Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2017), phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xoay quanh một số vấn đề về sự phát triển của báo chí tỉnh nhà.
Ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn. |
Ông Phạm Hùng Thái: Báo chí tỉnh nhà đã có sự phát triển cả về nội dung, lẫn hình thức.
Báo Tây Ninh và Đài PTTH Tây Ninh là 2 cơ quan báo chí quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh. Trong những năm qua, các cơ quan báo chí tỉnh nhà luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm sâu sát, chỉ đạo thường xuyên và đã có những đầu tư nhất định để góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc… đảm bảo phục vụ cho tác nghiệp của cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng rất quan tâm trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là việc xây dựng tổ chức đảng ở hai cơ quan Báo và Đài đảm bảo trong sạch vững mạnh, đảm bảo vai trò lãnh đạo đảng viên, cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Báo chí tỉnh nhà đã có sự chuyển biến tích cực cả về nội dung lẫn hình thức. Về hình thức, các trang báo được trang trí đẹp hơn, bắt mắt hơn, chất lượng giấy và bản in tốt hơn trước… nên hấp dẫn bạn đọc. Chất lượng hình ảnh của Đài PTTH Tây Ninh cũng có sự chuyển biến tốt hơn. Về nội dung, báo chí có sự phản ánh đổi mới, kịp thời, phong phú hơn. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác báo chí đã góp phần nâng cao sự nhanh nhạy, chất lượng, hiệu quả của báo chí tỉnh nhà.
Về số lượng, Báo in Tây Ninh phát hành ngày càng nhiều và rộng rãi hơn, Báo điện tử được cập nhật thường xuyên. Đài PTTH Tây Ninh đã có thêm nhiều tin bài, chuyên mục, chuyên đề mới… phản ánh nhiều nội dung và các khía cạnh của xã hội. Mặt khác, đội ngũ phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo cơ quan báo chí tỉnh nhà cũng thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao, tâm huyết gắn bó với nghề và đã có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng…
Phóng viên: Nhận định của ông về sự đóng góp của báo chí tỉnh nhà đối với sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), đảm bảo an ninh quốc phòng (ANQP)?
Ông Phạm Hùng Thái: Báo chí tỉnh nhà có sự đóng góp to lớn vào sự phát triển KT-XH, đảm bảo ANQP.
Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân đánh giá rất cao vai trò của báo chí cách mạng nước nhà. Báo chí đã tạo nên sức mạnh tinh thần để giúp nhân dân ta, đất nước ta giành được thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Báo chí cũng đã góp phần to lớn cùng đất nước vượt qua khó khăn, nghèo nàn lạc hậu để xây dựng đất nước như ngày hôm nay. Đây là vinh dự của báo chí cách mạng Việt Nam.
Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam- Ảnh minh hoạ |
Trong thời gian tới, với xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng; tình hình thế giới có nhiều phức tạp… sự nghiệp của báo chí cách mạng ngày càng cao cả hơn, các cơ quan báo chí cần xác định nhiệm vụ chính trị đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, phải hướng đến xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn hóa lành mạnh.
Những mặt trái, mặt tiêu cực cũng cần phải đấu tranh, phê phán mang tính xây dựng và không nên có những cách nhìn sai lệch làm ảnh hưởng đến mục tiêu của báo chí. Với truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự tin cậy của nhân dân, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, tiếp tục có những đóng góp tích cực xây dựng xã hội vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như định hướng, mục tiêu phát triển của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Phóng viên: Thưa ông, định hướng về sự phát triển của báo chí tỉnh nhà trong thời gian tới như thế nào?
Ông Phạm Hùng Thái: Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm đến việc phát triển và củng cố cơ quan báo chí để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trước mắt là công tác xây dựng- chỉnh đốn Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức các đoàn kiểm tra để kiểm tra, phát hiện những tồn tại, bất cập những thiếu sót trong tổ chức Đảng, trong tổ chức bộ máy, trong điều hành hoạt động, kể cả vấn đề phẩm chất đạo đức của cán bộ quản lý cũng như những người làm báo để chúng ta có những chấn chỉnh kịp thời.
Trên cơ sở đó, sẽ rà soát, đánh giá lại những tồn tại, bất cập để tập trung khắc phục những tồn tại này và có định hướng chiến lược phát triển lâu dài… Từ đó, đưa báo chí thành kênh thông tin quan trọng để phục vụ cho sự phát triển của địa phương, nhất là thông tin kịp thời những chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Quan trọng hơn nữa là xây dựng, giáo dục đời sống văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng dân cư và trong định hướng phát triển kinh tế xã hội với những mô hình hay, cách làm mới… để xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Đặc biệt, báo chí cần làm tốt hơn nữa việc quảng bá hình ảnh về đất và người Tây Ninh với bạn bè trong và ngoài nước để thu hút, kêu gọi đầu tư; tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong tỉnh phát triển, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Hiện tại, đội ngũ phóng viên báo, đài còn mỏng, cần được chăm lo tốt hơn về vật chất lẫn tinh thần để có sự kích thích, sáng tạo, năng động hơn, để việc đổi mới có sự chuyển biến đột phá hơn, đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật tiếp cận và xử lý những thông tin, hình ảnh cần năng động và sáng tạo hơn…
Về báo viết cũng cần đổi mới in màu, hình ảnh sắc nét, trình bày phong phú, hấp dẫn, đa dạng hơn… để nhận được sự quan tâm, thu hút bạn đọc nhiều hơn. Đồng thời, nội dung của báo chí tỉnh nhà đang còn “phản ánh thông tin là chính”, cần đa dạng về chuyên mục, chuyên đề và có những chuyên mục, chuyên đề, chương trình mới để tạo sự phong phú, đa dạng, phản ánh sâu sắc hơn, gần gũi hơn để hấp dẫn, thu hút sự quan tâm hơn nữa của nhân dân vào cơ quan báo chí địa phương. Qua đó, từng bước định hướng dư luận xã hội tốt hơn…
Phóng viên Đài PT-TH Tây Ninh tác nghiệp. |
Thời gian qua, đã hỗ trợ một số lĩnh vực nhưng còn chậm và chưa có chuyển biến rõ rệt. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí cần trực tiếp tham mưu, đề xuất, kiến nghị kịp thời những khó khăn để Tỉnh ủy, UBND tỉnh thấy được và nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho báo, đài phát triển tốt hơn.
Về trang thiết bị, với điều kiện kinh phí ngân sách địa phương hiện nay còn hạn chế, phải đầu tư cho nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng nên chưa thể trang bị một lúc đồng bộ các máy móc hiện đại cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên, với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan báo, đài cần xây dựng những đề án mang tính khả thi cao, phù hợp, hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động, trên tinh thần đổi mới hơn nữa trong việc ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin cho hoạt động báo chí để tránh bị tụt hậu.
Phóng viên: Cảm ơn Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã dành cho phóng viên cuộc trao đổi hôm nay!
Thực hiện: Huy Liệu