Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Yển Khê là vùng đất cổ thuộc trung tâm quốc gia Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Những dấu tích của người xưa cùng các câu chuyện kể, truyền thuyết trong dân gian và tài liệu, thư tịch còn lưu giữ lại đã chứng minh điều đó.
Yển Khê là vùng đất cổ thuộc trung tâm quốc gia Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Những dấu tích của người xưa cùng các câu chuyện kể, truyền thuyết trong dân gian và tài liệu, thư tịch còn lưu giữ lại đã chứng minh điều đó.
Thời Hùng vương, xã Yển Khê thuộc bộ Văn Lang. Thời kỳ Bắc thuộc, thuộc quận Phong Châu. Đến đời Lý (khoảng năm 1084) Yển Khê thuộc huyện Thanh Ba, châu Thao Giang, phủ Tam Giang. Từ thời Lê đến đầu triều Nguyễn (1428-1891) xã Yển Khê thuộc huyện Thanh Ba, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây. Từ khi thành lập tỉnh Hưng Hoá (năm 1891) và sau này đổi là tỉnh Phú Thọ (1903), Yển Khê nằm trong tổng Hanh Cù. Cách mạng Tháng Tám thành công, Yển Khê nằm trong liên xã Bà Triệu và từ năm 1964 đến nay thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Nằm trên vùng đất cổ, lại có sông Hồng quanh năm bồi đắp phù sa nên từ xa xưa Yển Khê đã nổi tiếng là mảnh đất màu mỡ. Có lẽ vì vậy mà từ rất sớm, đã có nhiều người ở các nơi khác nhau tìm về đây sinh cơ lập nghiệp. Trải qua hàng trăm năm, Yển Khê vẫn gồm 2 thôn chính là Lận Dương và Yển Khê, đã một thời thôn Yển Khê được coi là “đất Văn” còn thôn Lận Dương là “đất Võ”. 2 thôn này có nhiều xóm có tên gọi khá lạ như: Gò Tuyên, Mấy Ói, Nam Điển, Ngõa, Gò Lá, Nhà Dận, Tân Trung, Vàng, De, Sủn, Cầu Xuân, Đình Cháy, Dộc Chảu…
Cùng với truyền thống yêu nước và cách mạng, Yển Khê còn là vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời, từ các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trò chơi dân gian truyền thống đến phong tục, tập quán trong lao động sản xuất, tính độc đáo trong cách sống, cách nói, trong văn hoá ẩm thực, đã tạo nên cốt cách người Yển Khê. Dẫu trải qua bao năm tháng thăng trầm lịch sử, Yển Khê vẫn gìn giữ được những nét cổ kính và văn hiến, được thể hiện ở tên đất, tên làng, quần thể di tích đình, chùa cổ kính thâm nghiêm và những thuần phong mỹ tục đã được truyền từ đời này qua đời khác. Theo các cụ kể lại thì từ thuở xưa, Yển Khê có đến 8 ngôi đình làng, 5 ngôi chùa. Ngày nay chỉ còn lại đình Ngõa (xóm Ngõa thôn Yển Khê), đình Vàng (xóm Vàng thôn Lận Dương) và chùa Thọ Khuê ở giữa làng. Ngoài ra mỗi xóm còn có miếu thờ Thổ thần của xóm.
Trong quần thể văn hoá Yển Khê, cùng với các di tích còn lại đến ngày nay như đình Ngõa, chùa Thọ Khuê (đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1995) thì đình Vàng là một di tích khá tiêu biểu. Nơi đây thờ Tam vị đại vương là Đột ngột Cao sơn, Ất sơn và Viễn sơn, là các vị thần đã có công âm phù dương trợ giúp vua Hùng đánh giặc, sau này các vị được dân làng Yển Khê suy tôn làm Thành hoàng làng và được vua Hùng cùng các triều đại phong kiến trước đây xuống chiếu phong Thần, giao cho dân làng Yển Khê phụng thờ hương khói, việc cúng lễ đó cũng được ghi vào lễ tiết quốc thánh và chép vào sử sách thờ tự chung của cả nước.
Về kiến trúc, đình Vàng được xây dựng theo hình chữ Đinh, trên một khu đất rộng, bằng phẳng nằm cạnh con đường nối liền 2 thôn Lận Dương và Yển Khê, đình nhìn hướng Nam, cấu trúc gồm 2 tòa, phần ngoài xây gạch, phần trong bằng gỗ. Tòa đại đình gồm 3 gian 2 dĩ. Phía trước, các nghệ nhân xưa đã tạo 3 khuôn cửa bức bàn rộng, 2 dĩ làm 2 cửa sổ để lấy ánh sáng vào đình theo luật Âm – Dương. Tòa hậu cung gồm 3 gian, ngoài khám thờ, hai bên có lối lên thượng cung, trong cung đặt 3 cỗ ngai và các bài vị thờ Tam vị đại vương. Đình Vàng được xây dựng từ rất lâu, đại trùng tu vào đời Nguyễn, trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và các năm ngập lụt lớn, đình Vàng bị tàn phá nặng nề. Năm 1980 đình được sửa chữa phần tường xây và đến năm 1992 được tiến hành tu bổ lại, phần gỗ của đình sau nhiều năm sử dụng làm nhà kho HTX nông nghiệp đã được trả lại cho đình Vàng.
Theo đánh giá của Bảo tàng tỉnh Phú Thọ thì đình Vàng (xã Yển Khê) nằm trong hệ thống các di tích thờ vua Hùng, vì vậy những di sản phi vật thể ở Yển Khê nói chung và xóm Vàng nói riêng gắn với di tích này đều liên quan tới thời đại Hùng vương và mang đậm tính chất cội nguồn của vùng đất Tổ. Với những giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, ngày 11 tháng 7 năm 2011 UBND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cho đình Vàng (xã Yển Khê) nhằm bảo tồn và gìn giữ một di sản văn hoá quý báu trên quê hương đất Tổ Hùng vương.
Ngày 17.11.2011 (tức 22 tháng 10 năm Tân Mão) Yển Khê tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cho đình Vàng, đây thực sự là ngày hội lớn của nhân dân địa phương.
K.D (st)