Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ðại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tham gia chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV
Thứ ba: 23:38 ngày 07/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 6.11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 11 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Quốc hội dành cả ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến hết kỳ họp thứ 4. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tham gia phiên chất vấn này.

Bao giờ xoá sổ tín dụng đen?

Tham gia phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu đặt vấn đề mà rất nhiều cử tri bức xúc kiến nghị. Theo ông Phương, hiện nay, tín dụng đen vẫn còn đất sống, vẫn len lỏi không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả ở thành thị, thậm chí ở một số nơi đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội. Đại biểu Phương đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nguyên nhân cơ bản của vấn đề này, có thể xoá sổ tín dụng đen được hay không, nhằm góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân?

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến vấn nạn tín dụng đen. Bộ Công an cùng với các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/2019 và Công điện số 766 nhằm thúc đẩy, triển khai, tăng khả năng tiếp cận tín dụng ở các kênh chính thức, hạn chế tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 1178 để ban hành kế hoạch triển khai hành động, trong đó tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, làm sao tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được tín dụng từ các kênh chính thức, chẳng hạn như có thông tư quy định về việc cấp tín dụng của các công ty tài chính và công ty tài chính tiêu dùng.

Đối với thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, Thống đốc cho biết, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi theo hướng có thể cấp tín dụng thông qua các phương tiện điện tử, tạo thuận lợi cho người dân. Bộ Công an chủ trì và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức nhiều hội nghị về ngăn ngừa tín dụng đen.

Đặc biệt, Bộ Công an đã tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và Ngân hàng Nhà nước phối hợp, ký kết kế hoạch với Bộ Công an thúc đẩy các tổ chức tín dụng tham gia vào kết nối với hệ thống dữ liệu, tiến tới cho vay tín chấp đối với những khoản cho vay nhỏ lẻ, từ đó có thể tăng khả năng tiếp cận tín dụng và hạn chế tín dụng đen.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước mong muốn các cấp, các ngành chung tay để giảm vấn nạn này, Uỷ ban nhân dân các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt thông tin người dân có nhu cầu vốn có thể tiếp cận những kênh chính thức và hạn chế cho người dân tiếp cận tín dụng đen. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, có kênh tín dụng để tiếp cận và không tiếp cận với nguồn tín dụng đen. Về phía Bộ Công an, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện các giải pháp để ngăn chặn việc này…

Đưa chi thường xuyên có tính chất đầu tư vào trong luật

Đại biểu Trần Hữu Hậu tham gia tranh luận

 

Cũng trong phiên chất vấn về nhóm vấn đề về kinh tế tổng hợp, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu đã tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về chi thường xuyên mà đại biểu liên tục nêu ra trong 3 kỳ họp trước. Đại biểu Hậu đặt vấn đề, Bộ trưởng Phớc cho biết đã 3 lần trình phương án… nhưng chưa được chấp thuận; sau đó đã phân tích rõ hơn vấn đề này. Đại biểu Hậu nhận thấy rằng nhiều sự việc đang diễn ra trong thực tế đúng như Bộ trưởng trình bày, Chủ tịch Quốc hội đã phân tích khá rõ và đã đưa ra hướng mở rộng đường cho Chính phủ đề xuất sửa đổi nếu thấy cần thiết.

Đại biểu Hậu nhấn mạnh: “Vướng mắc hiện nay trong cả nước xuất phát từ Thông tư 65 của Bộ Tài chính”, đồng thời lấy ví dụ cụ thể về việc sửa chữa, nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng để minh hoạ nguyên nhân khiến cán bộ sợ sai sót và không dám làm. Đại biểu cho rằng nếu dùng chi thường xuyên gần như chắc chắn phải “lách”, từ chuyện “tìm cái tên cho ít bị để ý” cho đến việc phải giải trình nhỏ to với các cơ quan chức năng khi bị hỏi tới.

Đại biểu Hậu rất đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng như của Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách là nên có một giải thích cụ thể, có văn bản đóng dấu rõ ràng để không có cơ quan nào có thể bắt bẻ các đơn vị, các địa phương làm việc chi thường xuyên như thế này.

Đại biểu Hậu cho rằng, trước đây, Luật Ngân sách có nội dung chi thường xuyên có tính chất đầu tư, tuy nhiên, Luật Ngân sách năm 2014 đã bỏ đi. Ông Hậu đề nghị, nên sửa luật theo hướng có thêm nội dung đưa chi thường xuyên có tính chất đầu tư vào trong luật và phải sửa cùng lúc 3 luật, là Luật Ngân sách, Luật Quản lý tài sản công và Luật Đầu tư công.

Liên quan đến nội dung tranh luận của đại biểu Trần Hữu Hậu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao đổi thêm, mặc dù khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công không thay đổi từ năm 2014 đến nay, trong quá trình thực hiện, Điều 6 vẫn được coi là dự án đầu tư công.

“Như Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đã nói, trước đó đã có Thông tư 92 cho phép. Nhưng sau đó, vì không rõ ràng về vấn đề này, Thông tư 65 được ban hành mà không tiếp tục Thông tư 92, và vì vậy đã gây vướng mắc”- Phó Thủ tướng nói.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Quốc hội với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục phối hợp cùng với các bộ, ngành rà soát các luật, các văn bản quy phạm pháp luật và tình hình thực tế để có đề xuất tổng thể giải quyết dứt điểm việc này.

Cử tri lo lắng về chất lượng của các công trình giao thông

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Cũng trong chiều 6.11, tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng về việc cùng một lúc phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, thời gian hoàn thành mục tiêu 3.000km cao tốc đã rất gấp rút và cận kề vào năm 2025.

Đại biểu Thuý cho biết, điều cử tri băn khoăn, lo lắng là chất lượng của các công trình giao thông. Đại biểu Thuý đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để không xảy ra tình trạng cao tốc đi vào khai thác đã sớm hư hỏng, sửa chữa, gây thất thoát lớn, lãng phí như tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Lào Cai, v.v... trong thời gian qua.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực tế trong thời gian qua chỉ có một vài công trình như đại biểu nói. Tuy nhiên, cũng không phải cả công trình mà chỉ ở một vài vị trí, có những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Về vấn đề tiêu chuẩn, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Sắp tới, tất cả các tuyến cao tốc đang xây dựng, chất lượng cũng như quá trình thi công công phải theo chuẩn quốc tế.

Hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các nhà thầu... bảo đảm tất cả những khó khăn về tài chính phải được giải quyết một cách hài hoà.

Những vấn đề thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, phải tập trung phối hợp cùng với các nhà thầu; giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai thi công ngay từ những ngày đầu tiên để chất lượng công trình được bảo đảm, Bộ Giao thông Vận tải cam kết và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước đại biểu Quốc hội về chất lượng đối với các tuyến cao tốc đang thi công và sẽ thi công.

Kim Chi

(lược ghi)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục