(BTN)- Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này các bậc cha mẹ lại phải bận rộn và lo âu bởi chuyện học hành của con em mình, nhất là với các trường hợp vào lớp đầu cấp.
|
Trường Tiểu học Trần Phú thu hút học sinh một phần cũng nhờ có cơ sở vật chất khang trang (ảnh chỉ minh hoạ) |
Điển hình là chị bạn tôi. Dạo này trông chị sút hẳn, không phải vì bệnh mà là vì lo lắng cho đứa con chuẩn bị vào lớp một trường tiểu học trên địa bàn Thị xã. Chị tâm sự: Quê ở tỉnh khác, chị đến làm việc tại Tây Ninh từ năm 2004. Buổi đầu còn khó khăn, chị xin nhập hộ khẩu nhà người anh ruột. Rồi chị lập gia đình và có một cháu gái. Cả hai mẹ con ở “ké” nhà người anh cho đến nay. Tháng trước, chị liên hệ nhà trường nộp hồ sơ xin cho con học thì được nhân viên nhận hồ sơ trả lời rằng: Trường hợp con của chị tuy trúng tuyến nhưng không thuộc diện ưu tiên (muốn được xếp diện ưu tiên thì chủ hộ phải là ông bà, cha mẹ của đứa bé) trong khi số hồ sơ ưu tiên đã nhiều lắm rồi.
Qua câu chuyện của chị bạn, suy đi nghĩ lại tôi thấy có điều không ổn. Thiết nghĩ, việc quy định hộ khẩu là để bảo đảm sự quản lý và sắp xếp theo địa bàn tuyển sinh, đồng thời để chống tiêu cực “chạy trường”. Nhưng trường hợp con của chị bạn tôi hoàn toàn hợp lệ: đúng tuyến, hộ khẩu trên 3 năm, con gái của chị được sinh ra sau thời gian chị nhập khẩu vào nhà người anh. Vậy lẽ ra cháu bé con chị hoặc những trường hợp tương tự hội đủ điều kiện để được xét vào học. Tôi còn nhớ, trước đây khá lâu, ngành Giáo dục Thị xã đã tổ chức điều tra từng hộ gia đình, nắm rất rõ từng người, độ tuổi, trình độ. Đến kỳ tuyển sinh lớp 1 có người cầm sổ đến từng gia đình để “chốt” lại con em nhà đó có vào học lớp một trường đó hay không. Thiết nghĩ trên cơ sở điều tra đó, các cấp quản lý ngành Giáo dục Thị xã dễ thanh lọc, xác định được “hư, thực” của hộ khẩu. Có người “hiến kế” với chị bạn tôi rằng: hãy thay đổi tên chủ hộ trong hộ khẩu của người anh, tức là chị đứng tên chủ hộ để được ưu tiên (!). Bí lối, ai chỉ sao làm vậy, chị bạn tôi liên hệ xin tách hộ khẩu thì được cán bộ ngành chức năng giải thích rằng: Tách hộ khẩu thì phải có địa chỉ nhà riêng nhưng chị chưa có nhà riêng thì làm sao tách được. Họ khuyên chị hãy làm đơn nhờ cứu xét. Chị nghe lời, làm đơn nộp nhà trường, nhà trường chỉ lên Phòng Giáo dục. Chị đến Phòng Giáo dục thì được… chỉ về trường. Chị bạn tôi chỉ còn biết than trời.
Việc quy định xét tuyển vào các lớp đầu cấp theo khu vực căn cứ hộ khẩu là một biện pháp quản lý. Song ngành Giáo dục cũng cần cân nhắc và xem xét những trường hợp đặc biệt để tránh thiệt thòi cho con em của người dân. Thực tế, có nhiều học sinh tuy hộ khẩu không đúng quy định xét tuyển nhưng vẫn vào được các trường trên địa bàn Thị xã.
HỒNG VŨ