BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ý kiến cử tri, nguyện vọng của dân luôn được tôn trọng

Cập nhật ngày: 27/05/2024 - 00:23

BTN - Bàn Dân được biết là chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ trước kỳ họp thứ 7 này, Ðoàn ÐBQH đã phối hợp cùng hệ thống Mặt trận tổ chức 13 cuộc tiếp xúc cử tri khắp tỉnh với hơn 1.700 cử tri tham dự và đã có 68 cử tri phát biểu tới 115 nội dung.

- Cho hỏi thăm chuyện này nghe Bàn Dân, số là hôm cuối tuần rồi tôi theo dõi thông tin Quốc hội đang họp kỳ 7 ở Thủ đô, thấy có ông luật sư, đại biểu Quốc hội tỉnh mình phát biểu tại hội trường về chuyện quản lý kinh doanh vàng, nhưng tôi chưa hiểu rõ lắm. Ông có nắm được chuyện ấy vui lòng giải thích cho tôi biết với?

- Bàn Dân nghĩ, chuyện này ông cũng đã biết, thời gian gần đây giá vàng trong nước mình cứ “nhảy múa” trồi lên sụt xuống lên liên tục, có lúc tăng cao hơn giá vàng thế giới. Trước tình hình đó, tất nhiên các cơ quan chức năng phải vào cuộc, siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Ðây cũng là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm và rất đồng tình. Tuy nhiên, cũng có một số vướng mắc cụ thể từ phía các doanh nghiệp “ngành vàng”, dẫn đến hiện tượng không ít doanh nghiệp đã phải tạm thời đóng cửa.

Theo phát biểu của đại biểu Ðoàn ÐBQH tỉnh mình, cuối tháng 4.2024 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh đã tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng với các cơ quan quản lý liên quan. Từ đây, Hiệp hội đã tổng hợp có kiến nghị gửi đến Ðoàn ÐBQH tỉnh. Cụ thể, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá. Bởi lẽ, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vàng là doanh nghiệp tư nhân, chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể (cửa hàng vàng bạc) do đó, tài sản, hàng hoá, vốn kinh doanh còn chưa rõ ràng. Ví dụ số vàng của gia đình (có khi là từ nhiều đời để lại) được đưa vào kinh doanh mà không ghi trong vốn, không kê khai khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hoặc số vàng lẻ mua của người dân mang đến bán, do thói quen doanh nghiệp không kê khai thông tin. Mặt khác, người dân cũng ngại cung cấp thông tin cá nhân, doanh nghiệp cũng không lấy thông tin và kê khai. Vàng mua từ nhiều người đem đến bán được doanh nghiệp nấu chung, phân kim thành cục chung, nên không thể xác định rõ được nguồn gốc. Ðồng thời, nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động theo thói quen của hộ kinh doanh, chưa thực hiện đúng chuẩn mực kế toán, dẫn đến tình trạng chênh lệch giữa sổ sách và thực tế; gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý của cơ quan nhà nước.

Về mặt quản lý nhà nước, mặc dù từ lâu đã có những quy định khá rõ ràng về việc kê khai khi mua bán, nhưng vì thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, quản lý của cơ quan chức năng cũng chưa chặt chẽ, khiến doanh nghiệp chủ quan, lơ là trong thực hiện quy định. Từ thực trạng đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất: cho phép doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hoá tồn kho, theo một thời điểm mà Nhà nước quy định. Bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc số vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hoá nhập vào, xuất ra, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đúng và đủ các quy định về quản lý liên quan. Ðại biểu cho rằng nếu Nhà nước cho phép như vậy, thì sẽ tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay cho doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý trong xử lý số vàng không chứng minh được nguồn gốc. Nhà nước thống kê được số lượng vàng mà các doanh nghiệp hiện nắm giữ, đưa vào kinh doanh. Ðây là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiền tệ và điều hành kinh tế vĩ mô.

-Hay quá, đại biểu “Ðoàn mình” phát biểu như vậy cũng như là “hiến kế” cho Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho cả hai bên cơ quan chức năng quản lý và giới kinh doanh vàng bạc. Mà chắc cử tri tỉnh mình còn nhiều ý kiến khác nữa phải không ông, chẳng hạn như là ý kiến về những vấn đề “rất hot” trên các lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; xây dựng và phát triển kinh tế?

-Có nhiều lắm chứ, đâu chỉ có mỗi chuyện vàng “nhảy múa” ấy. Bàn Dân được biết là chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ trước kỳ họp thứ 7 này, Ðoàn ÐBQH đã phối hợp cùng hệ thống Mặt trận tổ chức 13 cuộc tiếp xúc cử tri khắp tỉnh với hơn 1.700 cử tri tham dự và đã có 68 cử tri phát biểu tới 115 nội dung. Trong đó, ngoài những nội dung đại biểu đã làm rõ tại cuộc tiếp xúc, Ðoàn ÐBQH đã tiếp nhận 13 kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương.

Ðặc biệt có một vấn đề mà Bàn Dân nghĩ cả nước cùng quan tâm trước kỳ họp 7. Ðó là tình hình: “Hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền có hành vi tham nhũng gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Ðảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng. Kiến nghị các ngành chức năng kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Ðồng thời, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bố trí cán bộ. Cán bộ khi đưa vào quy hoạch và trước khi bố trí vị trí cao hơn phải được rà soát, thẩm định kỹ phẩm chất, đạo đức, lối sống, chấp hành pháp luật, quy định của Ðảng, tránh việc vừa giữ chức vụ mới lại phát hiện sai phạm”. Ông thấy đó, kiến nghị này cho thấy cử tri, nói rộng hơn là nhân dân cả nước ta hết sức quan tâm đến vận nước và thể hiện lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng, vào công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, vào nhiệm vụ xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển bền vững.

Bàn Dân