. Là người quan tâm, theo dõi về thực trạng lục bình và quá trình giải quyết “vấn nạn” này, tôi cảm thấy băn khoăn trước một số thông tin xung quanh việc đấu thầu đang được ngành chức năng triển khai.

Thứ nhất, theo chủ trương của UBND tỉnh, mức chào giá cao nhất của nhà thầu được chấp nhận là không vượt quá 6 tỷ đồng. Như vậy, có thể nói, “mức giá trần” để làm cơ sở “chấm thầu” là 6 tỷ đồng. Nghĩa là, nhà thầu nào chào giá trên 6 tỷ đồng thì có lẽ gần như chắc chắn sẽ… không “trúng thầu”. Và thường thì theo quy định đấu thầu, nhà thầu nào chào giá mức thấp nhất sẽ được chọn. Có lẽ vì vậy mà có nhà thầu chào giá 4 tỷ đồng.

Liệu máy móc có xử lý được lục bình, làm “thông thoáng luồng tàu chạy”?

Điều đáng bàn ở đây là theo tìm hiểu từ nhiều nhà chuyên môn, những người tâm huyết với việc xử lý lục bình, thì để “thông thoáng luồng tàu chạy” theo quy định của tỉnh (chiều dài khoảng 101 km; chiều rộng bình quân phải bảo đảm thông thoáng là 70m), số tiền 6 tỷ đồng “không thể đủ chi phí” trong suốt 5 năm. Nghĩa là, ngay cả những doanh nghiệp chào giá mức xấp xỉ 6 tỷ đồng cũng rất có khả năng “lỗ vốn”, bởi chi phí để xử lý một khối lượng khổng lồ lục bình là rất cao.

Vậy thì, chỉ có 2 lý do khiến nhà thầu bỏ giá thấp: Quyết tâm trúng thầu “cho bằng được”, hoặc nhà thầu này đã có phương án xử lý đầu ra cho lục bình rất khả thi, hiệu quả cao, mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể nên nhà thầu mới “không bận tâm nhiều” đến mức giá trúng thầu. Nếu quả thực có doanh nghiệp “rơi” vào trường hợp thứ hai, thì đây là điều “may mắn” cho tỉnh ta. Còn ngược lại, nếu doanh nghiệp trúng thầu thuộc trường hợp thứ nhất thì… mệt!

Một số người nói với tôi: “Giả dụ như có nhà thầu nào đó có năng lực tài chính kém, không có khả năng xử lý lục bình, không có phương án xử lý đầu ra hiệu quả nhưng trúng thầu thì sẽ ra sao? Theo dự kiến, sau khi trúng thầu, doanh nghiệp sẽ được giao khoảng 1,8 tỷ đồng hỗ trợ chi phí xử lý lục bình. Khi có số tiền này, nếu họ triển khai xử lý “cho có”, làm kiểu “ầu ơ ví dầu” để có cớ “xài tiền” thì có phải là lãng phí không? Còn nếu họ có cố gắng “xử lý” đi nữa, thì với năng lực yếu, cũng chỉ là “lực bất tòng tâm”, dòng sông vẫn đầy lục bình”.

Đợt này, có nhà thầu chào giá mức 7 tỷ đồng, có nhà thầu chào giá mức 9,3 tỷ đồng. Vì sao họ “không sợ rớt thầu mà chào giá cao”? Có người cho rằng, đây là những doanh nghiệp “trung thực”. Bởi thực tế, đối với doanh nghiệp, kinh doanh phải luôn mang lại lợi nhuận, dù ít hay nhiều. Một khi đã cân nhắc, tính toán, nhận thấy khả năng chào giá thấp là cầm chắc lỗ vốn thì những doanh nghiệp này chẳng đời nào tham gia. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, có thể doanh nghiệp này “chưa có phương án xử lý đầu ra cho lục bình” để thu hồi vốn đầu tư trong khâu xử lý nên mới chào giá cao.

Giá thấp chưa chắc trúng thầu?

Đem những băn khoăn trao đổi với một vị cán bộ lãnh đạo Sở GT-VT Tây Ninh. Vị này phân tích cho biết: Đúng là thông thường, nhà thầu nào chào giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Nhưng việc đấu thầu xử lý lục bình là việc làm “chưa có tiền lệ”. Do đó, việc tổ chức đấu thầu cũng chỉ nhằm thể hiện sự công khai, minh bạch trong việc chọn doanh nghiệp xử lý lục bình, không phải “rập khuôn” như quy định đấu thầu thông thường. Quan điểm của Sở GT-VT thì giá chào thầu chỉ là một trong những tiêu chí để Sở xét hồ sơ của nhà thầu. Giá thấp “hợp lý” cũng chưa chắc đã trúng thầu vì còn những tiêu chí bắt buộc khác. Còn giá “thấp nhất” mà xét thấy không hợp lý thì cũng không có khả năng được “chấm”.

Thực tế, UBND tỉnh đã có chủ trương, xác định số tiền 6 tỷ đồng chỉ là tiền hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý lục bình. Điều cốt yếu là doanh nghiệp phải tiêu thụ được lục bình sau khi vớt, bởi đây là nguồn thu quyết định yếu tố “lời, lỗ” của doanh nghiệp tham gia xử lý lục bình. Mặt khác, doanh nghiệp còn phải chứng minh được khả năng tài chính, năng lực về phương tiện cơ giới dùng để vớt lục bình. Như vậy, có thể nói rằng, việc “chấm thầu” dựa trên “số điểm tổng hợp” của nhiều tiêu chí, nên việc nhiều người băn khoăn về việc nhà thầu “bỏ giá thấp” là đúng nhưng “không đáng ngại”.

Có không ít đơn vị thử nghiệm máy rong cắt lục bình, nhưng đều thất bại. Ảnh: H.Y

Nếu quả thực quá trình xét thầu gói xử lý lục bình được thực hiện đúng như thông tin mà vị cán bộ Sở GT-VT vừa nêu, thì những người quan tâm có thể “an tâm phần nào” cho kế hoạch xử lý lục bình của tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc “chấm thầu” không chỉ nên triển khai trên hồ sơ, mà cần được kiểm tra, xác minh trong thực tế, có sự tham gia của các cơ quan thông tin đại chúng để bảo đảm tính khách quan. Bởi nếu chỉ dựa vào “lý thuyết suông” của các nhà thầu, thì vẫn có khả năng “ban giám khảo” bị “qua mặt”. Một khi đã xem xét, cân nhắc kỹ, nếu có nhà thầu thực sự có năng lực, ngành chức năng “chấm” cũng không muộn. Ngược lại, nếu không có nhà thầu “đạt yêu cầu”, Sở GT-VT xin ý kiến UBND tỉnh cho “dời” thời hạn chọn nhà thầu sang thời điểm khác “chín muồi” hơn, “thà chậm mà chắc”.

Liệu có khả thi?

Ở một góc độ khác, người viết bài này cho rằng, dù cho có tìm được nhà thầu “vừa ý” trong đợt đấu thầu này, thì khả năng xử lý lục bình đạt yêu cầu của tỉnh đưa ra cũng rất “mơ hồ”.

Theo quy định về việc vớt lục bình thông thoáng cho luồng tàu chạy (trung bình 70m ngang, dài 101km) thì tổng diện tích lục bình phải vớt trong thời điểm phủ kín mặt sông là: 70m x 101km = 7.070.000 m2. Với lượng lục bình khổng lồ như trên nhưng ngành chức năng quy định phải “xử lý” trong 90 ngày. Như vậy, mỗi ngày doanh nghiệp phải vớt khoảng… 78.000 m2 mặt sông có lục bình (chưa tính lượng lục bình phát sinh trong 3 tháng này). Để hoàn thành khối lượng công việc này, doanh nghiệp phải có một đội cơ giới tàu, sà lan, máy múc, băng chuyền, xe tải… rất “hùng hậu”, hoạt động “cật lực” với công suất lớn thì… may ra. Mặt khác, trong thời gian “chưa làm thông thoáng luồng tàu chạy”, đợi “xử lý lục bình”, tàu thuyền vẫn phải “nằm chờ” suốt 3 tháng.

Cũng có thể, sau khi trúng thầu, nhà thầu không thực hiện đúng các yêu cầu quy định của Nhà nước trong việc xử lý lục bình, dẫn đến tình trạng “tiền mất, lục bình mang”. Do đó, ngành chức năng cần tham mưu, đề xuất UBND tỉnh quy định các biện pháp chế tài cụ thể, có hiệu lực pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu.

Thêm một điều băn khoăn: Nếu quả thật có doanh nghiệp nào đó đã có phương án tiêu thụ lục bình sau khi vớt, có thể thu về lợi nhuận thì tại sao trong thời gian qua không có ai “thử chứng minh” đã “bán” được lục bình, mà chỉ nói trên lý thuyết?

Hy vọng gói thầu xử lý lục bình không phải “chùm khế ngọt” để ai đó thừa cơ trục lợi, để lại “trái đắng” cho Tây Ninh về lâu dài.

HOÀNG ĐÌNH BẢO