Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hơn 20 năm theo nghề, y sĩ Trần Thị Minh Lý không cảm thấy hối hận vì đã chọn lựa cái nghề không hề nhàn nhã.

Yêu thích ngành y và có nguyện vọng làm ngành y, nên khi được cơ quan cũ (Nông trường mía Dương Minh Châu) tạo điều kiện cho đi học y sĩ, với chị là một điều hạnh phúc. Dù lúc ấy vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế chưa ổn định, con còn nhỏ dại, đi lại khó khăn nhưng chị đã vượt qua mọi thứ để hoàn thành ước nguyện của mình. Hơn 20 năm công tác trong ngành nay chị đã có nhiều trải nghiệm quý báu trong đời. Chị hiện là Quyền trưởng Trạm Y tế xã Tân Thành (huyện Tân Châu).
![]() |
Y sĩ Trần Thị Minh Lý với công việc của một thầy thuốc |
Năm 1988, y sĩ Trần Thị Minh Lý bắt đầu tham gia công tác ngành y, làm việc tại Trại Giáo dục lao động Tân Châu (ấp Đồng Rùm, xã Tân Thành). Một người mới chập chững vào nghề như chị đã phải tiếp xúc với những đối tượng mắc bệnh xã hội quả là một điều thử thách. Chị nhớ lại cảm tưởng của mình lúc ấy: “Lúc đầu cũng ngại ngùng và thấy khó khăn lắm nhưng cũng phải cố gắng vượt qua, rồi cũng quen dần với công việc của mình”. Sau khi Trại Giáo dục lao động giải thể, năm 1993, chị Lý chuyển công tác về Trạm Y tế xã Tân Thành và gắn bó với nơi này cho đến nay. Nhưng khó khăn vẫn chưa phải đã hết. Thời điểm ấy, Tân Thành hãy còn là một xã heo hút, dân cư thưa thớt. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, đại đa số còn thiếu hiểu biết trong việc giữ gìn sức khoẻ. Cơ sở vật chất ngành y tế địa phương lúc đó cũng còn rất nghèo nàn, thiếu thốn gây trở ngại không nhỏ cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Những người nhiệt huyết với nghề như y sĩ Minh Lý phải xuống tận địa bàn các ấp, đến từng nhà để vận động, tuyên truyền giúp bà con hiểu biết cách tự chăm sóc sức khoẻ bản thân, nhất là với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nâng dần nhận thức của mọi người, mọi nhà về vấn đề bảo vệ sức khoẻ. Nhiều bà con dân tộc thiểu số đã chịu tìm đến Trạm Y tế mỗi khi bệnh đau hoặc sinh nở. Đó chính là niềm vui của y sĩ Minh Lý và các nhân viên khác ở Trạm.
Là đơn vị nằm trên địa bàn vùng sâu, vùng xa nhưng đã nhiều năm liền Trạm Y tế xã Tân Thành luôn dẫn đầu toàn huyện về hoạt động y tế tuyến xã. Năm 2003, Trạm được công nhận đạt chuẩn quốc gia (trạm đạt chuẩn đầu tiên của huyện Tân Châu). Đó là nhờ đội ngũ cán bộ y tế của Trạm luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc. Các chỉ tiêu về y tế như công tác phòng chống dịch, khám chữa bệnh, tiêm phòng, điều trị các loại bệnh, các chương trình y tế quốc gia đều đạt chỉ tiêu đề ra hằng năm. Năm 2010, Trạm Y tế xã Tân Thành được ngành y tế huyện Tân Châu chọn làm điểm cho các đơn vị khác học tập kinh nghiệm. Nhiều năm liền y sĩ Trần Thị Minh Lý được cấp trên khen thưởng trong hoạt động công tác. Vừa làm công tác chuyên môn, chị vừa tham gia HĐND xã.
Hơn 20 năm theo nghề, đảm nhiệm vị trí quyền trưởng trạm hơn 7 năm, y sĩ Trần Thị Minh Lý không cảm thấy hối hận vì đã chọn lựa cái nghề không hề nhàn nhã. Có khi nửa đêm đang ngủ vẫn có người kêu cửa hay có lúc đang bữa ăn phải bỏ dở chén cơm để đến trạm vì bệnh nhân đang cần. Chị nói: “Đã theo nghề này thì phải biết thông cảm với nỗi đau của người bệnh, phải biết san sẻ khó khăn với họ, nhất là với những người nghèo”. Niềm vui đến với chị, lắm khi rất đơn giản: “Thấy bệnh nhân giảm bớt bệnh, bớt đau hay nhìn thấy một đứa bé chào đời khoẻ mạnh, còn gì vui hơn!”.
ĐÀO NAM