Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn.
Đây là thông tin mới nhất xung quanh “số phận” môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Nghị quyết (mới nhất) của Quốc hội đang đặt ngành Giáo dục vào thế khó.
Học sinh lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, tại Hội đồng thi Trường THPT Tây Ninh. Ảnh minh hoạ
“Ngô ra ngô, khoai ra khoai”
Phần nói về Giáo dục, Nghị quyết 63 yêu cầu như sau: “Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình này; đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.
Bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá; trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí”.
Nội dung trích dẫn nêu trên có một thông tin rất quan trọng: môn Lịch sử trong Chương trình GDPT năm 2018 vừa có phần tự chọn vừa có phần bắt buộc tất cả mọi học sinh phải học. Ngay sau khi Nghị quyết 63 được ký ban hành, nhiều cán bộ quản lý trong ngành Giáo dục cả nước nói chung, Tây Ninh nói riêng đã bày tỏ suy nghĩ về quyết định mới này.
“Tôi theo dõi sát diễn biến kỳ họp của Quốc hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Tôi đọc báo và được biết, Quốc hội vừa ban hành nghị quyết yêu cầu ngành Giáo dục, cụ thể là Bộ GD&ĐT triển khai dạy môn Lịch sử ở cấp THPT theo hướng vừa có phần bắt buộc vừa có phần tự chọn.
Chương trình 2000 không quy định tự chọn, tất cả môn học đều bắt buộc. Chương trình năm 2018 quy định ngoài những môn bắt buộc còn có nhiều môn tự chọn, trong đó có môn Lịch sử. Giờ Nghị quyết 63 yêu cầu như vậy, tôi nghĩ có nhiều vấn đề nảy sinh, rất khó cho cơ sở.
Tuy nhiên, nếu cho học sinh toàn quyền chọn, sẽ rất ít học sinh chọn môn học này. Vì thế, đúng ra, đã bắt buộc thì bắt buộc 100% học sinh phải học, còn tự chọn thì cho học sinh được quyền chọn. Vừa bắt buộc vừa tự chọn, tôi nói thật, không nên như vậy. Vì, sách giáo khoa đã in xong từ lâu, theo tinh thần tự chọn, giờ Quốc hội yêu cầu vừa tự chọn vừa bắt buộc sẽ rất khó cho người thực hiện, cụ thể là ở trường phổ thông.
Lấy ví dụ, sách giáo khoa Lịch sử của cấp THPT có 10 bài học được viết theo hướng chuyên sâu dành cho học sinh chọn môn học này, bây giờ chọn bài nào để dạy cho tất cả học sinh, bài nào dạy cho học sinh chọn môn học này? Mục đích yêu cầu, trọng tâm bài học quy định như thế nào, không thể phân biệt được đâu là yêu cầu bắt buộc, đâu là yêu cầu tự chọn.
“Ngô cho ra ngô, khoai cho ra khoai”, chứ yêu cầu dạy cả bắt buộc và tự chọn thì cấp cơ sở chưa biết thực hiện như thế nào. Sách giáo khoa Lịch sử cùng một số môn tự chọn khác viết theo hướng chuyên sâu để định hướng nghề nghiệp sau khi kết thúc giai đoạn giáo dục phổ thông, giờ yêu cầu tất cả học sinh phải học là điều rất khó, xét về mặt chuyên môn.
Tôi thông tin luôn, vừa qua, một số trường THPT ở Tây Ninh đã lên phương án xếp theo nhóm môn học (tổ hợp môn) sau khi bố trí xong, có những trường có môn học trước đây sáu giáo viên dạy mới đủ, nay chỉ cần hai người. Số giáo viên còn lại bố trí như thế nào, đưa họ đi đâu? Tôi mạnh dạn nhận định, tình hình này, cộng với diễn biến trong thời gian qua, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở cấp THPT có thể sẽ... phá sản sớm hơn cả chương trình phân ban ở cấp học này.
Chương trình phân ban cấp THPT triển khai năm 2005 và đến năm 2007 hoàn toàn thất bại, vì học sinh, nhà trường không chọn phân ban theo cấu trúc ban đầu”- ý kiến khá dài trích dẫn ở trên là của một hiệu trưởng có hàng chục năm kinh nghiệm làm công tác quản lý ở cấp THPT tại Tây Ninh.
Một hiệu trưởng khác (cũng ở Tây Ninh) cho biết, chủ trương học tự chọn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được quán triệt từ lâu. Để chuẩn bị triển khai chương trình này, thời gian qua, ngành Giáo dục liên tục tập huấn cho giáo viên dạy theo hướng tự chọn, giờ trở thành môn học vừa bắt buộc vừa tự chọn, chưa biết sẽ triển khai như thế nào.
Sách giáo khoa viết theo hướng tự chọn nhưng giờ yêu cầu vừa tự chọn vừa bắt buộc, nhà trường cũng chưa hình dung được như thế nào. “Hiện tại, tôi chỉ biết thông tin qua báo chí, còn trong ngành, chưa thấy văn bản, chỉ đạo nào cụ thể”- vị hiệu trưởng cho biết thêm.
“Chúng tôi dự kiến sẽ xếp môn học để tất cả học sinh phải/được học môn Lịch sử, không để học sinh tự chọn”- một vị hiệu trưởng nêu quan điểm về môn học này. Khi được hỏi, sách giáo khoa viết theo tinh thần tự chọn, giờ yêu cầu vừa tự chọn vừa bắt buộc liệu học sinh có học được không, người này thừa nhận, trên phương diện thuần tuý chuyên môn, điều này không hề đơn giản.
“Quan trọng nhất của sự thay đổi này (Nghị quyết 63 của Quốc hội) là có chuẩn bị kịp tài liệu để dạy hay không, vì sách giáo khoa đã viết xong rồi. Nay yêu cầu vừa tự chọn vừa bắt buộc, nhà trường cảm thấy băn khoăn, bối rối, vì việc yêu cầu toàn bộ học sinh đại trà học theo hướng chuyên sâu là không khoa học”- một hiệu trưởng bày tỏ suy nghĩ khi được hỏi triển khai môn học này như thế nào.
Vị hiệu trưởng này cho biết thêm, theo kế hoạch, đầu tháng 7 này, nhà trường thông báo cho học sinh và phụ huynh tập trung để nghe nhà trường phổ biến một số thông tin về Chương trình giáo dục phổ thông mới. “Mấy ngày qua, nhiều phụ huynh gọi điện hỏi tôi mua bộ sách giáo khoa nào cho con, tôi cũng chưa biết phải trả lời như thế nào.
Quốc hội ra Nghị quyết 63 nhưng trong ngành, chúng tôi vẫn phải chờ chỉ đạo của ngành dọc về chuyên môn. Tôi cũng lấy làm tiếc, vì bao nhiêu năm, ít nhất từ năm 2018 đến nay, khi Chương trình giáo dục phổ thông triển khai không ai ý kiến gì, giờ sát ngày thay sách giáo khoa lớp 10, mọi chuyện bỗng dưng rối tung rối mù.
Theo tôi, nếu thấy tình hình thay sách giáo khoa ở cấp THPT chưa ổn thì tạm dừng để chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng hơn. Học sinh lớp 9 chuẩn bị lên lớp 10 vẫn học theo Chương trình năm 2000 (chương trình hiện hành) có khi ổn hơn”. Một vị hiệu trưởng khác nói ngắn gọn: hoặc bắt buộc tất cả học sinh phải học môn Lịch sử hoặc cho học sinh tự chọn, còn vừa tự chọn vừa bắt buộc sẽ rất phức tạp.
Lúng túng
“Chương trình giáo dục phổ thông mới ban ra từ năm 2018 không thấy ai phản đối. Báo chí đăng ầm. Giờ tự nhiên “gạo nấu thành cơm”, các nhà phê bình giáo dục online từ đâu xuất hiện mà phát biểu thì thấy không hiểu gì”- một ý kiến “bình luận” trên trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.
Thực ra, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã, đang và sẽ tạo ra nhiều thay đổi, vì ngoài 5 môn học và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc, tất cả những môn học còn lại chuyển sang tự chọn. Sự thay đổi này, phải nói cực kỳ lớn lao, vì Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, Quyết định 404/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ đều ghi rõ, giáo dục phổ thông chia làm hai giai đoạn: gồm giáo dục cơ bản và giáo dục hướng nghiệp.
Từ các quyết sách lớn nêu trên, năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT triển khai, cụ thể hoá Chương trình giáo dục phổ thông mới, vì thế mới có tên gọi Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Bốn năm qua, Chương trình giáo dục phổ thông mới lần lượt thay sách giáo khoa lớp 1, lớp 2; năm học 2022-2023 thay sách giáo khoa lớp 3 và lớp 10, không ai có ý kiến gì. Chỉ còn vài tháng nữa năm học mới 2022-2023 bắt đầu, mọi chuyện bỗng dưng bị xới tung, đẩy ngành Giáo dục vào tình thế vô cùng khó khăn, lúng túng. Việc yêu cầu dạy môn Lịch sử vừa bắt buộc vừa tự chọn, trên thực tế đã làm thay đổi cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong khi các nghị quyết- tức tính pháp lý của Chương trình đang có hiệu lực.
Việt Đông