BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngựa thờ trong đền, miếu

Cập nhật ngày: 06/03/2014 - 03:25

Ngựa trong hậu cung đền Suối Vàng thờ Quan Lớn Trà Vong (thành phố Tây Ninh).

Ở Tây Ninh bây giờ, ngựa sống đã hơi hiếm gặp. Trong thành phố, muốn thấy cũng phải chờ đến dịp Hội xuân Núi Bà Đen diễn ra trong tháng Giêng. Chỉ ở đấy mới có những cỗ xe ngựa chở người từ cổng khu du lịch vào tới khu cáp treo, hay chùa Trung. May hơn nữa là vào mùa cưới sẽ gặp cỡ một chục cỗ xe ngựa chạy lon ton trên các phố hướng về phía Toà thánh Tây Ninh. Đám cưới rước dâu và diễu hành bằng ngựa ấy chắc chắn là của những nhà giàu có. Thấy Báo Tây Ninh kể, cả khu vực ngoại vi thành phố Tây Ninh nay chỉ còn một vài gia đình nuôi ngựa.

Nhưng có một nơi dễ tìm ra hình bóng ngựa nhất mà chẳng cần mất công đi xa lên mãi Tân Châu, Tân Biên. Đấy là ở các miếu, đền thờ các vị có công khai phá, hoặc giữ gìn an ninh cho dân mình những ngày đầu lưu dân đi mở đất lập làng. Các cụ cao tuổi ở Tây Ninh thường kể cho cháu con về sự tích các vị tiền bối có công. Câu nhớ nằm lòng với các cụ, để mở đầu câu chuyện thường là: “Sinh vi tướng, tử vi thần”, nghĩa là sống làm tướng, chết làm thần. Vậy nên những người có công ra trận, đánh giặc cứu dân thường được phong thần trong các ngôi đình, miếu. Đa số các đình, miếu, đền, dinh đều có tượng ngựa cho các ngài đi. Tập quán ấy thành ra phổ biến, để sau này ngay cả những người có công mở mang làng ấp, nghĩa là chỉ chăm lo phát triển kinh tế không thôi, thì miếu thờ các ngài cũng luôn có ngựa. Đấy là ở các miếu Thổ Chủ, Ngũ Hành ở khu phố 5, phường 1 (thành phố Tây Ninh). Xa hơn dưới tận Trảng Bàng có đình Gia Lộc thờ thành hoàng Đặng Văn Trước, ở khu mộ của ngài cũng bày tượng ngựa. Rồi trong các miếu thờ của người Hoa như miếu thờ Ông (Quan Công), Bà Thiên Hậu, ngựa cũng không thể thiếu. Ở miếu Ngũ Công Vương Phật trên đường Trần Hưng Đạo thuộc phường 2, còn có một tượng ngựa to gắn biển đề là ngựa xích thố- con ngựa nổi tiếng thời Tam Quốc hẳn hoi. Tại các đền đình miếu mạo dân gian thường thì ngoài ngôi chính còn có các ngôi miếu nhỏ thờ ông Tà, thờ binh gia tướng sĩ... Nhất định ta cũng sẽ gặp ở đấy những tượng ngựa nhỏ như trường hợp ở miếu Bà Chúa Xứ Thanh Điền.

Có một loại đền miếu thờ đặc biệt chỉ Tây Ninh mới có. Là các đền, miếu, dinh thờ Quan Lớn Trà Vong. Quả thật cho đến nay cũng chưa có tài liệu chính thức nào viết về nhân vật này. Một vài sách có ghi lại nhưng toàn là chuyện truyền miệng trong dân gian, nên dễ thành “tam sao thất bản”. Nhưng có đến hơn 10 ngôi đền, miếu thờ ngài ở các nơi: thành phố Tây Ninh, huyện Tân Biên và huyện Châu Thành. Ngoài ra còn có thêm các miếu, dinh thờ những người tương truyền là anh em của ngài như Trần (hoặc Huỳnh) Công Thắng (xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) và Huỳnh Công Nghệ (xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành). Vì thế trong bài diễn văn của Chủ tịch UBND tỉnh đọc tại lễ công nhận thành phố Tây Ninh chiều 14.2.2014 cũng có nhắc nhớ đến “Ba anh em Huỳnh Công Giản” trong những năm đầu người Việt đến mở mang khai phá đất Tây Ninh.

Trở lại đề tài ngựa thờ; thì chắc chắn trong các đền, miếu, dinh thờ của các Ngài đều có ngựa; vì trong dã sử thì họ đều là những vị tướng quân đánh giặc bảo vệ dân lành. Ở các ngôi thờ tại Trạm Bơm phường 1 (thành phố Tây Ninh), hoặc các miếu thuộc huyện Châu Thành, thường có mặt đôi ngựa, một hồng, một bạch đứng ngang hoặc ngay trước hai bên ban thờ. Tại dinh quan lớn đại thần Trần (hoặc Huỳnh) Công Thắng tại Cẩm Giang (Gò Dầu) thì đôi ngựa một hồng, một tím. Còn trên đền Suối Vàng, xã Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) lại là đôi ngựa một nâu, một bạch lai hồng. Các đôi ngựa kể trên đều to như ngựa thật. Tuy nhiên điều thú vị nhất ở đây là ở chỗ, các ngôi miếu thờ nhỏ nào trong khu đền cũng nhiều tượng ngựa, từ miếu thần tài, sơn thần thổ địa đến binh gia tướng sĩ. Đặc biệt ở bàn thờ trong gian hậu điện có tới cả trăm tượng ngựa sắp hàng. Tương truyền, cánh đồng dưới chân Ma Thiên Lãnh có suối Vàng chảy qua ở đây chính là nơi Quan Lớn Trà Vong luyện tập binh mã. Ông Huỳnh Minh trong sách biên khảo “Tây Ninh xưa” cũng có chép lại truyện “đạo binh vô hình ở vùng núi Cậu Tây Ninh”. Tuy nhiên ông đã nhầm lẫn khi gọi tên đây là vùng núi Cậu, bởi theo mô tả của ông: “Cách tỉnh lỵ Tây Ninh 12 cây số ngàn. Muốn đến phải đi đường lên Cà Tum, ngả đến suối Vàng” thì đấy chính là khu vực chân núi Heo, núi Phụng. Ngôi đền Suối Vàng trước chỉ là ngôi miếu nhỏ, nay đã được xây dựng to lớn khang trang nằm kề bên tỉnh lộ 785.

Còn một điều lý thú nữa về ngựa. Ấy là đình Gia Lộc thờ thành hoàng Đặng Văn Trước (ông Cả Trước) ở Trảng Bàng gần đây có thêm một pho tượng ngựa lớn màu hồng. Điều đặc sắc nhất ở đây là việc ban hội đình có nuôi một cô ngựa sống hẳn hoi để phục vụ cho lễ hội Kỳ yên. Cứ hai năm đáo lệ một lần, trong lễ rước sắc thần từ miếu ông Cả ra đình lại có cô ngựa hồng đi cùng. Đây cũng là nơi duy nhất trong tỉnh Tây Ninh có ngựa sống tham gia trong lễ hội Kỳ yên.

TRẦN VŨ