Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“5 đẩy mạnh” trong công tác cải cách hành chính
Thứ hai: 22:59 ngày 15/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (BCĐ) của Chính phủ trực tuyến với các địa phương sáng 15.7.

Các thành viên BCĐ tỉnh và đại biểu dự tại điểm cầu UBND tỉnh.

Dự tại điểm cầu UBND tỉnh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và các thành viên BCĐ tỉnh, lãnh đạo các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở báo cáo và thảo luận, các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ nêu 5 nhóm nhiệm vụ cần đẩy mạnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC) thời gian tới.

Thứ nhất, đẩy mạnh rà soát tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, quy định của pháp luật, trên cơ sở đó huy động nguồn lực phát triển. Thứ hai, đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập cho người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính (TTHC). Thứ 3, đẩy mạnh CCHC công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí.

Thứ 4, đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung xây dựng chính phủ số, chính quyền số, xã hội số, công dân số, số hoá cơ sở dữ liệu, hồ sơ TTHC và phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ, khai thác dữ liệu. Thứ 5, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch tài chính.  

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện kế hoạch năm 2024; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sớm ổn định tổ chức, bộ máy để chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; cải tiến quy trình, thủ tục, gỡ nút thắt về pháp lý, về thủ tục hành chính để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành đối với 6 nhóm nhiệm vụ của công tác CCHC.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Nội vụ tổng hợp để xử lý theo thẩm quyền; nội dung nào vượt thẩm quyền báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Thu Hiền dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Theo báo cáo của BCĐ Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao, quyết liệt tháo gỡ những điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính, bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp và phương châm của năm 2024 “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”.

Kết quả thực hiện nhóm nhiệm vụ CCHC trọng tâm trong kế hoạch hoạt động năm 2024, tính đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 10/12 (83,3%) nhiệm vụ; chưa hoàn thành, đang thực hiện 2/12 nhiệm vụ (16,7%), còn lại 52 nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong 6 tháng cuối năm.

Cải cách thể chế, cải cách TTHC tiếp tục được quan tâm; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, TTHC.

Nhiều mô hình hay, điển hình, như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tỉnh Khánh Hoà, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... trong 6 tháng đầu năm đã cắt giảm 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật; các bộ, ngành đơn giản hoá được 828 TTHC được giao tại các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hoá TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư, đạt 76%.

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.

6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản trên 3.800 công chức, viên chức; 53 tỉnh, thành phố có thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã hoàn thiện phương án tổng thể và tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Về chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ Trung ương về cải cách chính sách tiền lương tổ chức 21 cuộc họp xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng, tính toán các phương án tối ưu để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội.

Xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể, mô hình tốt, điển hình như: Đà Nẵng, Bình Phước, Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...

Kết quả CCHC góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng (xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022). 

Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục