Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ý kiến giáo viên: Nghĩ về thực trạng học sinh yếu
Thứ năm: 03:51 ngày 26/12/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều em vẫn thích tìm đến các khu chế xuất, khu công nghiệp xin làm công nhân hơn- vừa không phải tốn công học hành, vừa có thu nhập ngay. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở những địa phương tập trung các khu, cụm công nghiệp.

Nhiều em vẫn thích tìm đến các khu chế xuất, khu công nghiệp xin làm công nhân hơn- vừa không phải tốn công học hành, vừa có thu nhập ngay. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở những địa phương tập trung các khu, cụm công nghiệp.

Trong một giờ học ở Trường THCS Phước Chỉ - Trảng Bàng. Ảnh: Đ.V.T (Ảnh chỉ minh hoạ)

(BTN) - Cách đây chưa lâu, báo Tây Ninh đưa thông tin: Năm học 2012-2013, số học sinh yếu của Tây Ninh (tính theo cấp học) gồm cấp tiểu học: 1.010, cấp THCS: 3.442 và cấp THPT: 4.435.

Như vậy, có thể thấy, bậc học có nhiều học sinh yếu nhất chính là bậc trung học phổ thông. Bài viết trên báo cũng khẳng định một trong những nguyên nhân chính của tình trạng yếu kém học lực ở học sinh là do… phổ cập giáo dục, càng lên cao học sinh càng “hẫng”.

Quan sát thực trạng học sinh yếu bậc học phổ thông có thể thấy: lượng học sinh yếu ở đầu cấp nhiều hơn. Điều này nhiều giáo viên đều phân tích được nguyên nhân: học sinh chưa thích nghi được với lượng kiến thức và phương pháp học ở bậc học mới! Từ đó, vấn đề “mới” phát sinh: tình trạng bỏ học giữa chừng hoặc chuyển sang trường nghề.

Thẳng thắn mà nói, việc học sinh học yếu chuyển sang trường nghề là một tín hiệu tốt, điều đó cho thấy nhận thức về nghề nghiệp trong học sinh và phụ huynh đã thay đổi, không cố công để “làm thầy” mà đã chọn “làm thợ”. Tuy nhiên, có vẻ như lượng học sinh học yếu ở trường phổ thông rẽ sang học nghề còn rất ít. Nhiều em vẫn thích tìm đến các khu chế xuất, khu công nghiệp xin làm công nhân hơn- vừa không phải tốn công học hành, vừa có thu nhập ngay. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở những địa phương tập trung các khu, cụm công nghiệp.

Con số thống kê và những bàn cãi xoay quanh tình trạng học sinh yếu đã là những minh chứng sống động cho thấy: cần có những giải pháp cho vấn đề học lực của các em. Thiết nghĩ, trước hết vẫn là nhu cầu nội tại của bản thân các em. Khi chưa xem học tập là một nhu cầu chính đáng, chính bản thân người học vô tình tự tước đi một quyền rất cơ bản của mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng cũng là ở sự nhận thức và tác động của mỗi gia đình đến con em. Không ít bậc phụ huynh chưa xem việc định hướng học hành cho con em là quan trọng. Đến lượt nhà trường- nơi phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em, có lẽ cũng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tạo ra một môi trường thực sự là niềm vui khi học sinh bước vào.

Nhiều trường học quá chú trọng vào số lượng học sinh từ trung bình trở lên (để bảo đảm chỉ tiêu đề ra) dễ “bỏ quên” học sinh yếu, để các em tự loay hoay dẫn đến chán học.

Việc ngành giáo dục quy định các cơ sở giáo dục đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày phải tổ chức dạy phụ đạo bên cạnh chương trình chính khoá là một quy định hợp lý. Có điều đa số các trường đều tổ chức dạy phụ đạo đại trà trong học sinh chứ chưa quan tâm nhiều đến học sinh có học lực yếu.

Nên chăng, cần dành riêng buổi học này cho học sinh yếu? Bằng cách này, sẽ tiết kiệm được chi phí và thời gian đối với những học sinh đã có học lực đạt yêu cầu (trong tính tương đối của từ này) và nhà trường sẽ có sự đầu tư hợp lý hơn, hiệu quả hơn cho học sinh yếu. Không có nghĩa là phải “xoá sổ” tình trạng học yếu mà có thể xem đây là cách giúp học sinh bị mất căn bản học vấn lấy lại được kiến thức, tạo sự tự tin cho các em, để khi bước vào một môi trường khác các em có điều kiện phát huy sở trường của mình.

Thực tế cũng đã chứng minh không phải học sinh nào học giỏi ở trường phổ thông thì ra đời cũng đều thành công cả. Vậy nên, cần nhìn nhận đúng hơn về thực trạng học yếu trong học sinh để có những bước đi chắc chắn trong giáo dục.

TRẦN THÁI BÌNH

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục