Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Yêu nghề bằng cả tấm lòng
2013-11-20 10:52:00

Ngày 19.11, Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh làm lễ tuyên dương, khen thưởng cho 70 giáo viên đã có nhiều thành tích trong giảng dạy. Buổi lễ diễn ra trong không khí rộn rịp đón chào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Trước đó, phóng viên Báo Tây Ninh đã có dịp được gặp gỡ vài người trong số 70 thầy cô giáo được vinh danh lần này. Cuộc trò chuyện tâm tình mở ra- chủ yếu là chuyện đời, chuyện nghề với bao kỷ niệm khó quên của những người chèo đò trên dòng sông tri thức…

Ảnh Đ.V.T

(BTN) - Ngày 19.11, Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh làm lễ tuyên dương, khen thưởng cho 70 giáo viên đã có nhiều thành tích trong giảng dạy. Buổi lễ diễn ra trong không khí rộn rịp đón chào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Trước đó, phóng viên Báo Tây Ninh đã có dịp được gặp gỡ vài người trong số 70 thầy cô giáo được vinh danh lần này. Cuộc trò chuyện tâm tình mở ra- chủ yếu là chuyện đời, chuyện nghề với bao kỷ niệm khó quên của những người chèo đò trên dòng sông tri thức…

Công tác tại Trường THCS Phước Chỉ (Trảng Bàng) chưa lâu lắm, còn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng cô giáo Võ Thu Hiền đã gặt hái được nhiều thành quả trong sự nghiệp. Trong con mắt nhìn của cô, nghề dạy học vẫn là một nghề cao quý, được xã hội trân trọng. “Là thầy giáo, cô giáo, cần phải xem học sinh như con em ruột thịt của mình, có vậy mới giáo dục các em đạt hiệu quả như mong muốn” – cô Hiền chia sẻ.

Cô giáo Võ Thu Hiền trong giờ lên lớp

Tròn 10 năm công tác ở một ngôi trường vùng sông nước, cô giáo Võ Thu Hiền đã có rất nhiều kỷ niệm khó quên, điều đọng lại trong cô nhiều nhất vẫn là tình cảm của học trò. Cô kể: “Nhà ở Long An, khi mới ra trường, chưa có gia đình, tôi phải ở tạm trú trong nhà của một người dân ở gần trường. Biết cô giáo ở trọ, các em học sinh thỉnh thoảng lại đem đến biếu cô giáo ít trứng vịt, rau, cá…

Không biết các em còn nhớ chuyện ấy hay không nhưng đối với tôi, 1 ký cá của em Sang hay 10 quả trứng vịt của em Linh là những thứ tôi không thể quên. Sau này, khi tôi đã lập gia đình và sinh em bé được một tháng, các em lớp tôi chủ nhiệm tìm đến thăm và mang quà cho cô- một bọc khoảng 2 ký cóc và mận. Tôi cười mà rơi nước mắt vì sự hồn nhiên của các em”.

Ở vùng sông nước, con đường đến trường của thầy và trò vất vả hơn nhiều so với những nơi khác. Mười năm trôi qua, cô giáo Hiền vẫn chưa quên những lần qua sông dạy chữ ấy… Có những hôm trời mưa, đường khó đi, phải bỏ xe máy mà lội bộ về. Xe bỏ giữa đồng ngày hôm sau ra lấy, không hề sợ mất.

Có một lần, cô Hiền cùng các đồng nghiệp đến trường bằng ghe. Khi ghe vừa cập bến, chuẩn bị lên bờ thì bất ngờ tàu lớn chạy ngang qua, gây sóng mạnh làm chìm ghe. Giáo viên hốt hoảng, mạnh ai nấy bơi, nấy chòi đạp lên bờ. Lên bờ rồi, mới phát hiện nước chỉ tới… đầu gối. Thế là cùng cười. Trong gian khổ, khó khăn, các thầy cô giáo vẫn tìm ra được niềm vui để tự động viên mình và động viên nhau như thế.

Cô giáo Bùi Thị Hoà

Cùng chung tâm trạng yêu nghề mến trẻ, cô giáo Bùi Thị Hoà hiện đang dạy học tại Trường tiểu học Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành cho biết: chính những nụ cười hồn nhiên của các em học sinh đã níu kéo, gắn bó cô với cái nghề đang theo đuổi. 

Tròn 20 năm đứng trên bục giảng, cô Hoà đã có một “bộ sưu tập” kha khá các danh hiệu, trong đó có danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Kể lại những kỷ niệm trong đời nhà giáo của mình, cô nói: 20 năm đã trôi qua nhưng cô vẫn còn nhớ rõ cái cảm giác sợ hãi của mình buổi đầu- khi được phân công về dạy học tại Trường tiểu học Phạm Văn Nô ở xã Hoà Thạnh (Châu Thành).

Ngày ngày đi dạy, qua lại trên con đường đất đỏ, ngoằn ngoèo, hoang vắng, hai bên toàn là rừng cây âm u, cô giáo trẻ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Sau, cô ở lại trường, thì đã có nỗi lo sợ khác. Ban đêm tiếng côn trùng rền rĩ như bản hoà tấu buồn thảm khiến cô giáo... mất hết tinh thần, đã định bỏ nghề. Thế nhưng bù lại, sự đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau của đồng nghiệp và đặc biệt là tình cảm cô trò cứ càng ngày càng sâu đậm.

“Tôi còn nhớ, có lần xe tôi bị hư nên đến lớp trễ (lúc này tôi không còn nội trú trong trường nữa), các em chạy xe đạp đi đón cô, rồi cùng cô chạy vào lớp, miệng tíu tít hỏi: cô có mệt lắm không, sao cô đến trễ vậy? Cô... ngủ quên hay là cô bị bệnh? Em tưởng cô không đi dạy chúng em nữa ! Em có mang cho cô trái ổi. Đó là một trong những kỷ niệm mà cho đến bây giờ- đã 20 năm trôi qua cô Hoà vẫn không thể nào quên được.

Cô nói: “Mỗi người có một lựa chọn nhưng với riêng tôi, nếu được chọn lại một lần nữa thì tôi vẫn chọn nghề dạy học. Vì đây là cái nghề mà tôi đã yêu thích và mơ ước từ lúc còn cắp sách đến trường. Bây giờ tôi vẫn thấy mình không nhầm khi theo nghề sư phạm. Tôi không thể quên những ánh mắt và nụ cười hồn nhiên của các em học sinh đã gắn liền với tôi trong suốt 20 năm đứng trên bục giảng”.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Lên trong giờ dạy

Với thầy giáo Nguyễn Hồng Lên, Trường THCS Suối Dây (Tân Châu), điều mà người thầy mong chờ nhất ở học sinh là các em chăm ngoan và chịu khó học hành để sau này làm người có ích cho xã hội. Đó chính là món quà có ý nghĩa nhất mà các em có thể dành tặng thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Nói về nghề của mình, thầy Lên cho rằng: đây là một nghề cao quý, tuy nhiên nó có thật sự cao quý hay không còn tuỳ thuộc vào cái tâm của người giáo viên. Bởi theo thầy: “Để dạy tốt, giáo viên cần rất nhiều điều kiện như cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là lòng yêu nghề, vì chỉ có yêu nghề người giáo viên mới có động lực để vượt qua mọi khó khăn”.

Thật ra, trong cuộc sống, những nhà giáo hết lòng với sự nghiệp trồng người đâu phải chỉ có bấy nhiêu. Và con số 70 gương mặt nhà giáo tiêu biểu được ngành giáo dục Tây Ninh tuyên dương đợt này chưa phải là con số tuyệt đối so với thực tế. Vẫn còn nhiều lắm những người thầy thật sự yêu nghề, mến trẻ, xứng đáng để đông đảo học sinh và cả xã hội kính trọng, tri ân- không chỉ riêng trong ngày 20.11.

VIỆT ĐÔNG

 

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan