Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xuống đường mua bán
Thứ bảy: 23:53 ngày 11/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian gần đây, địa bàn tỉnh xuất hiện khá nhiều người mua bán vé số, thức ăn, nước uống trên đường phố. Những hành vi lấn chiếm lòng, lề đường như thế làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Xe lôi máy kích thước to, rộng chở đầy ắp cam sành đỗ chắn ngang trước đầu đường Phạm Văn Chiêu để buôn bán.

Chào mời bán vé số, hàng rong

Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, tại ngã tư Toà thánh (giao với đường Lạc Long Quân, thuộc địa bàn phường IV, TP. Tây Ninh), có người đàn ông và phụ nữ thường xuyên ra giữa đường, đứng trước các đầu xe máy để mời mua vé số. Trong lúc chờ đèn tín hiệu giao thông, cũng có người mua giúp vài tờ vé số.

Khi đèn tín hiệu chuyển sang xanh, dòng xe lao đi, những người này mới di chuyển vào lề đường. Ở đó, họ có dựng một tấm bảng đen, trên đó ghi những dãy số đang chờ xổ. Họ đứng bên lề đường, vẫy tay mời người qua đường mua vận may. Đến lượt đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, họ lại tiếp tục bước nhanh xuống đường, len lỏi giữa dòng xe cộ với cọc vé số chào mời trên tay.

Thấy vị trí này mua bán thuận lợi, thỉnh thoảng lại có thêm một người đàn ông khác, đôi chân bị tật, ngồi trên xe 3 bánh, di chuyển đến để góp phần vào thị trường vé số. Điều đáng lo ngại là người đàn ông ngồi trên xe 3 bánh này bất chấp nguy hiểm, tham gia giao thông ngược chiều với dòng xe đang lưu thông để kịp chào mời người mua. Giữa dòng xe cộ vun vút lao đi, những người hành nghề bán vé số dạo ở đây trở thành “chướng ngại giao thông”, trông rất nguy hiểm.

Ngoài những người bán vé số, trên địa bàn tỉnh còn có một số người kiếm sống bằng nghề bán tạp hoá dạo. Đó là những người đàn ông, đàn bà thường quảy trên vai một khung gỗ kích thước khoảng một mét vuông, trên đó treo lủng lẳng hàng chục mặt hàng khác nhau, từ đồ chơi trẻ em như: xe ô tô nhựa, xe điều khiển từ xa, đồ chơi điện tử, siêu nhân, robot, thú nhồi bông đến những vật dụng cá nhân như: ví, túi xách, mắt kính, bấm móng tay…

Những tiểu thương này dùng xe gắn máy hoặc đi bộ, mang theo hàng hoá của mình len lỏi khắp các ngả đường từ thành thị đến nông thôn để chào mời người mua. Ở những vùng nông thôn, đường rộng, người thưa, mật độ giao thông thấp nên việc họ di chuyển trên đường ít gây cản trở giao thông; nhưng ở thị thành, mật độ xe cộ lưu thông trên đường dày đặc, việc xuất hiện của “quầy hàng di động” này thật sự là một vấn đề đáng lo ngại.

Những người này mang “quầy hàng tạp hoá” khá nặng, khá cồng kềnh nhưng vô tư băng ngang đường, ngang các giao lộ và ít khi di chuyển đúng phần đường dành cho người đi bộ. Trong khi đó, trên đường có hàng trăm phương tiện giao thông từ các loại xe ô tô đến xe gắn máy đang tham gia giao thông.

Nhất là vào thời gian gần đây, thời tiết có lúc nắng nóng lên đến 39- 40 độ C, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trùm kín mặt, việc xuất hiện những khách bộ hành giữa đường, mang vác cồng kềnh như thế đã gây cản trở giao thông, không an toàn cho cả người đi bộ lẫn người cầm lái.

Người đàn ông ra giữa đường bán vé số.

Đường giao thông thành chợ

Nhiều năm nay, hầu hết các tuyến đường xung quanh chợ TP. Tây Ninh đều trở thành nơi buôn bán. Điển hình như đường Phạm Văn Chiêu, phường 2, thành phố Tây Ninh. Sáng ngày 8.5, một xe lôi máy kích thước to, rộng chở đầy ắp những quả cam, đỗ chắn ngang trước đầu đường.

Trên thùng xe lôi, một người đàn ông ngồi trông nom hàng hoá, cạnh đó là một người đàn bà đứng bán cam. Chiếc xe lôi này đỗ chễm chệ chiếm hơn nửa mặt đường khiến cho việc lưu thông trên đường Phạm Văn Chiêu bị cản trở nghiêm trọng. Bước vào bên trong đường Phạm Văn Chiêu sẽ thấy nơi đây trở thành ngôi chợ trải dài.

Hai bên lề đường và dưới lòng đường có đến hàng trăm cửa hàng, sạp bán rau, củ, quả, thịt, cá, quần áo, vật dụng gia đình bày la liệt. Ngoài việc bày bán hàng hoá, tiểu thương ở đây còn dựng nhiều cây dù to lớn để che nắng, che mưa; những vật dụng này góp phần đáng kể vào việc lấn chiếm lòng, lề đường, cản trở giao thông. Nhiều người cũng điều khiển xe 2 bánh vào con đường này để mua hàng hoá, khiến con đường này càng trở nên chật chội, bát nháo.

Tương tự như thế, tại hẻm số 42 (trước chợ phường 3, TP. Tây Ninh) cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm đường để mua bán. Ngay trước cổng chợ phường 3, dưới lòng đường Cách Mạng Tháng Tám, thường xuyên có một số người bán hàng rong trên xe đẩy. Nhiều khách hàng dừng xe ô tô, xe gắn máy bên cạnh những người bày bán hàng rong này để mua hàng hoá. Hành vi mua bán không đúng nơi quy định này thường dẫn đến va chạm phương tiện giao thông, ùn ứ giao thông trước cổng chợ.

Từ cổng chợ trải dài đến gần hết hẻm số 42 là cả trăm quán, quầy, sạp bày bán nhiều loại hàng hoá như lương thực, thực phẩm, các loại rau, củ, quả, trái cây. Đa số những tiểu thương này cũng dựng những cây dù kích cỡ lớn trước sạp hàng hoá, dẫn đến con hẻm vốn đã nhỏ càng trở nên vô cùng chật hẹp.     

Ông Tô Nguyễn Nhị Linh- Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Tây Ninh cho biết, thành phố Tây Ninh thường xuyên có kế hoạch xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để giữ gìn trật tự đô thị và cơ bản thực hiện tốt công tác giữ gìn trật tự đô thị. Những trường hợp vi phạm đều bị xử lý và giao trách nhiệm lại cho phường, xã quản lý.

Tuy nhiên, do lực lượng chức năng có giới hạn, nên một số tuyến đường, hẻm xung quanh một vài ngôi chợ vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường bày bán hàng hoá. Hiện nay, chợ thành phố Tây Ninh đang trong quá trình xây dựng. Sau khi ngôi chợ này hoàn thành, Phòng sẽ kết hợp với chính quyền địa phương di dời tất cả những những tiểu thương buôn bán trên đường Võ Văn Truyện, Phạm Văn Chiêu vào chợ buôn bán.

Người đàn bà đứng trước đầu xe gắn máy mời mua vé số.

Ông Linh cho biết thêm, để chấm dứt tình trạng mua bán tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường, sắp tới, Phòng Quản lý đô thị sẽ tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản quy định xử phạt những CBCCVC-NLĐ mua bán hàng hoá không đúng nơi quy định; đồng thời sẽ phối hợp với Công an Thành phố kiên quyết xử lý những xe bán hàng rong gây cản trở giao thông trên địa bàn. “Dẫu biết rằng một số người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mới kiếm sống bằng cách bán hàng rong. Nhưng không thể vì thế mà để xảy ra tình trạng buôn bán không đúng nơi quy định, gây mất trật tự đô thị, cản trở giao thông”- ông Linh nói.

Tỉnh ta đang chủ trương phát triển du lịch, Tây Ninh đang là điểm đến yêu thích của hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Thành phố Tây Ninh đang phấn đấu lên đô thị loại II, đô thị thông minh và là thành phố đáng sống; những hành vi mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, gây cản trở giao thông như trên sẽ làm ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục