Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Yến sào Tây Ninh: Hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững
Thứ sáu: 22:49 ngày 22/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh là một trong những tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có nhiều vùng sinh thái thích hợp cho chim yến sống và làm tổ, sản lượng khá cao.

Sản phẩm yến sào của Tây Ninh tham gia chương trình xúc tiến thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh.

Trong những năm gần đây, số lượng nhà yến trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển. Năm 2019, toàn tỉnh có 190 nhà yến; đến tháng 9.2023, có khoảng 1.000 nhà yến với 800 nhà yến đang hoạt động, 200 nhà yến đang xây dựng hoặc có vị trí phù hợp nhưng chưa xây dựng. Số lượng nhà yến của tỉnh xếp thứ 9/42 các tỉnh, thành phố có nuôi chim yến và xếp thứ 4/6 các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Định hướng của tỉnh trong thời gian tới là tạo điều kiện để phát triển nuôi và khai thác, chế biến tổ yến theo Kế hoạch số 3625/KH-UBND ngày 18.10.2021 của UBND tỉnh thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Ngày 9.12.2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành đã có các văn bản hướng dẫn, là cơ sở pháp lý quan trọng, phân định vùng được phép và không được phép nuôi chim yến, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, Tây Ninh đã thành lập Chi hội Yến sào, là điều kiện thuận lợi cho việc tập hợp, kết nối các hội viên và doanh nghiệp lớn trong việc xuất khẩu sản phẩm yến.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sản lượng tổ yến năm 2023 của tỉnh ước đạt 13.080kg, vượt so với mục tiêu của Kế hoạch số 3625/KH-UBND. Nhằm tăng giá trị cho sản phẩm, các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị các thủ tục xuất khẩu sản phẩm tổ yến, liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để tham gia xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc. Đây là một trong những bước đầu tiên, là tiền đề để các tổ chức, cá nhân tiếp tục liên kết tham gia chuỗi xuất khẩu.

“Thách thức trong phát triển nghề nuôi chim yến hiện nay là thiếu tính liên kết của một ngành hàng, tổ yến còn chưa bảo đảm về chất lượng và an toàn thực phẩm, chưa truy xuất được nguồn gốc, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu cho sản phẩm.

Việc chế biến tổ yến chủ yếu là sơ chế, khâu chế biến sâu còn hạn chế nên giá bán không ổn định, chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực, đây là nguyên nhân làm cho người đầu tư nuôi yến không khỏi lo lắng về thị trường tổ yến của Việt Nam”- Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định.

Thẩm định xây dựng nhà yến ở huyện Dương Minh Châu.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có quy định về quản lý nuôi chim yến và chỉ tiêu chất lượng tổ yến sơ chế (theo Điều 25 và Phụ lục VII của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21.1.2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi), tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định chung về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong xây dựng, bảo vệ môi trường, vận hành, quản lý nhà yến cho các địa phương thống nhất về quản lý ngành yến. Ngoài ra, công tác kiểm soát dịch bệnh đối với chim yến còn nhiều bất cập, còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn sinh học, dịch bệnh cho động vật và sức khoẻ con người.

Do đó, vấn đề cần quan tâm hiện nay là các ngành có liên quan, chính quyền địa phương tăng cường thực hiện Luật Chăn nuôi năm 2018, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP, Nghị định số 46/2022/NĐ-CP, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và các hướng dẫn của các ngành chuyên môn.

Tuyên truyền phổ biến nghị định thư đến các cơ sở nuôi yến, sơ chế và chế biến sản phẩm từ chim yến có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc như: thực hiện kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y; hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện về nhà nuôi yến, chế biến phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu, giám sát tốt các quy định về an toàn với nghề nuôi yến; phối hợp Cục Thú y trong công tác thẩm định điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở xuất khẩu sản phẩm yến.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, hướng tới kinh tế xanh, đối với công tác quản lý nhà nước, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu tỉnh ban hành danh mục các khu dân cư không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng nhà yến, tạo điều kiện cho người dân an tâm đầu tư phát triển nhà yến.

Song song đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà yến và bản đồ hiện trạng nhà yến làm cơ sở để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, định hướng phát triển nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động liên quan đến nhà yến và quản lý truy xuất nguồn gốc, chất lượng tổ yến sau sơ chế. Đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục pháp lý có liên quan cho các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký xây dựng nhà yến, cơ sở chế biến sản phẩm từ yến theo đúng quy định.

Về tổ chức sản xuất và thị trường, Sở định hướng việc thành lập tổ chức liên kết giữa các tổ chức, cá nhân nuôi chim yến như Hội, Chi hội người nuôi yến, Hợp tác xã nhà yến và khuyến khích xây dựng nhà yến chuyên dụng, tập hợp lại thành làng nghề nuôi chim yến trên cơ sở quy định vùng nuôi chim yến của tỉnh; kiện toàn, phát triển hiệu quả hơn nữa các hoạt động của Chi hội Yến Tây Ninh.

Tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm, trong đó, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng. Khuyến khích các cơ sở phát triển nhà yến, chế biến sản phẩm từ tổ yến sử dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các sản phẩm từ tổ yến, tạo sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Sở NN&PTNT kiến nghị Cục Chăn nuôi sớm ban hành quy định về cấp mã số vùng, cơ sở nuôi chim yến nhằm phục vụ xuất khẩu. Các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu Chính phủ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong xây dựng, bảo vệ môi trường, vận hành, quy định nghề tư vấn xây dựng nhà yến, quy định về mật độ nhà nuôi chim yến... đối với tất cả các lĩnh vực liên quan đến hoạt động nuôi chim yến để các địa phương thống nhất trong quản lý ngành yến; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực liên quan đến hoạt động nuôi chim yến.

Dự kiến ngày 29.12.2023, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị “Yến sào Tây Ninh - hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững”. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện cho sự hợp tác và đổi mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nuôi chim yến tại Tây Ninh; tránh các hiện tượng xây dựng nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy hoạch có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nghề chung và lợi ích của mỗi thành viên.

Đây cũng là dịp để các cơ sở nuôi và sơ chế yến, doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị nhà yến trao đổi kinh nghiệm về nuôi chim yến theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đồng lòng phát triển ngành công nghiệp yến sào tại Tây Ninh và khu vực lân cận. Từ đó, có thể có nhiều chính sách hỗ trợ cho các hoạt động nuôi chim yến theo hướng bền vững như chính sách quy hoạch phát triển vùng nuôi chim yến; chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nuôi chim yến; chính sách chuyển đổi đất nông nghiệp sử dụng nuôi chim yến; chính sách bảo vệ môi trường sinh thái tạo nguồn thức ăn cho chim yến; chính sách vay vốn ưu đãi phát triển nghề nuôi chim yến.

Trúc Ly

Theo Sở NN&PTNT, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tổ yến tuy đã định hình nhưng chưa được chặt chẽ, trong đó, các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh để thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến. Định hướng xuất khẩu sản phẩm tổ yến nhằm tăng giá trị còn gặp khó khăn do chưa có quy định về cấp mã số vùng, về cơ sở nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu.

Báo Tây Ninh
yến sào Lifenest
Tin cùng chuyên mục