BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ý nghĩa của sự kiện nâng độ tín nhiệm quốc gia

Cập nhật ngày: 06/06/2022 - 06:09

BTN - Tuần rồi tôi đọc được trên trang Thông tin Chính phủ một bản tin rất đáng phấn khởi ông ạ.

-Tin gì vui thế?

-Đó là tin: “S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định”. Đấy, trong lúc tình hình an ninh thế giới đang hết sức phức tạp ở nhiều nơi, đồng thời đại dịch Covid-19 cũng còn làm cho rất nhiều quốc gia phải lao đao lận đận, thì sự việc nước mình được nâng mức tín nhiệm dài hạn lêm mức cao hơn là đáng mừng lắm chứ. Có điều…

-Tin ấy đúng là tin rất vui, nhưng sao ông kể với Bàn Dân lại còn nói “có điều” ngập ngừng như thế?

-Nói thiệt ông đừng cười, tôi cảm nhận được tin ấy là tin mừng, có điều tôi chưa hiểu rõ lắm về ý nghĩa của việc tăng hạng ấy, nên mới kể để hỏi thăm xem ông có biết thì giải thích cho tôi hiểu thêm vậy mà.

-À, chuyện đó thì Bàn Dân cũng có tìm hiểu, để Bàn Dân nói ông nghe. Không phải ngẫu nhiên, hay có sự sắp xếp theo kiểu ngoại giao, mà S&P (tên viết tắt của Công ty dịch vụ tài chính Standard & Poor’s, một trong ba tổ chức xếp hạng tín dụng cả công và tư uy tín thế giới, có trụ sở tại Hoa Kỳ) lại đánh giá cao mức tín nhiệm của nước ta.

Mà đó là kết quả của sự ghi nhận nền kinh tế nước ta đang trên đà hồi phục vững chắc nhờ Chính phủ đã có bước chuyển linh hoạt, an toàn trong chính sách kiểm soát dịch Covid-19, gỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội, không còn hạn chế giao thông trong nước và xuyên biên giới; đồng thời nước ta đã đẩy nhanh đạt tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 một cách “thần tốc” đạt tỷ lệ và hiệu quả ấn tượng.

Đặc biệt là nước ta đã có sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút được dòng vốn đầu tư FDI, bất chấp sự gián đoạn do đại dịch như hầu hết các quốc gia trên thế giới.

-Nguyên nhân của sự đánh giá đó, cơ bản là tôi hiểu rồi. Còn cụ thể là chuyện nâng mức tín nhiệm lên mức BB+, mức triển vọng ổn định thì tôi chưa biết gì hết?

-Ấy là thang mức xếp hạng tín nhiệm của S&P. Theo đó phạm vi đánh giá có ba loại là “đánh giá dài hạn”, “đánh giá đầu tư” và “đánh giá phi đầu tư”. Đối tượng đánh giá là những “người vay” trong có có cả tư nhân và nhà nước.

Tức là đánh giá “uy tín vay nợ” của các tổ chức kinh tế tư nhân và cả việc các quốc gia vay “nợ công”. Trường hợp S&P đánh giá Việt Nam là “đánh giá dài hạn” theo thang bậc từ loại A đến loại D.

Mỗi loại lại có ba bậc. Chẳng hạn như các bậc từ 1A đến 3A, từ 1B đến 3B, 1C đến 3C… Giữa các bậc lại có thêm dấu cộng (+) hoặc dấu trừ (-), nghĩa là hơn một chút, hoặc kém một chút.

Về ý nghĩa của các bậc xếp hạng, cao hơn cả là hạng AAA đánh giá “người vay (bao gồm các chính phủ) tốt nhất, đáng tin cậy”; thấp hơn cả là hạng C đánh giá các “con nợ” có độ tổn thương cao, có khả năng bị vỡ nợ hoặc đang bị truy thu nhưng vẫn trả nợ theo giao ước. Tuy vậy, việc đánh giá loại C này cũng còn “đỡ” hơn hạng “bét” là loại D: đã vỡ nợ với các giao ước và sẽ vỡ nợ với phần lớn hoặc tất cả các giao ước.

-Vậy thì trường hợp nước ta vừa được S&P nâng hạng hôm 26.5 từ BB lên BB+ có ý nghĩa như thế nào hả ông?

-Đối với các Chính phủ, theo thang mức đánh giá của S&P, mức BB là độ tín nhiệm có triển vọng “tích cực”, còn BB+ là độ tín nhiệm có triển vọng “ổn định”. Việc nâng mức tín nhiệm nước ta như thế còn thể hiện dự báo của S&P trong trong vòng 12 tháng đến 24 tháng tới, tức là một năm đến hai năm nữa nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch trong hai năm vừa qua góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách của nước ta.

-Hay thật, nhưng liệu Tổ chức S&P ấy đánh giá có… chủ quan, thiên vị không ông nhỉ?

-Ông đúng là… đa nghi thật đấy. Nhưng ông yên tâm, về việc đánh giá độ tín nhiệm của các quốc gia không chỉ có một Tổ chức S&P đánh giá cao nước ta, mà cả 3 tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế có uy tín nhất trên thế giới là S&P, Moody’s và Pitch Rating đều ở Hoa Kỳ cùng đồng loạt nâng mức tín nhiệm nước ta lên.

Theo đó, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng triển vọng quốc gia lên “tích cực” rồi tiếp tục lên “ổn định”. Điều này một lần nữa khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với thành công của nước ta trong thời gian qua và cả thời gian tới.

Bàn Dân