Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
‘Ba Bộ phục vụ khối sản xuất mà giải ngân quá chậm’
Thứ năm: 08:48 ngày 17/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo các cấp của các bộ, ngành và địa phương đề cao trách nhiệm, tinh thần thực thi nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, “gạt” sang một bên các cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung

Ngày 16/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với 3 Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tài nguyên và Môi trường về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2018. Cùng tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ.

Đây là một trong số cuộc họp chuyên đề về tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong thời gian qua. Với 3 Bộ trên, số vốn đầu tư công phải thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 là 303.000 tỷ đồng, chiếm tới trên 25% tổng nguồn vốn đầu tư công của cả nước, còn riêng vốn kế hoạch của năm 2018 này thì chiếm khoảng trên 10%.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tiến độ và chất lượng giải ngân vốn đầu tư công của 3 Bộ phục vụ khối sản xuất, bảo đảm môi trường có ảnh hưởng lớn tới cả nước.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công. Ảnh: VGP/Thành Chung

Vốn có từ năm 2015, tới nay chưa giải ngân được

Tuy nhiên, trên thực tế báo cáo của 3 Bộ và theo số liệu giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Tài chính thì tiến độ giải ngân rất thấp, thấp hơn cả mức trung bình của cả nước.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải được giao vốn kế hoạch năm 2018 là hơn 21.229 tỷ đồng nhưng tới hết tháng 4 mới giải ngân được gần 6.930 tỷ đồng (đạt 32,6%). Bộ NN&PTNT được giao 15.727 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 13,7%. Bộ Tài nguyên và Môi trường mới giải ngân đạt 16% khối lượng vốn tới ngày 14/5, tương ứng 238 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết tiến độ giải ngân chậm diễn ra ở các dự án có vốn trái phiếu Chính phủ, do cách xây dựng dự án. “Nguồn này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn Bộ được giao 42 dự án. Vào quý I/2017 mới thông qua chủ trương đầu tư. Từ đó tới 10/2017 thì Bộ tăng tốc lập dự án đầu tư. Tới quý III/2018 lập thiết kế để lựa chọn nhà thầu là nhanh rồi vì các dự án nhóm A theo quy định mất 40 tháng mới vào giai đoạn đấu thầu được và nhóm C thấp nhất cũng phải 20 tháng rồi”, ông Thắng bày tỏ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết tiến độ giải ngân những tháng đầu năm 2018 chậm vì Bộ này còn có 25.235 tỷ đồng vốn từ 2017 kéo sang năm nay, được ưu tiên xử lý trước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra Bộ Giao thông vận tải còn 43 dự án sử dụng vốn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp QL1A và Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (trong đó có 22 dự án triển khai thuộc giai đoạn 1 theo Nghị quyết số 99 của Quốc hội ban hành từ tháng 11/2015) tới nay mới giao được 55% tổng số vốn kế hoạch. “3 năm qua các dự án này chưa nhúc nhích được gì”, Phó Thủ tướng gay gắt.

Lý giải sự chậm chễ trong giải ngân nguồn vốn dư này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết gần 1 năm sau khi Quốc hội phê duyệt danh mục, tới tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ mới giao vốn cho Bộ Giao thông vận tải. Nhưng theo Nghị định số 136 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phải lập dự án đầu tư và gửi sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định lại nguồn vốn. Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định xong, Bộ Giao thông vận tải mới phê duyệt chủ trương đầu tư, mời tư vấn lập dự án đầu tư và sau đó lựa chọn tư vấn để đấu thầu.

“Những thủ tục này nếu theo khung tối đa của Nghị định số 136 thì phải mất hơn 2 năm, nếu rút ngắn cũng phải mất hơn 1 năm. Nên là những dự án vốn dư của chúng tôi giờ vẫn chậm vậy đấy”, ông Nguyễn Văn Công bày tỏ.

Nhưng Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Giao thông vận tải phải có trách nhiệm, kiểm điểm từng lãnh đạo Bộ, Ban quản lý dự án, trách nhiệm của các vụ, địa phương khi để gần 1 năm Quốc hội phê duyệt danh mục dự án sử dụng vốn dư mà mới giao được vốn cho 22 dự án.

“Ở khâu nào vướng mắc thì phải tiếp tục đi sâu tháo gỡ, chỗ nào né tránh thì thay thế cán bộ, hay có biểu hiện sợ sai nên không dám làm? Tại sao cùng mặt bằng thể chế như thế có nơi làm được nơi không làm được? Như Nam Định sau 3 tháng đầu năm đã giải ngân được 47% kế hoạch”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề với các Bộ.

Phó Thủ tướng cũng truy vấn lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi chưa thể giao vốn được cho chương trình mục tiêu tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu. Còn với Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra yêu cầu không thể ngồi chờ hồ sơ văn bản sửa đổi Luật Đầu tư công mà cần đôn đốc các cơ quan liên quan trong thẩm định dự án Luật này, sớm trình Chính phủ cho ý kiến vào tháng 7/2018.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, tổng hợp các ý kiến sửa đổi 3 Nghị định rất quan trọng liên quan tới các thủ tục đầu tư công (Nghị định số 77, 161 và 136 của Chính phủ) trình Chính phủ trong tháng 6/2018.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phương châm “Kỷ cương” chưa được 3 Bộ thực hiện

Trở lại thực trạng giải ngân vốn đầu tư công của 3 Bộ trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng “không thể chấp nhận được tiến độ này”.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân khách quan là rất lớn với các quy định chưa phù hợp thực tiễn ở 11 Luật, hơn 100 Nghị định của Chính phủ về đầu tư, xây dựng (làm ảnh hưởng tới quyết toán công trình dự án, điều chỉnh các nguồn vốn, thủ tục thẩm định phức tạp, không rõ ràng).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu khi cùng mặt bằng về kinh tế vĩ mô, pháp lý như thế nhưng có nơi giải ngân thấp, có nơi giải ngân cao. “Không thể nói do bộ máy mà làm ách tắc được. Phải luân chuyển cán bộ đi, đừng để cán bộ ngồi lâu một chỗ, và đặc biệt là thiếu tinh thần trách nhiệm, trì trệ, ngâm hồ sơ. Năm nay Chính phủ có phương châm hành động 10 chữ thì ‘Kỷ cương’ là đầu tiên mà các Bộ lại không tuân thủ kỷ cương, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu 3 Bộ báo cáo Ban Cán sự Đảng họp chuyên đề về vấn đề này ngay trong tháng 5 để kiến nghị giải pháp thực hiện, đề cao trách nhiệm, tinh thần cán bộ. “Nghị quyết số 60 và số 70 của Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đều quy định xử lý cán bộ rồi mà chẳng ai làm. Chưa thấy xử lý được ai, thay thế được ai”.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải gửi báo cáo riêng về việc triển khai Nghị quyết số 99 của Quốc hội về sử dụng vốn dư từ mở rộng Quốc lộ 1 và Đường Hồ Chí Minh về tình hình triển khai các dự án, số giao vốn, số giải ngân, ai là chủ đầu tư, ai quản lý và xác định trách nhiệm cá nhân để báo cáo lãnh đạo Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc thẩm định nguồn vốn cho bộ, địa phương; bổ sung vốn còn thiếu cho các bộ trong kế hoạch trung hạn để thực hiện dự án dở dang của Bộ Giao thông vận tải; phối hợp với Bộ Tài chính công khai tình hình tiến độ giải ngân đầu tư công của các bộ, ngành theo tiến độ hằng tháng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, khảo sát, lập kế hoạch thanh tra toàn diện 43 dự án sử dụng vốn dư từ mở rộng Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh của Bộ Giao thông vận tải.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục