Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Yếm trong tục ngữ, ca dao

Cập nhật ngày: 13/12/2010 - 11:07

Yếm được tạo thành từ “một mảnh vải có hình vuông đeo trước ngực rất đơn giản, góc trên khoét tròn làm cổ, hai góc bên đính với dải để buộc ra sau lưng”. Phần dải yếm được tạo thành từ hai dải ở hai góc bên cạnh sườn buộc ra sau lưng hoặc là hai miếng vải hình tam giác vắt chéo ngang sau lưng rồi buộc ra phía trước, để lộ ra một phần lưng rất gợi cảm của các cô gái. Yếm được may từ những loại vải có nguồn gốc thực vật như đũi, nhiễu, vóc, lụa. Chất liệu mềm, thoáng, cách may đơn giản khiến người mặc nó luôn cảm thấy dễ chịu, tiện lợi.

Chính vì gọn, nhẹ, thoáng mát, tiện lợi, yếm trở thành loại trang phục phổ biến đối với phụ nữ Việt Nam vùng châu thổ Bắc Bộ xưa và là loại trang phục ổn định nhất qua các thời kỳ lịch sử.

Văn hoá phong tục ghi nhận: Cho đến trước năm 1945, trang phục của phụ nữ là: váy đen, nâu, áo cộc, yếm cổ xẻ sau này là cổ xây, thắt lưng, mặc áo dài, bên trong khăn vấn, bên ngoài khăn mỏ quạ. Đó là đối với dân miền Bắc và dân Thanh Nghệ. Còn từ Nam Trung Bộ và miền Nam thì phụ nữ vận áo bà ba đen.

Yếm có nhiều cung bậc màu sắc, phong phú đến mức trong hầu hết các câu ca dao về yếm thì danh từ yếm thường đi kèm với một tính từ chỉ màu sắc:“Cái cò lặn lội bờ ao/Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng”. Hay:“Anh mua (cho) cái yếm hoa chanh/Ra đường bạn hỏi, nói (của) anh cho nàng”.

Yếm nâu dùng trong lao động ở nông thôn, yếm trắng, yếm hồng mặc thường ngày ở thành thị, yếm thắm, hồng rực rỡ tô điểm cho lễ hội....

Yếm vừa được chị em mặc trong sinh hoạt hàng ngày, vừa được mặc khi lao động: “Hỡi cô yếm trắng lòa lòa/Lại đây đập đất trồng cà với anh/Bao giờ cà lớn trái xanh/Anh cho một quả để dành mớm con”.

Yếm còn là vật trang điểm, làm tăng thêm nét e ấp nữ tính, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam:“Chưa chồng yếm thắm đeo hoa.../Đi đâu lướt thướt la tha/Có đôi dải yếm bay ra bay vào”.../“Khen ai khâu yếm cho mình/Đường lên đường xuống ra hình lưng ong”.

Từ chiếc yếm, người phụ nữ Việt Nam xưa có thể tự hào thể hiện chữ “Công” trong “Tứ đức” của mình:“Nhác trông cái yếm cũng xinh/Khen ai khéo dệt ra hình hoa mai”.../“Yếm này em ngả màu hồng/Yếm này nhuộm hết mấy công hỡi nàng/Khi xưa lụa hãy còn vàng/Khen ai khéo nhuộm cho nàng, nàng ơi”.

Yếm theo các cô gái dập dìu trong những lễ hội ngày xuân, gây nên bao vấn vương, hy vọng, và cả thất vọng: “Hỡi cô mặc áo yếm hồng/Đi trong đám hội có chồng hay chưa”.../“Tưởng rằng yếm đỏ còn son/Ai hay yếm đỏ có con một bầy”.

Từ bao đời nay, chiếc yếm đã đi vào nếp cảm, nếp suy, nếp nghĩ của người Việt. Chiếc yếm hữu dụng trong cuộc đời thật đã thơ mộng đi vào đời sống tình cảm nhân dân. Chiếc yếm là biểu tượng gửi gắm những cảm xúc yêu thương, giận hờn... Ở đó còn là những câu chuyện, những tình cảm nhớ thương của đôi lứa yêu nhau, nồng ấm của vợ chồng dành cho nhau trong cuộc sống gia đình.

Chiếc yếm là một nét riêng biệt, độc đáo của văn hoá Việt Nam. Xưa đã vậy, nay có ai còn hiểu ?...

K.D (st)