Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vụ việc này thuộc thẩm quyền của UBND huyện Bến Cầu.

![]() |
Ảnh minh hoạ |
Báo Tây Ninh có nhận đơn của các ông, bà Nguyễn Thái Bình (ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu), Trần Thị Dùm, Nguyễn Văn Dực và Ngô Thị Thiệu (ngụ xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) khiếu nại về việc thừa hưởng tiền đền bù đất tại Khu di tích địa đạo Lợi Thuận.
Nội dung đơn khiếu nại
Vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Tiền và Hồ Thị Thới (hiện tại đã mất) sinh 4 người con gồm Nguyễn Văn Thái (cha của ông Bình), Nguyễn Thị Thẩm (mẹ bà Dùm), Nguyễn Văn Đương (cha ông Đực và ông Hoại) và ông Nguyễn Văn Thai (cha ông Nhắn). Sau khi qua đời, ông Tiền và bà Thới có để lại một phần đất diện tích trên 8.000m2. Diện tích đất nói trên được Nhà nước quy hoạch làm khu di tích địa đạo nên các con cháu ông Tiền, bà Thới được UBND xã Lợi Thuận cùng Ban dự án đền bù huyện Bến Cầu mời đến phân chia số tiền đền bù làm 4 phần. Tuy nhiên, vụ việc đã kéo dài đến nay chưa giải quyết. Nguyên nhân là do ông Nguyễn Văn Dằng (con rể ông Thai) và vợ là bà Nguyễn Thị Ghé (trước đây ở tạm trên diện tích này) không đồng ý chia làm 4 phần mà yêu cầu phải để cho con ông hưởng trọn.
Nguồn gốc đất và nguyên nhân xảy ra tranh chấp đất
Trước đây, gia đình ông Thai cất nhà ở trên diện tích đất này. Năm 1965-1966, gia đình ông Thái về xã Thạnh Đức, Gò Dầu sinh sống. Năm 1977-1986, bà Ghé (con ông Thai đồng thời là vợ ông Dằng) cất nhà ở trên diện tích này. Cuối năm 1986, gia đình bà Ghé đến cầu ông Ngãi thuộc ấp Chánh, xã Lợi Thuận (nay là khu phố 2, thị trấn huyện Bến Cầu) ở cho đến nay. Năm 1997, bà Ghé xin kê khai đăng ký phần đất này nhưng chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Khoảng năm 1986-2009, bà Trần Thị Cẩm Vân và ông Hồ Văn Cớm cũng đến cất nhà trên diện tích này ở cho đến nay (bà Vân là cháu ngoại ông Thai). Riêng các ông Thái, Đương và bà Thẩm cùng các con không sử dụng đất này từ trước cho đến nay. Khi Nhà nước quy hoạch Khu địa đạo Lợi Thuận, ông Trần Văn Dằng đứng ra kê khai. Ngày 19.10.2009, UBND huyện Bến Cầu ban hành Quyết định số 2718/QĐ-UBND và phương án chi tiết đền bù, trong đó ông Dằng được đền bù số tiền 678.654.900 đồng.
Ngày 8.5.2009, UBND xã Lợi Thuận tổ chức hoà giải nhưng không thành. Theo UBND xã những người có quyền thừa kế theo quy định của pháp luật đó là bà Ngô Thị Thiệu, ông Dằng, ông Cớm. Không chấp nhận đơn yêu cầu thừa kế của các ông Bình, Đực, bà Dùm, vì họ trước giờ không sử dụng đất này.
Ngày 5.10.2009, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TM & MT) phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức đối thoại trực tiếp với các bên tranh chấp. Theo ông Bình, Đực và bà Dùm cho rằng lúc còn sống ông bà nội (ông Tiền và bà Thới), chưa chia đất cho từng người, nên đã xảy ra tranh chấp khi Nhà nước đền bù. Trong thân tộc nên đóng góp một số tiền để làm mồ mả ông bà (trong giá trị phần đất), còn lại chia làm 4 phần bằng nhau cho 4 người con. Nhưng theo bà Ngô Thị Thiệu, đất này là của cha mẹ chồng bà cho nên bà không đồng ý phân chia. Còn theo ông Cớm chỉ yêu cầu được hưởng toàn bộ phần cây trái vì ông có công gìn giữ từ trước đến nay.
Ngày 7.5.2010, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo (BCĐ GQKNTC) của UBND huyện Bến Cầu, UBND xã Lợi Thuận đã tổ chức hoà giải một lần nữa, nhưng trong khi hoà giải ông Dằng cáo bệnh bỏ ra về. Còn lại các ông bà Bình, Đực, Thiệu, Dùm thống nhất số tiền được đền bù là 669 triệu, được chia làm 4 phần bằng nhau, trong đó 69 triệu đồng dùng để xây dựng mồ mả ông bà, còn lại 600 triệu chia 4 chi, mỗi chi 150 triệu. Về cây trái, ông Cớm được hưởng toàn bộ số tiền này. Ngày 14.12.2010, UBND xã tổ chức hoà giải lần 2, nhưng lần này ông Dằng vắng mặt không có lý do. Ngày 9.4.2011, UBND xã lại tổ chức hoà giải lần 3, lần này tất cả mọi người đều thống nhất theo tinh thần hoà giải ngày 7.5.2010, riêng ông Dằng yêu cầu toàn bộ số tiền đền bù, con ông phải được hưởng trọn, sau đó phân chia cho ai thì chia… rồi ông cáo bệnh bỏ ra về.
Hướng giải quyết của huyện Bến Cầu
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Kim- Trưởng phòng TN & MT cho biết, ngày 9.4.2011, sau khi hoà giải không thành, ông Võ Minh Tâm- Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu kết luận: Nếu các đương sự không thống nhất việc chia tiền đền bù (4 phần bằng nhau) thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoà giải có thể làm đơn gửi đến TAND huyện Bến Cầu để được xem xét giải quyết. Ngày 17.6.2011, Ban chỉ đạo GQKNTC huyện giao hồ sơ cho TAND huyện Bến Cầu thụ lý. Sau đó, TAND huyện Bến Cầu xin ý kiến TAND tỉnh thì được biết, vụ việc trên thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp. Căn cứ Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nêu rõ: “Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 và cũng không có di sản gắn với QSDĐ, nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND theo quy định của pháp luật về đất đai”. Do vậy, vụ việc này thuộc thẩm quyền của UBND huyện Bến Cầu. “Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu giải quyết cho hợp tình hợp lý. Riêng đơn yêu cầu của các ông bà Bình, Đực, Dùm đã hết thời hiệu khiếu nại yêu cầu chia thừa kế”- ông Kim nói.
SÔNG NINH