Thông thường, các trường đều báo trước kế hoạch kiểm tra để giáo viên có sự chuẩn bị chu đáo hơn cho công tác ôn tập, hướng dẫn học sinh làm bài trước khi bước vào những kỳ thi có tính chất quyết định. Cũng liên quan đến công việc ra đề, trừ những đề thi dành cho học sinh cuối cấp (lớp 9 hoặc 12) do Phòng và Sở Giáo dục - Đào tạo đảm nhận, còn lại các trường tự ra đề.
Có thể thấy, việc giao quyền “tự chủ” này cho các trường cũng phát sinh nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh. Đơn cử: ra đề theo hướng năm trước ra câu hỏi nào thì năm sau tiếp tục ra câu hỏi ấy (nếu có thay đổi chỉ chừng 10 – 20% nội dung). Trường hợp này phổ biến ở các trường có quy định về thi đua gắt gao, bất kỳ thiếu sót gì của giáo viên cũng được quy ra lỗi để trừ điểm. Để đạt ngưỡng an toàn, giáo viên ưa chọn kiểu ra đề trên.
Trường hợp thứ hai: ra đề theo hướng copy hoàn toàn trong sách tham khảo hoặc đề thi tham khảo, làm thế này, giáo viên khỏi cần đầu tư chất xám và dĩ nhiên không tính đến mặt bằng trình độ của học sinh. Vì thế, có khi đề thi quá tầm, có khi lại quá dễ đối với các em.
Người viết được biết có nơi giáo viên bộ môn thống nhất trước với học sinh là nếu nhà trường chọn đề của mình (đã nộp về ban giám hiệu) làm đề thi học kỳ cho cả khối thì sẽ lấy luôn điểm thi đó làm điểm kiểm tra, các em học sinh không phải kiểm tra nữa.
Vẫn còn nhiều vấn đề xoay quanh việc ra đề thi. Mấu chốt của sự việc chính là từ giáo viên, sau nữa là cấp quản lý. Giáo viên chưa thực sự chuyên tâm với công việc ra đề được giao mới để xảy ra những tình trạng kể trên. Ở cấp quản lý, sự lỏng lẻo từ khâu hoạt động của tổ chuyên môn cho đến cấp cao hơn (lãnh đạo trường) khiến dẫn đến những thiếu sót không đáng có.
Cũng xin được nói thêm, thường khi một đề thi có “trục trặc”, hướng giải quyết của các trường là cho học sinh được hưởng “trắng” điểm. Người viết từng chứng kiến: ở một trường nọ, khi một đề thi lại (trắc nghiệm) có vấn đề, học sinh được “hưởng không” 2 câu, tương ứng 0,4 điểm, sau đó đề thi được mổ xẻ, đúng ra học sinh phải được cộng đến 1,6 điểm.
Đã nhiều năm nay, giáo viên luôn được tập huấn về công tác biên soạn, ra đề kiểm tra. Việc khuyến khích các cơ sở giáo dục thành lập ngân hàng câu hỏi để có thể sử dụng được nhiều năm cũng đã được đặt ra từ lâu nhưng hình như vấn đề vẫn chưa được khởi động. Những phát sinh xoay quanh tình trạng ra đề đã đặt cho ngành giáo dục một bài toán phải có đáp số lập tức chứ không thể cứ loay hoay tìm cách…
NAM VIỆT