Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vụ đuối nước của hai em học sinh lớp 5 tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành vừa qua tại ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành vào ngày 10.3 tiếp tục được dư luận quan tâm.
Chỉ trong một ngày 10.3, trường tiểu học Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành đã mất đi hai em học sinh lớp 5 do tai nạn đuối nước.
Người dân địa phương cho biết, khu vực mương nước xảy ra tai nạn trước đây là đất lúa. Sau đó người chủ cho móc con mương chiều ngang khoảng 3-4m, còn độ sâu thì không rõ bao nhiêu. Khoảng tháng 8.2023, người chủ sử dụng đất cho lắp đặt cống ngang con mương để vào đất, do miệng cống không thoát nước hết nên gây ngập các đám ruộng nằm bên trên. Do đó người dân kiến nghị chính quyền xử lý.
Thực tế cho thấy, thửa ruộng nơi có mương móc nước có diện tích hơn 6.000m2, bên trên bờ ruộng chỉ cắm trụ xi măng, xung quanh không có bờ rào. Người dân địa phương cho biết, khi họ làm ruộng, thấy trẻ em vào tắm thì la và đuổi về.
Tuy nhiên, hôm xảy ra tai nạn, do buổi chiều nên ruộng vắng, không ai thấy hai cháu nhỏ. Đến chiều tối, người dân phát hiện có hai chiếc xe đạp nằm trên bờ cùng với hai đôi dép, nghi ngờ có chuyện chẳng lành, người dân báo tin cho chính quyền địa phương. Cùng thời điểm, gia đình hai cháu đi tìm và đã cùng người dân phát hiện hai cháu tử vong dưới mương nước.
Nguyên nhân vụ việc như thế nào còn đợi cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về việc có mương nước trên khu đất, phóng viên Báo Tây Ninh nhận thấy rằng còn nhiều điều cần xem xét lại.
Theo tài liệu có được, vào ngày 26.5.2023, ông Trần Văn Hưởng (chủ cũ của khu đất trên) có làm đơn đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất chuyên trồng lúa theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ, với mục đích trồng lúa và nuôi cá.
Phóng viên Báo Tây Ninh có buổi làm việc với UBND xã Ninh Điền, huyện Châu Thành nhưng không gặp được người có trách nhiệm.
Ngày 29.5.2023, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND xã Ninh Điền ký đồng ý theo đơn xin, đồng thời yêu cầu ông Trần Văn Hưởng chấp hành đúng Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ khi thực hiện.
Ông Hưởng được phép móc mương nuôi cá với chiều ngang 3m, sâu không quá 1,2m so với mặt ruộng; diện tích móc mương không quá 20% diện tích đất trồng lúa. Trong vòng 2 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo nội dung đơn, nếu không có hiệu quả phải khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định.
Có được giấy phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, sau này, ông Trần Văn Hưởng lại chuyển đổi toàn bộ thửa đất cho bà Hồ Thị Bạch Yến (ngụ thị xã Hoà Thành). Tháng 8.2023, bà Yến cất căn nhà trên đất lúa, bị UBND xã phát hiện, xử phạt hành chính và buộc khôi phục lại nguyên trạng.
Con mương nước chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nuôi cá dẫn đến hai em học sinh bị đuối nước thương tâm.
Bà Yến có làm đơn cam kết đến tháng 12.2023 khôi phục lại tình trạng đất như ban đầu, nhưng cho đến tháng 3.2024, khi vụ việc đau lòng xảy ra, tình trạng đất vẫn chưa được khôi phục.
Vấn đề đặt ra là, theo hiện trạng con mương nước người dân phản ánh có chiều rộng khoảng 3- 4 m, sâu khoảng 1,5m. Vậy khi UBND xã Ninh Điền cho phép ông Trần Văn Hưởng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã có kiểm tra việc móc mương đúng như UBND xã cho phép hay không?
Khi xin được giấy phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vào tháng 5.2023, chỉ 3 tháng sau, ông Trần Văn Hưởng đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất cho bà Hồ Thị Bạch Yến và cũng không khôi phục lại tình trạng đất ban đầu.
Phóng viên đã liên hệ với UBND xã Ninh Điền để làm rõ những vấn đề này nhưng chưa nhận được câu trả lời từ địa phương.
Tấn Hưng