Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
XÃ TRƯỜNG ĐÔNG, THỊ XÃ HOÀ THÀNH:
Ý kiến người dân xung quanh việc nâng cấp đường
Chủ nhật: 23:55 ngày 13/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Đồng Văn Sang và 9 hộ dân khác ngụ hẻm số 25, đường Nguyễn Lương Bằng, ấp Trường Đức, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành phản ánh, thông báo của UBND xã Trường Đông về việc giải toả đường số 23 có nội dung chưa hợp lý, cần xem xét lại.

Ông Sang cho rằng lối đi từ trước đến nay chỉ rộng khoảng 1m. Sơ đồ minh hoạ trên “sổ đỏ” được cấp cho ông Sang vào năm 1996 có thể hiện con đường đất rộng 4m (ảnh nhỏ, hướng mũi tên)

NGƯỜI DÂN THẮC MẮC NHIỀU VẤN ĐỀ

Theo thông báo, do ông Trần Văn Hoàng- Phó Chủ tịch UBND xã Trường Đông ký và đóng dấu. Theo đó, nhằm thực hiện kế hoạch làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã năm 2020, qua khảo sát, đường số 23 (chiều dài 300m, chiều ngang 4m) hiện có cây xanh, nhà vệ sinh, hàng rào lấn ra đường, không bảo đảm đủ lộ giới để thi công đường bê tông 4m. UBND xã thông báo đến các hộ dân hai bên tuyến đường số 23 phải tự giải toả vật cản nêu trên, để xã phối hợp với đơn vị thi công tiến hành làm đường.

Thông báo còn nêu rõ, 9 giờ ngày 3.9.2020, UBND xã cử cán bộ địa chính, giao thông nông thôn phối hợp cùng BQL ấp Trường Đức xuống đo đạc, định vị đường số 23, đề nghị các hộ dân liên quan có mặt và mang theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Hộ nào vắng mặt, UBND xã sẽ không giải quyết mọi thắc mắc về sau. Thời gian giải toả là 7 ngày, kể từ ngày xã tiến hành định vị. Nếu quá thời gian trên, các hộ dân chưa thực hiện, chính quyền địa phương sẽ giải toả, người dân phải trả chi phí.

Sau khi có thông báo, nhiều hộ dân không tán thành. “Con đường mà xã đang đề cập từ trước đến nay chỉ rộng khoảng 1m, do người dân có đất liền kề tự chừa ra để làm lối đi chung. Hiện tại, người dân trong khu vực không có nhu cầu đi lại lối đi này nữa (nằm phía sau dãy nhà dân), vì đã có đường hẻm số 25 rộng, thoáng phía trước nhà.

Chưa được sự thống nhất của những hộ dân liên quan, chưa đối chiếu xác định rõ GCNQSDĐ của người dân trên thực địa, chưa có kế hoạch kiểm kê xử lý tài sản trên đất một cách bài bản... vậy mà đã có người đến chặt hạ cây dừa nhiều năm tuổi của gia đình tôi là việc làm không thể chấp nhận được”- ông Võ Văn Đẫu, một trong số các hộ dân có tên trong đơn cho biết.

Qua xác minh nhiều hộ dân trong khu vực, các hộ này đều cho hay, lối đi trên từ trước đến nay chỉ rộng khoảng 1m, bắt đầu từ đường Nguyễn Lương Bằng đến cuối dãy đất của ông T mới nhận sang nhượng sau này. Lối đi chỉ rộng khoảng 1m, ngang qua bên hông duy nhất một căn nhà giáp ranh với đất của ông T, hướng gần đường Nguyễn Lương Bằng. Phần lớn lối đi tiếp giáp phía sau hè dãy nhà dân (có “mặt tiền” là đường hẻm số 25) và đất của ông T. Hàng cây dừa của gia đình nhà ông Đẫu nằm khoảng giữa lối đi này. Trưởng ấp Trường Đức cho hay, hàng cây dừa là do chị của ông Đẫu trồng, sau này để lại cho ông Đẫu quản lý.

“Hàng cây dừa đã hơn 20 năm tuổi, nếu thật sự có tồn tại con đường rộng 4m thì lẽ nào gia đình tôi lại đem dừa ra trồng giữa đường như vậy? Mặt khác, nếu Nhà nước cho rằng người dân cất nhà và trồng cây lấn đường rộng 4m, tại sao ngay từ đầu không ngăn chặn, để đến nhiều năm sau mới ra thông báo buộc người dân phải tự đập nhà, phá rào, chặt cây giải toả. Và vì sao việc này chỉ diễn ra khi ông T về đây mua đất?” - ông Đẫu thắc mắc.

Ông Mười, một hộ dân có nhà giáp lối đi nêu ý kiến: “Cơ quan chức năng cần xem xét lại việc mở đường rộng 4m, đường này có phục vụ nhu cầu lưu thông của đại đa số quần chúng và phù hợp với quy hoạch hay không? Nếu không cần thiết thì nên giữ nguyên hiện trạng để tránh gây mất đất và tài sản trên đất của người dân”.

“Đường số 25 chỉ cách lối đi trên khoảng 30m, việc quy hoạch đường số 23 với khoảng cách ngắn như vậy có hợp lý không? Trước đây có một con đường đối xứng với đường số 22 (qua đường Nguyễn Lương Bằng) thông thẳng xuống khu dân cư phía sau dãy đất của ông T, nhưng hiện nay con đường này đã bị người dân rào chắn và lấy đất sử dụng. Cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại vị trí của đường số 23 được đặt “lệch” so với đường số 22 như xã đã ban hành thông báo là có đúng với quy hoạch hay chưa? Vì đường được quy hoạch trong khu vực này thường đối xứng nhau theo kiểu bàn cờ. Hơn nữa, làm đường số 23 đối xứng với đường số 22 là phù hợp với với nhu cầu sử dụng thực tế của người dân” - ông Sang có ý kiến.

Ý KIẾN CỦA CHÍNH QUYỀN

Việc làm đường thực hiện theo chủ trương xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tất cả các tuyến đường trên địa bàn đều sẽ được nâng cấp (trong đó có việc vận động người dân đóng góp). Trước đó, ông T là mạnh thường quân đã bỏ một khoản tiền lớn để làm đường bê tông vào khu nghĩa địa ấp Trường Đức.

Sau đó, ông T mua đất tại nơi nêu trên và cũng muốn tiếp tục bỏ chi phí làm đường bê tông rộng 4m để bà con cùng đi. UBND xã nhận thấy việc làm này là có lợi cho nhiều người, góp phần xây dựng nông thôn mới, chứ hoàn toàn không vì lợi ích cá nhân của ông T mà xã ban hành thông báo như trên. Hơn nữa, con đường đang cần nâng cấp do Nhà nước quản lý, đã thể hiện trong bản đồ địa chính từ lâu.

Qua trích lục bản đồ địa chính, cán bộ địa chính xã Trường Đông cho biết, bản đồ địa chính thể hiện có con đường đất rộng 4m sau dãy nhà dân, giáp với đất của ông Sang trước đây, thẳng xuống cuối đất của ông T. Đường đất còn thể hiện rõ trong GCNQSDĐ đã cấp cho ông Sang vào thời điểm năm 1996.

Hiện tại, ông Sang đã sang nhượng thửa đất giáp đường cho người khác, ông không còn bất động sản nào liên quan đến con đường này. Thế nhưng, ông Sang cứ một mực khẳng định khi bán đất cho người khác có chừa lại 4m ngang đất (tức phần đường đang đề cập) để sau này con ông cất nhà, nay ông không đồng ý cho xã lấy phần diện tích đất ông chừa để làm đường.

Ngoài ra, khi chính quyền địa phương đến đo đạc, định vị lại con đường thì nhiều hộ dân đã không hợp tác, không cung cấp GCNQSDĐ để làm cơ sở đối chiếu. Riêng ông Đẫu còn có hành vi ngăn cản và yêu cầu phải có cơ quan chuyên môn cấp trên mới được đo đường.

Vào ngày 8.9, Phó Chủ tịch UBND xã cùng cán bộ địa chính xã, trưởng ấp Trường Đức và nhiều hộ dân tại khu vực trên đến kiểm tra hiện trạng con đường. Phạm vi đường rộng 4m (mà cán bộ địa chính định vị trước đó). Càng về cuối, con đường càng hẹp, do có nhiều cây cối, hàng rào và công trình phụ của người dân trên đất (được cho là phạm vi thuộc đường cần giải toả). Qua thuyết phục, ông Sang đưa ra GCNQSDĐ được cấp vào ngày 8.11.1996 để đối chiếu. Quả nhiên, sơ đồ minh hoạ trong “sổ đỏ” của ông có thể hiện con đường đất rộng 4m như cán bộ địa chính đã cho biết.

Đến đây, ông Sang bất ngờ: “Tôi sống ở đây từ nhỏ đến giờ (ông Sang sinh năm 1972) chỉ thấy con đường này rộng khoảng 1m, nhưng không hiểu tại sao khi Nhà nước cấp “sổ đỏ” lại thể hiện đường rộng đến 4m”. Nhiều hộ dân có mặt tại đó cũng đồng tình với ông Sang.

Bà Nguyễn Thị Thuý An, một hộ dân có tên trong đơn phản ánh cho biết, “sổ đỏ” cấp cho bà ngày 10.1.2007, thể hiện con đường công cộng trước nhà bà (tại vị trí gần vuông góc với đường trong thông báo) rộng 4m, trong khi con đường trên là do gia đình bà tự chừa riêng để làm lối đi ra đường 21 và 25. Bà An kiến nghị, nếu Nhà nước nâng cấp đường thì phải xem xét tất cả các hộ dân giáp đường cùng hiến đất chứ không để riêng gia đình bà chịu thiệt.

Bà An còn thắc mắc về việc trước đây có tồn tại một con đường đối xứng với đường số 22 nhưng hiện tại đã không còn. Một số hộ dân có mặt đề nghị, cần quy hoạch đường số 23 đối xứng đường 22 là phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của khu dân cư. Con đường mà xã ra thông báo chỉ nên xem là đường phụ.

Những ý kiến của người dân nêu trên sẽ được chính quyền địa phương ghi nhận, xem xét để có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.

MINH QUỐC

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục