BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hệ thống cửa khẩu biên giới và hoạt động biên mậu tại Tây Ninh

Cập nhật ngày: 17/04/2011 - 08:05

Xe container chở hàng Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu Bavet, Campuchia.

Ngày 13.4 Ban Biên tập Báo Tây Ninh tổ chức họp giao ban phóng viên, cộng tác viên tháng 4.2011. Tại cuộc họp, Ban Biên tập đã mời ông Nguyễn Văn Tươi, Giám đốc Sở Ngoại vụ Tây Ninh đến nói chuyện với những người làm báo về chuyên đề “Hệ thống cửa khẩu biên giới và hoạt động biên mậu tại Tây Ninh”. Bài nói của Giám đốc Sở Ngoại vụ đã cung cấp cho phóng viên, cộng tác viên nhiều thông tin bổ ích, cần thiết cho hoạt động tác nghiệp báo chí, chúng tôi lược ghi lại như sau:

Tây Ninh là cửa ngõ để các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đẩy mạnh đầu tư, phát triển thương mại xuất khẩu, nhập khẩu, du lịch với Vương quốc Campuchia thông qua 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài- Bavet, Xa Mát- Trapeng Phlong), cùng nhiều cửa khẩu chính, phụ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có lợi thế nằm trên đường Xuyên Á, thuộc hành lang Bangkok-Phnôm Pênh-Tây Ninh- thành phố Hồ Chí Minh- Bà Rịa Vũng Tàu, rất có ý nghĩa trong việc giao thương kinh tế và dịch vụ thương mại của quốc gia; định hướng đầu tư sẽ là trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ và đầu mối giao thông trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, từ Tây Ninh qua các tuyến đường 4, đường 5, đường 7 của Vương quốc Campuchia có thể xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và du lịch với Lào và Thái Lan.

Tây Ninh giáp ba tỉnh Svay Riêng, Prây Veng và Kampông Chàm của Vương quốc Campuchia có đường biên giới khoảng 240 km, với 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát); 12 cặp cửa khẩu phụ đã được chính quyền của hai địa phương giáp biên thoả thuận ký kết, trong đó 4 cửa khẩu Kà Tum, Tống Lê Chân, Chàng Riệc, Phước Tân đã được Uỷ ban liên hợp về biên giới Việt Nam-Campuchia thống nhất từ năm 2002 trình lên Chính phủ để trở thành các cửa khẩu chính. Cuối năm 2005, cửa khẩu chính Xa Mát được nâng lên là cửa khẩu quốc tế; hiện nay, Tây Ninh có 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát) được thông quan cho người, phương tiện, hàng hoá của Việt Nam, nước có chung biên giới và nước thứ ba xuất nhập qua biên giới quốc gia.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Văn Tươi (đứng) nói chuyện chuyên đề về biên giới tại Toà soạn Báo Tây Ninh

Năm 2006, cửa khẩu phụ Chàng Riệc được các bộ, ngành Trung ương cho phép tổ chức thông quan hàng hoá; sau đó, Ban biên giới (Bộ Ngoại giao) thống nhất danh mục các cửa khẩu trong cả nước, trong đó 4 cửa khẩu Chàng Riệc, Tống Lê Chân, Kà Tum và Phước Tân là cửa khẩu chính (cửa khẩu quốc gia); 3 cửa khẩu chính Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân đã thông quan cho người, phương tiện, hàng hoá của Việt Nam và nước có chung biên giới xuất, nhập qua biên giới, riêng cửa khẩu Tống Lê Chân thì chưa hoạt động.

Năm 2009, sau khi làm việc, có biên bản thoả thuận với 2 tỉnh Svay Riêng và Prây Veng, UBND tỉnh có quyết định mở 2 cửa khẩu phụ: Cây Me (huyện Bến Cầu)- Phum tho Loốt (thành phố Ba Vét, tỉnh Svay Riêng) và Tân Nam (Tân Biên)-Miên Chay (huyện Kamchay Mear, tỉnh Prây Veng); đến nay, Tây Ninh có 10 cặp cửa khẩu phụ, giải quyết cho việc mua bán trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới.

Năm 2010, UBND các huyện biên giới tổ chức đàm phán với các huyện đối diện thuộc Vương quốc Campuchia để trao đổi, thống nhất và đề nghị UBND tỉnh làm việc với 2 tỉnh Kampông Chàm, Svay Riêng ký kết mở 3 cửa khẩu phụ, 10 đường mòn, lối mở. Ngoài ra, hiện nay tỉnh đang lập dự án nâng cấp đường giao thông ra các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; tổng chiều dài 19 đoạn đường giao thông khoảng 40 km; tổng kinh phí khoảng 110 triệu đồng; dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2011-2012.

Quá trình phát triển khu kinh tế cửa khẩu, từ năm 2001 đến năm 2010, tổng vốn ngân sách Nhà nước cấp là 170 tỷ đồng, trong đó có 21,665 tỷ đồng được chi trả tiền đền bù giải toả, số còn lại đã được đầu tư và đưa vào sử dụng: đầu tư đường trong các khu thương mại, dân cư; xây đồn công an khu kinh tế cửa khẩu; văn phòng làm việc của các cơ quan quản lý cửa khẩu như: trạm kiểm soát biên phòng, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế...

Hiện nay, trong Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã đưa vào hoạt động 8 siêu thị (siêu thị Thế kỷ Vàng, Smilling, Fuso, Daiso, Tiết Kiệm, Vạn Hưng, Winmart và siêu thị Satra Mộc Bài); 2 trung tâm thương mại: TTTM Hiệp Thành và TTTM dịch vụ Quốc tế Phi Long. Trong đó, siêu thị Vạn Hưng hoạt động không hiệu quả nên đã chuyển sang loại hình cửa hàng, siêu thị Tiết Kiệm đã tạm ngưng hoạt động và đang chờ giải thể.

Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát tuy tiến độ thực hiện có chậm, nhưng cho đến nay cũng đã có một số dự án đang tổ chức triển khai thực hiện. Các chủ đầu tư đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết và trình duyệt gồm: Chợ khu kinh tế cửa khẩu (quy mô 5,18 ha); kho ngoại quan (quy mô 8,17 ha); khu dịch vụ- tổng hợp (quy mô 8,41 ha); cửa hàng xăng dầu và trạm xe buýt (quy mô 3,03 ha); khu thương mại quốc tế (quy mô 38 ha); khu công nghiệp, trung tâm khu công nghiệp và khu thương mại trong nước (quy mô 117,27 ha); dự án cấp nước, cấp điện và khu vui chơi giải trí (quy mô 166 ha). 

Về hoạt động thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu, trong mối liên kết vùng, hàng hoá từ các tỉnh, thành phố, đặc biệt là trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ xuất khẩu sang Campuchia và ngược lại, hàng hoá nhập khẩu từ Campuchia làm nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp trong vùng. Trong 5 năm (2006-2010), kim ngạch mua bán hai chiều qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Campuchia đạt 2.815 triệu USD, (Tây Ninh chiếm khoảng 15%-25%, chủ yếu là hạt điều, sắn (khoai mì) lát khô, sắn tươi), trong đó, xuất khẩu 1.293 triệu USD; nhập khẩu 1.522 triệu USD. Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu đạt 387,88 triệu USD, tăng 33 lần so với 2005 (năm 2005:11,5 triệu USD).

Xe tải chở hàng hoá tập kết tại cửa khẩu Xa Mát

Về thực hiện chính sách thu hút đầu tư, tại Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút được 34 nhà đầu tư với 46 dự án, đăng ký sử dụng 1.665,358 ha đất, vốn đăng ký 6.204,3 tỷ đồng và 219,125 triệu USD (39/43 dự án), trong đó có 6 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, 8 dự án về nhà ở, khu dân cư, 30 dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, 1 dự án khu du lịch sinh thái, đặc biệt có 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực vận chuyển hành khách, sân golf, xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và may giày xuất khẩu. Đã có 14 dự án - chủ yếu trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, nhà ở, gia công may giày xuất khẩu đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư thực hiện là 1.050 tỷ đồng và 54 triệu USD, tạo ra công ăn việc làm cho trên 4.000 lao động, trong đó hơn 80% lao động là người dân của huyện Bến Cầu và các vùng phụ cận. Với việc đưa nhà máy sản xuất giày thể thao công suất 10 triệu đôi/năm của Công ty CP Việt Nam Mộc Bài (vốn đầu tư 100% - Hàn Quốc) vào hoạt động từ tháng 10.2010 trong các năm tới sẽ tạo thêm việc làm cho trên 10.000 lao động.

Với những thành tựu hoạt động thương mại biên giới, cửa khẩu trong thời gian qua, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và cửa khẩu quốc tế Xa Mát từng bước xây dựng hoàn chỉnh đi vào hoạt động trong thời gian tới, nhất định Tây Ninh sẽ gặt hái nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, tác động tăng trưởng kinh tế đối ngoại và góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX.

THUẬN MINH

(Lược ghi)