Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xuyên đêm cùng chiến sĩ chốt dã chiến
Thứ hai: 08:55 ngày 04/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đêm biên giới tối đen nhưng bước chân các chiến sĩ vẫn đều đặn dọc đường biên. Ánh đèn pin lấp lóa quét vào những bụi rậm ven rừng. Một chú sóc rột rẹt trong bụi rậm cũng không lọt qua tầm mắt của các chiến sĩ.

“Nhờ tích cực tuần tra nên hơn một tháng nay ở chốt này không có trường hợp nào xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới”, Thiếu tá Lê Tấn Sinh cho hay.

Cán bộ, chiến sĩ chốt số 1 tuần tra khu vực cột mốc phụ số 114 (2).

Chiều biên giới, ánh nắng dịu dần rồi tắt hẳn sau cánh rừng. Những đàn chim sẻ ríu rít dành chỗ ngủ trên tán. Màn đêm dần phủ xuống, tiếng chim cũng dần im ắng. Dải biên cương mênh mông chỉ còn lại một màu đen thẫm. Chốt phòng chống dịch Covid- 19 số 1, thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát, huyện Tân Biên hay còn gọi là chốt Con chuột trở thành điểm sáng trong đêm nhờ bóng đèn năng lượng mặt trời đặt dưới gốc cây rừng.

Nơi che mưa che nắng cho cán bộ, chiến sĩ ở đây chỉ là chiếc nhà bạt của quân đội. Trong nhà bạt có kệ gỗ đơn giản để chứa lương thực, thực phẩm, một chiếc giường gỗ, tủ cất vũ khí, quân trang, quân dụng và một chiếc võng nylon mắc sẵn. Ngoài sân, bộ bàn ghế nhựa là nơi nghỉ chân uống trà và trực chiến. Cạnh đó là dàn bếp dã chiến dùng để nấu thức ăn, nấu nước pha trà, cà phê. Trên nóc nhà bạt, lá cờ Tổ quốc nghiêm trang, nhẹ bay theo từng cơn gió.    

Sau khi phân công ca trực, cán bộ, chiến sĩ chốt Con Chuột kiểm tra lại vũ khí, công cụ hỗ trợ, đèn pin, điện thoại di động và bắt đầu chuyến tuần tra biên giới. Chúng tôi cũng nuốt vội chén cơm, xách chai nước suối, quảy ba lô theo chân các anh đi tuần.

Từ “doanh trại” chốt Con Chuột, chúng tôi men theo đường mòn ra thăm cột mốc phụ số 114 (2). Từ cột mốc này, các cán bộ, chiến sĩ bắt đầu rảo bước dọc theo đường biên giới. Những chiếc đèn pin trong tay những người tuần tra biên giới không ngừng rọi xa, rọi gần. Thỉnh thoảng ánh đèn dừng lại, soi kỹ vào một bụi cây rậm rạp ven đường. Một chú sóc chuyền cành, một chú chuột băng vội qua đường đều được nhìn thấy.

Vừa rảo bước, Thiếu tá Lê Tấn Sinh vừa chia sẻ, anh là Phó đội trưởng Đội Trinh sát Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát, khi xảy ra vụ việc đối tượng “Tuấn khỉ” bắn chết người ở huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) rồi lẩn trốn, phòng ngừa đối tượng này vượt biên trái phép qua Campuchia, từ ngày 28.2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát quyết định thành lập một số chốt dã chiến kiểm soát các đường mòn lối mở dọc biên giới. Chốt Con Chuột này ra đời như thế và anh được cấp trên tăng cường về đây, giữ vai trò chốt trưởng.

Sau khi vụ án “Tuấn khỉ” kết thúc cũng là lúc bùng phát dịch Covid- 19, các chốt dã chiến này tiếp tục duy trì để phòng ngừa người dân hai nước qua lại biên giới trái phép. Thế là từ đó đến nay anh tiếp tục ở lại đây làm nhiệm vụ phòng chống dịch. “Tính đến nay đã gần ba tháng, tôi chưa được một lần về thăm vợ con”, Thiếu tá 49 tuổi này bộc bạch.

Cán bộ, chiến sĩ Chốt Con Chuột rảo bước tuần tra biên giới trong đêm khuya.

Thỉnh thoảng trên đường đi, cán bộ, chiến sĩ biên phòng gặp lực lượng biên phòng bên nước bạn Campuchia cũng đang đi tuần tra dọc biên giới. Hai bên giơ tay chào nhau rồi mỗi người tiếp tục làm nhiệm vụ trên lãnh thổ của nước mình.    

Đêm càng khuya, sương xuống, lạnh. Sau khi đi bộ băng rừng gần 2km, chúng tôi giáp ranh giới với địa bàn của chốt dã chiến lân cận, nên quay lại tiếp tục tuần trên đoạn đường vừa đi qua.

Về đến chốt, Thiếu tá Lê Tấn Sinh cho biết thêm, thời tiết lúc này tương đối dễ chịu, khoảng nửa tháng trước, ban ngày không khí nóng hầm hập rất khó chịu. Ban đêm không khí dịu mát hơn chút ít, nhưng vẫn “đứng gió” nên rất oi bức.

“Lúc mới lập chốt, chúng tôi dựng nhà bạt gần cột mốc 114 (2), nhưng ở đó không có bóng cây, nắng nóng dữ quá, chúng tôi mới dời nơi ở vào ven rừng như hiện tại”, Thiếu tá Sinh nhớ lại.

Hai tuần gần đây, thỉnh thoảng trời đổ mưa, không khí đỡ nóng bức, nhưng anh em lại rơi vào trường hợp khó khăn khác. Đó là đường tuần tra sình lầy, ngập nước, nơi ở thì bị dột, ướt chăn màn, quần áo.

“Ớn nhất là cơn mưa đầu tiên, mưa rất to, kéo dài từ nửa đêm đến sáng. Chiếc lều dã chiến này bị nước thấm qua các đường may, dột xuống ướt hết đồ đạc, anh em không có chỗ ngủ đành mắc áo mưa chịu trận”, Thiếu tá Sinh cho biết.

Sau cơn mưa đó, cán bộ, chiến sĩ khắc phục tình trạng dột nước bằng cách dùng tấm bạt nylon khác trùm lên phía trên chiếc lều. Nhờ vậy, từ đó đến nay, những cơn mưa không còn gây khó cho cho cán bộ, chiến sĩ ở đây.

Chiếc võng giữa rừng- một trong những nơi cán bộ, chiến sĩ Chốt Con Chuột nghỉ ngơi trong suốt thời gian gần 3 tháng làm nhiệm vụ ở biên cương.

Mặc dù vậy, việc làm nhiệm vụ giữa rừng sâu heo hút vẫn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khác. Ở rừng có nhiều côn trùng, động vật gây hại, dễ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Thiếu tá Sinh kể tiếp, có lần trên đường tuần tra ban đêm, các anh bất ngờ bắt gặp một con rắn hổ mang chúa to bằng cổ chân người lớn, dài hơn 3 mét, nằm vắt ngang đường mòn. “Rọi đèn pin vào, tụi tôi thấy nó bóng lưỡng, nằm im như đang rình mồi. Sáng hôm sau trở lại địa điểm này xem xét, thấy ruồi bắt đầu bu vào con rắn, nhờ vậy mới biết nó đã chết”.

Ngoài việc nhìn thấy rắn, những người làm nhiệm vụ ở đây còn thường xuyên đối mặt với nhiều loại động vật nguy hiểm khác, như rết, bò cạp, kiến nhọt. Mỗi buổi tối, anh em cán bộ chiến sĩ đều phải đón tiếp rất nhiều “khách không mới mà đến này” trên giường chiếu, võng, chăn màn. Còn quá trình đi tuần tra, chiến sĩ bị bò cạp chích hoặc kiến  cắn là chuyện như cơm bữa. “Tôi bị bò cạp chích nhiều lần, quen rồi nên đỡ thấy đau. Những chiến sĩ trẻ mới lên rừng, bị con này chích là sưng vù, đau nhức cả ngày”, anh Sinh chia sẻ.

Cuộc trò chuyện sau chuyến tuần tra trở về tưởng chừng là thoải mái, ngơi nghỉ, nhưng không, câu chuyện trao đổi luôn bị đứt quãng do anh em chiến sĩ vẫn đứng dậy cầm đèn pin soi rọi xung quanh khi nghe một tiếng động bất thường.

Đêm giữa rừng mới giúp ta cảm nhận được không khí oi bức, thỉnh thoảng có cơn gió nhẹ thoáng qua nhưng không đủ xua tan không khí ngột ngạt nơi này. Một người ngồi trên chiếc ghế xếp, mắt theo dõi xung quanh cùng ánh đèn pin; một chiến sĩ khác mắc võng cách đó không xa nằm đung đưa cùng ánh đèn pin soi rọi tứ phía; một chiến sĩ khác nằm ở vị trí xa hơn chút cũng giữ thao tác quen thuộc ấy, thỉnh thoảng lại rảo bước xung quanh để tuần tra, kiểm soát.

Cán bộ, chiến sĩ Chốt Con Chuột nấu mì gói ăn lót dạ trong đêm khuya.

Chiến sĩ dân quân Trịnh Minh Luân cho biết, trước đây anh làm nhiệm vụ ở chốt dân quân Cầu Ván, thuộc Ban Chỉ huy quân sự xã Tân Lập (huyện Tân Biên), từ ngày 21.3, anh được đưa về đây kết hợp với lực lượng biên phòng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự biên cương và phòng chống dịch Covid- 19.

“Những ngày đầu mới đến đây nhận nhiệm vụ còn hơi bỡ ngỡ, nhưng đến nay việc thức đêm tuần tra, ăn dã chiến tạm bợ, làm bạn với các loại côn trùng ban đêm đến thăm đã trở thành quen thuộc” - chiến sĩ trẻ 19 tuổi này hài hước chia sẻ.

Đêm khuya, giữa chốt dã chiến, các món quà của hậu phương gửi các chiến sĩ đã phát huy tác dụng. Những gói trà, mì gói, cà phê được các anh sử dụng trong những “đêm trắng” để phòng, chống dịch.

Nửa đêm, cùng ăn chung với cán bộ, chiến sĩ những gói mì của hậu phương gửi tặng, mới thấy có một cảm giác rất lạ. Ngon đến bất ngờ do đói bụng đêm khuya, chắc là vậy. Cũng có thể do đây là những món quà ấm tình quân dân của rất nhiều người dân khắp mọi miền tổ quốc cùng chung tay với chiến sĩ biên phòng trong mùa đại dịch này, nên anh em chiến sĩ rất trân quý, xúc động và chia sẻ rằng “ngon hơn mì ở nhà nấu”.

Tiếng gà rừng văng vẳng vang lên, tiếng muỗi rừng vo ve và không khí lạnh tràn vào lớp võng. Nhìn ra cánh đồng trước mặt, vầng thái dương đang dần nhô lên. Trong ánh nắng ban mai, những chiến sĩ vẫn đều bước dọc biên cương…

Đại Dương- Thái Hòa

Tin cùng chuyên mục