BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xung quanh vụ tìm hài cốt bằng ngoại cảm ở Tây Ninh: Mơ hồ và khó tin

Cập nhật ngày: 10/02/2010 - 03:53

Một ngày gần cuối năm, tôi được dịp chứng kiến 5 người đàn ông từ tỉnh Thái Bình vào ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mà theo họ, địa điểm đào bới là do một nhà ngoại cảm ở Hải Phòng chỉ dẫn. Không biết những gì tìm được có đúng là hài cốt liệt sĩ không, nhưng nhìn cái cách họ làm, nhiều người không khỏi nghi ngờ…

Đào và... xỉu

Mớ bọc ni lông này được cho là vải bọc xác liệt sĩ

Sau khi được người chủ đất đồng ý cho đào bới trên một phần đất ven quốc lộ 22B, 5 người đàn ông tên Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Xuân Đấu, Nguyễn Văn Cẩu và Nguyễn Sơn Đông (ngụ ấp Đồng Tiến, huyện Huỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), trịnh trọng bày lễ phẩm cúng vái, sau đó, dùng xà beng, xẻng, cuốc đào bới.

Họ tự xưng  là em, cháu bên vợ của liệt sĩ Nguyễn Xuân Trường (đơn vị D2KT, hy sinh ngày 27.5.1967 tại chiến trường phía Nam, an táng tại Tây Ninh). Thấy lạ, nhiều người dân địa phương, người đi đường xúm lại xem.

Sau gần một giờ đào bới, nhóm người tìm hài cốt chẳng tìm được gì, chỉ thấy đụng vào... đường dây cáp quang. Một người trong nhóm dùng điện thoại nói chuyện với người được gọi là nhà ngoại cảm ở Hải Phòng. Qua đó, cả nhóm nhận được “chỉ đạo từ xa” của nhà ngoại cảm: “Phải đào nới rộng vào phía bên trong thêm vài mét nữa”. Nhóm người liền làm theo. Khi đào vừa hết lớp đất sét mà người ta mới đổ để nâng cấp mặt bằng (khoảng 0,5 mét), thì thấy một tấm bọc ni lông có màu xanh đen, mục nát. Nhóm người nọ  tỏ vẻ mừng rỡ, cho rằng đây là vải bọc xác liệt sĩ! Họ liền điện thoại báo tin vui cho nhà ngoại cảm, và được khẳng định đó là vị trí chôn hài cốt liệt sĩ.

Tấm ni lông đen trông giống như vải áo mưa cũ bị vùi chôn, nhóm người nọ dùng một cái áo mưa mới trùm lên, ra vẻ rất trịnh trọng. Nhiều người xầm xì bàn tán, có vẻ không tin, lập tức, người đàn ông trong nhóm tên Cẩu bỗng… ngã lăn ra xỉu. Khi được đỡ dậy, ông này bắt đầu đổi giọng nói, vẻ như có… người nhập. Ông ta chỉ tay vào mặt những người vừa tỏ vẻ không tin, lớn tiếng quát mắng. Thấy mọi người im lặng, ông Cẩu lại... ngã lăn ra bất tỉnh, sau đó ít phút, lại bật trở dậy, đào bới bình thường (?). Trong thời gian hơn 4 giờ đào bới, ông Cẩu có đến 3 lần ngã lăn. Một trong những lần như vậy, ông ta bảo rằng: “Ông (tức liệt sĩ Nguyễn Xuân Trường) bị bắn chết khi cùng với 5 đồng đội khác bò vào trinh sát một đồn lính nguỵ bên kia quốc lộ 22B. Ngoài hài cốt của ông, hiện còn hai hài cốt liệt sĩ nữa, một người quê ở Thanh Hoá, một người quê ở Thái Bình đều hy sinh và được chôn cất sát mép quốc lộ 22B” (?).

Đến 19 giờ, trời đã tối hẳn, nhóm tìm kiếm phải rọi đèn pin mới đào tiếp được. Bất ngờ, họ báo tin vừa tìm được một chiếc răng và khẳng định đây chính là răng của liệt sĩ Nguyễn Xuân Trường. Sau đó họ hốt một mớ đất, vài miếng ni lông cũ rách cùng vật được cho là chiếc răng ấy, liệm vào một tấm vải đem theo sẵn, bọc thêm lớp bao ni lông và cuối cùng là lá cờ Tổ quốc bọc bên ngoài. Cả nhóm lập bàn thờ, bày lễ, đốt giấy tiền vàng bạc cúng vái trước khi “rước hài cốt liệt sĩ” về quê.

Không có cơ sở để tin

Chứng kiến cảnh tượng trên, ông Nguyễn Văn Tấn, 77 tuổi, người dân địa phương nói: “Tôi sinh ra và lớn lên tại đây nên biết rất rõ những sự kiện ở địa phương. Trước, ở bên kia quốc lộ 22B có một cái đồn bót của chế độ cũ, nhưng đồn này đã bị giải tán năm 1962. Vậy chuyện ông Nguyễn Xuân Trường vào trinh sát đồn năm 1967 và bị bắn chết là không có cơ sở. Nơi đang được đào bới là một vùng đất trũng thấp, mùa mưa nước từ trên đầu dốc Hiệp Trường đổ về đây mang theo rất nhiều rác, bọc ni lông. Mấy năm gần đây, chủ phần đất này thuê xe chở đất từ nơi khác đổ xuống để nâng cao mặt bằng. Vì vậy, nếu có chiến sĩ hy sinh thì cũng không thể chôn trên một vùng đất ngập nước và chôn cạn trên mặt đất như thế được”.

Xung quanh chuyện “chiếc răng” được tìm thấy cũng có vài điều đáng ngờ, vì nếu thật sự có một chiếc răng liệt sĩ được tìm thấy thì gần đó phải có thêm nhiều chiếc răng khác và ít ra cũng phải còn dấu tích của tóc, xương, dây nịt, dép râu mới phải? Vả lại cứ cho vật tìm thấy đúng là răng thật đi nữa thì cơ sở nào để xác định đó đúng là răng của liệt sĩ Nguyễn Xuân Trường?

Trong khi chờ nhang tàn, tôi lân la hỏi thăm ông Cẩu - người mới té xỉu mấy lượt. Ông cho biết: nhà ngoại cảm đang chỉ đạo từ xa cho nhóm ông hiện ở Hải Phòng, năm nay mới 27 tuổi. Trước đây, anh ta là chủ một cơ sở… sản xuất bánh, kẹo nhưng làm ăn thua lỗ, sạt nghiệp và bỗng dưng... có khả năng ngoại cảm! Mấy năm nay, nhà ngoại cảm này đã chỉ cho người dân các tỉnh phía Bắc vào miền Nam tìm được mấy trăm hài cốt liệt sĩ.

Ông Cẩu còn cho tôi xem lá đơn xin viếng thăm phần mộ liệt sĩ, do ông Nguyễn Sơn Đông -là anh họ của liệt sĩ Nguyễn Xuân Trường đứng tên, có chứng nhận của Ban Lao động Thương binh Xã hội và UBND xã Đồng Tiến. Trong đơn, chỉ thấy xin “viếng thăm”, chứ không xin.., đào tìm hài cốt như nhóm người nói trên đã làm.

Anh Cẩu (người ngồi, áo sậm màu) xỉu đi xỉu lại 3 lần

Hư thực khó phân

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta thỉnh thoảng lại xuất hiện những người đi tìm hài cốt bằng phương pháp ngoại cảm. Năm 2008, có một nhóm người từ các tỉnh phía Bắc vào đào tìm hài cốt liệt sĩ ở gần cầu Đại Thắng (xã Tân Đông, huyện Tân Châu). Cách nay vài tháng, một nhóm khác ở miền Trung cũng vào tìm hài cốt liệt sĩ ở ngã tư Bình Minh (phường 1, Thị xã). Kết quả, các nhóm này đều chẳng tìm được hài cốt nào.

Chuyện tìm hài cốt bằng ngoại cảm không phải bây giờ mới có. Nó đã từng được nhiều người, nhiều giới bàn cãi, tranh luận về tính xác thực, khoa học của nó. Trong lúc vấn đề vẫn còn có nhiều điều bí ẩn chưa giải thích được, có lẽ các cơ quan chức trách cần có biện pháp quản lý, kiểm tra, để tránh tình trạng không loại trừ có kẻ lạm dụng các yếu tố tâm linh để truyền bá mê tín dị đoan, gây xáo trộn đời sống xã hội.    

THẢO NGUYÊN