BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xuyên Việt bằng xe mô tô để săn ảnh 

Cập nhật ngày: 23/02/2024 - 08:31

BTNO - Đam mê ảnh đẹp, muốn làm giàu thêm hiểu biết của mình về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, thời gian qua, nhiều người dân Tây Ninh đã thực hiện những chuyến đi xuyên Việt bằng xe mô tô để săn ảnh. Những chuyến đi giúp họ có những trải nghiệm đáng nhớ.

Nhiếp ảnh trẻ Đinh Văn Quốc Thanh đón bình minh trên biển mây đèo Violak. Ảnh do nhân vật cung cấp

Du xuân bằng xe mô tô

Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, anh Đinh Văn Quốc Thanh (28 tuổi, ngụ xã An Bình, huyện Châu Thành) và một người bạn đã 70 tuổi (ngụ TP. Hồ Chí Minh)- cùng đam mê nhiếp ảnh di chuyển bằng xe mô tô 150cc, từ Tây Ninh đến nhiều tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc để săn ảnh. Quốc Thanh đang làm việc trong một công ty ở TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2016, Thanh đạt giải Ba cuộc thi ảnh đẹp du lịch tỉnh Tây Ninh. Năm 2023, anh đạt giải Nhì cuộc thi ảnh nghệ thuật của tỉnh. Để thỏa mãn đam mê nhiếp ảnh của mình, những năm qua Thanh lên kế hoạch đi săn ảnh trên khắp cả nước, trong đó, mục tiêu của anh là đặt chân đến 4 cực Đông, Nam, Tây, Bắc của đất nước.

Những ngày nghỉ tết Nguyên đán vừa qua, Thanh quyết định đi săn ảnh ở các tỉnh miền Bắc.  

Để thực hiện chuyến phượt này, Thanh tìm hiểu thật kỹ những thông tin cần thiết như lộ trình, nơi ăn, nghỉ dọc đường, chi phí đi lại, thời gian di chuyển, đặc điểm thời tiết, văn hóa, đặc sản vùng miền… Đồng thời, Thanh rủ một người cùng đam mê nhiếp ảnh làm bạn đồng hành.

Trước khi lên đường, hai người dành thời gian tập luyện sức khỏe và thực hiện những chuyến phượt bằng xe mô tô ở cự ly ngắn để làm quen với sự thay đổi môi trường, tích lũy kinh nghiệm. Sau khi chuẩn bị những thứ cần thiết, sáng 5.2 (26 tháng Chạp), Thanh và người bạn bắt đầu xuất phát.

“Chúng tôi điều khiển phương tiện di chuyển dọc theo quốc lộ 1A và những đường dân sinh song song với quốc lộ để thuận tiện cho việc ngắm phong cảnh. Nơi nào đẹp, có hoạt động văn hóa, lễ hội, chúng tôi đều dừng lại quay phim, chụp ảnh”- Thanh kể.

Dọc hành trình, Thanh và bạn đồng hành lần lượt đón bình minh trên biển mây đèo Violak (nối tỉnh Quảng Ngãi với Kon Tum), chụp ảnh cầu Tràng Tiền trên dòng sông Hương (thành phố Huế), ghi nhận những hoạt động đánh bắt cá, sản xuất muối ở các tỉnh miền Trung...

Nhiếp ảnh gia Huỳnh Long Tiến vui mừng khi lần đầu tiên đến được đỉnh Fanxipan- nóc nhà Đông Dương để săn mây (ảnh do nhân vật cung cấp)

Dọc theo cung đường Tây Bắc, cả hai ghi lại toàn cảnh cao nguyên đá  Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, cảnh sinh hoạt đời thường của các đồng bào dân tộc thiểu số ở bản làng. Thanh hào hứng kể: “Lần đầu tiên được tận mắt thấy cao nguyên đá Đồng Văn, đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng ngắm dòng sông Nho Quế, tôi không ngờ cao nguyên đá rộng lớn mênh mông, núi non hùng vĩ, phong cảnh đất nước mình đẹp đến thế”.

Sau 11 ngày rong ruổi, Thanh về đến Tây Ninh, anh có trong tay 2.800 ảnh đẹp. “Tôi sẽ chọn một số ảnh vừa ý nhất để tham dự các cuộc thi ảnh nghệ thuật. Những ảnh còn lại lưu giữ làm kỷ niệm và phục vụ cho công tác chuyên môn ở công ty nơi tôi làm việc”- Thanh nói.

Chàng trai này cho biết, trong năm 2023, anh đã chinh phục xong cực Đông, năm 2024 sẽ dành thời gian xuôi về phương Nam, đến đất Mũi Cà Mau- cực Nam đất nước. Sau đó, anh tiếp tục lên kế hoạch chinh phục cực Tây ở tỉnh Điện Biên.

Hai lần xuyên Việt

Nhiếp ảnh gia Huỳnh Long Tiến, ngụ xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên đã 2 lần xuyên Việt để săn ảnh. Năm nay đã 69 tuổi, ông vẫn đang chuẩn bị cho chuyến phượt miền Bắc lần thứ 3.

Năm 2014,  nghe ông dự định đi từ Tây Ninh ra các tỉnh phía Bắc để tham quan, săn ảnh bằng chiếc xe Wave alpha 110cc, anh em trong nghề ai cũng ngăn cản. Vì thời điểm đó ông đã 59 tuổi, đường sá xa xôi, phương tiện khó đảm bảo an toàn giao thông. Thế nhưng, vào ngày lễ Noel đẹp trời, ông vẫn một mình một “ngựa sắt” lên đường. Từ Tây Ninh, ông Tiến đi theo quốc lộ 1A thẳng tiến về Thủ đô.

“Hằng ngày, cứ 5 giờ sáng, ăn uống xong là tôi đi. Đến trưa dừng xe ăn, uống, nghỉ ngơi ở những quán dọc đường. 14 giờ tôi tiếp tục hành trình. Khoảng 17 giờ tìm nhà trọ ngủ nghỉ qua đêm. Để tránh ảnh hưởng sức khỏe bởi thức ăn lạ, suốt hành trình tôi chỉ ăn cơm với tàu hủ chiên, tàu hủ kho. Khoảng 2- 3 ngày, tự thưởng cho mình 1 chai bia”- ông Tiến nhớ lại.

Một trong những tác phẩm ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Huỳnh Long Tiến (ảnh do nhân vật cung cấp).

Vừa di chuyển trên đường, vừa quan sát, nơi nào có phong cảnh đẹp, ông Tiến đều dừng xe, lấy máy ảnh ra bấm và cẩn thận ghi chép địa điểm, thời gian vào sổ tay. Tuy nhiên, do lần đầu tiên phượt bằng xe mô tô, chưa có kinh nghiệm, chưa chuẩn bị đầy đủ trang phục, phụ kiện máy ảnh nên ông không chụp được nhiều ảnh đẹp.

Ông Tiến kể: “Thời điểm đó, ở miền Nam là mùa nắng, tôi chỉ mặc chiếc áo khoác bằng da và mang găng tay đơn giản. Đến Lào Cai, thời tiết lạnh, tôi mua chiếc áo mưa mặc thêm. Đi trên đường, nhiều người nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên như người trên trời rơi xuống. Trời lạnh đến nỗi, hàm răng của tôi va lập cập, ngón tay tê cứng không bấm máy được. Ra đến thị xã Sa Pa, tìm được nhà trọ, tôi bỏ xe ngoài cổng, lập tức lên giường, chui vào chăn nằm co rút. May mắn là giường ở đó có chức năng sưởi ấm nên một giờ sau tôi mới ấm trở lại”.

Sau khi chụp phong cảnh Sa Pa, ông tìm đến đỉnh Fanxipan- nóc nhà Đông Dương, thuộc tỉnh Lào Cai để săn mây. Những ngày sau đó, ông tiếp tục di chuyển theo cung đường Tây Bắc trở về Thủ đô và đi theo quốc lộ 1A về Tây Ninh. Ông Tiến nhớ lại: “Thời gian đi và về mất 32 ngày, tổng chi phí gần 10 triệu đồng”.

Một trong những ảnh phong cảnh của Quốc Thanh trong chuyến xuyên Việt vừa qua. Ảnh do nhân vật cung cấp

Không hài lòng cho chuyến phượt đầu tiên, năm 2023, ông Tiến quyết định trở ra miền bắc lần 2. Rút kinh nghiệm lần trước, để đỡ tốn thời gian, lần này ông đi bằng máy bay. Ra đến Hà Nội, ông nhờ một người đồng đội xưa dùng xe mô tô chở đi săn ảnh. “Chuyến đi này cũng không thu được kết quả như mong muốn. Vì người bạn này không mê chụp ảnh, suốt ngày chỉ chở tôi đi thăm bạn bè, rồi tiệc tùng liên miên, không có thời gian để thức khuya dậy sớm chụp phong cảnh”.

Rút kinh nghiệm cho 2 chuyến đi vừa qua, tay máy 69 tuổi này dự tính, khoảng tháng 9, tháng 10 năm nay, ông sẽ tiếp tục đi săn ảnh từ Nam ra Bắc. Mặc dù gia đình có xe ô tô, nhưng ông vẫn quyết định di chuyển bằng xe mô tô để thuận tiện cho việc chụp ảnh. “Lần này, tôi sẽ đi theo đường Hồ Chí Minh để tìm phong cảnh mới”.  

Đam mê sáng tác, đến nay, nhiếp ảnh gia Huỳnh Long Tiến đạt một số giải thưởng ảnh nghệ thuật như: năm 2017, có ảnh được trưng bày triển lãm tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9, tổ chức tại Việt Nam; giải Ba cuộc thi sáng tác ảnh Marathon của Liên hoan Ảnh nghệ thuật miền Ðông Nam bộ 2017; giải khuyến khích Cuộc thi Nhiếp ảnh nghệ thuật Mùa Xuân, năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều giải cao, ảnh triển lãm tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong tỉnh.

Đại Dương