Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Y tế Tây Ninh - Vượt qua khó khăn, hoàn thành sứ mệnh
Thứ ba: 23:46 ngày 28/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đối mặt với những khó khăn đó, ngành Y tế Tây Ninh từng bước khắc phục, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Y, bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân

Sau hai năm chiến đấu với đại dịch Covid-19 với nhiều mất mát chưa từng có trong lịch sử, bước sang năm 2022, ngành Y tế tỉnh nhà lại tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn sau đại dịch. Đối mặt với những khó khăn đó, ngành Y tế Tây Ninh từng bước khắc phục, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Khó khăn chồng chất

Sau đại dịch, hầu hết các lĩnh vực đều có dấu hiệu khởi sắc, nhưng ngành Y tế cả nước nói chung và ngành Y tế tỉnh nhà nói riêng, năm qua là một năm đầy sóng gió và cả những “biến cố” lớn. Nhiều vấn đề bất cập “hậu Covid-19” nảy sinh, các dịch bệnh khác xuất hiện, khiến những chiến sĩ áo trắng lại tiếp tục đối diện với những thách thức mới.

Nhớ lại giai đoạn chống dịch Covid-19, bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ, chống dịch Covid-19 là giai đoạn hết sức khốc liệt đối với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tây Ninh. Thời điểm đó, bệnh viện chuyển đổi công năng thành 3 đơn vị điều trị Covid-19, nhằm chia sẻ gánh nặng điều trị bệnh nhân Covid-19 tuyến tỉnh. Bệnh viện đã dốc toàn nhân lực tập trung chống dịch. Các y, bác sĩ, nhân viên y tế gần như trực suốt tại bệnh viện, đặc biệt là y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - ICU, luân phiên trực 14 ngày, nghỉ 14 ngày và tự cách ly tại nhà.

Sau thời gian dài tập trung cho công tác phòng chống dịch, ngành Y tế Tây Ninh nhận ra nhiều hạn chế cần khắc phục, như số lượng bác sĩ tham gia điều trị không đủ về chất lượng và số lượng, đa số là bác sĩ mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm; trang thiết bị, thuốc men còn hạn chế, ngành Y tế bị rơi vào tình trạng khan hiếm thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng như bệnh nhân thông thường. “Điều này Đảng và Nhà nước đều thấy và ghi nhận. May mắn, thời gian đó, Y tế Tây Ninh được ngành Y tế các tỉnh bạn, Trung ương hỗ trợ nâng cao chuyên môn. Rất nhiều bệnh nhân được cứu sống từ sự giúp đỡ về chuyên môn và hỗ trợ trang thiết bị, thuốc men phòng, chống dịch này”- bác sĩ Tâm cho biết.

Sau một thời gian dài dồn tổng lực chống dịch Covid-19, hầu như toàn bộ hệ thống y tế rơi vào kiệt quệ cả về tài chính lẫn nhân lực, vật lực. Những vấn đề “hậu Covid-19” nảy sinh khiến tâm lý của nhân viên y tế vốn đã bất an với dịch bệnh càng trở nên lo lắng kéo dài. Kéo theo đó là “làn sóng” nhân viên y tế nghỉ việc đã gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập.

Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội của toàn thế giới, trong đó có nước ta. Ngành Y tế là một ngành ở tuyến đầu, trực tiếp chống dịch, còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Ông chia sẻ: “Số lượng nhân viên y tế nghỉ việc từ năm 2020-2022 tuy không nhiều, nhưng đã gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập, bởi hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm; đồng thời có một sự chuyển dịch nhân lực y tế chất lượng cao từ khối nhà nước sang khối tư nhân”.

Ông Hùng cho biết thêm, cao điểm hai năm 2020-2021 phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nguồn thu phí khám, chữa bệnh tại các đơn vị không có, dẫn đến mất cân đối thu chi tại các cơ sở y tế công lập. Mặt khác, thực hiện phương châm 4 tại chỗ, các cơ sở y tế phải dùng nguồn kinh phí chi trả tiền thuốc để trả phí chi hoạt động thường xuyên, chi phí chống dịch... Việc này ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, nhân viên y tế.

Cùng với sự thâm hụt về nhân lực, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc cũng là vấn đề khó khăn mà nhiều cơ sở y tế phải trải qua trong năm 2022. Cao điểm, cả tỉnh thiếu dung dịch cao phân tử điều trị sốt xuất huyết, một vài loại thuốc cấp thường xuyên như ARV... bị gián đoạn cung ứng...

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành sứ mệnh

Nhận diện được những khó khăn, ông Trương Văn Hùng chia sẻ thêm, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành Y tế đã và đang chủ động thực hiện một số giải pháp thiết thực, từng bước tháo gỡ hạn chế, khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19, song song đó, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Trước hết, tập trung giải quyết khó khăn về tài chính và nhân lực.

Cụ thể, Sở Y tế đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 52/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 nhằm hỗ trợ một lần cho 21.639 người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí gần 34 tỷ đồng. Việc hỗ trợ một lần cho các lực lượng này là cần thiết, nhằm thể hiện sự quan tâm, động viên, tri ân đối với các lực lượng đã và đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh thực hiện Quyết định 16/2022/QĐ-TTg ngày 8.7.2022 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19. UBND tỉnh đã cho chủ trương sử dụng các quỹ, nguồn cải cách tiền lương của các đơn vị và cấp bổ sung với tổng số tiền gần 62 tỷ đồng để bù mất cân đối thu chi. Qua đó, các cơ sở y tế công lập đã có nguồn kinh phí trả tiền nợ thuốc và mua thuốc, sinh phẩm, vật tư phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Hiện tại, Sở Y tế tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Có 2 gói thầu, đến tháng 3.2023 cơ bản hoàn thành gói 1 với 195 mặt hàng, cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc cơ bản tại các cơ sở y tế công lập và đến tháng 4.2023 sẽ hoàn thành gói 2 với 945 mặt hàng thuốc. Khi hoàn thành sẽ giải quyết được việc thiếu thuốc BHYT.

Năm 2022, ngành Y tế tỉnh bắt đầu tổ chức tuyển dụng viên chức bổ sung nguồn nhân lực bị thiếu hụt, cơ bản đến tháng 3.2023 sẽ hoàn thành. Song song đó, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo bác sĩ theo địa chỉ để bổ sung nguồn lực cho tỉnh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ; đặc biệt là cán bộ trẻ; rà soát các trang thiết bị đã được trang bị để điều chuyển, sử dụng hiệu quả.

“Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc phải xử lý do hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại, cũng như những vấn đề phát sinh mới cần có thời gian khắc phục, nhưng với sự ủng hộ của toàn bộ hệ thống chính trị, nội lực của ngành, chúng tôi tin tưởng rằng ngành Y tế Tây Ninh sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới”- ông Trương Văn Hùng nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh có 3 bệnh viện tư nhân, 9 phòng khám đa khoa, 380 phòng khám chuyên khoa, 147 cơ sở y tế khác với nhân lực 1.605 người; trong đó có 694 bác sĩ.

Năm 2020, số nhân viên có chuyên môn y tế xin thôi việc, bỏ việc 50 người; năm 2021 có 33 người và năm 2022 là 81 người. Tính từ 1.1.2020 đến 31.12.2022, số nhân viên có chuyên môn y tế xin thôi việc, bỏ việc là 164 người.

Nhu cầu hiện tại theo quy định về vị trí việc làm cần có 618 bác sĩ (thiếu 65 bác sĩ). Nhu cầu đến năm 2025 cần khoảng 830-850 bác sĩ. Dược sĩ trung cấp, cao đẳng, đại học có 340 người. Số điều dưỡng hiện nay có gần 700 người, nhu cầu cần tối thiểu từ 1.100 người (thiếu 400).

Các chuyên môn y tế khác (hộ sinh, y sĩ, kỹ thuật y, y tế công cộng) hiện có trên 820 người, nhu cầu cần 950 người (thiếu 130).

Ngọc Bích - Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục