Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Bốn tiên phong, ba trụ cột” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
Thứ ba: 09:02 ngày 09/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cuốn sách thể hiện bước phát triển tư duy chiến lược của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, góp phần định hướng mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong giai đoạn mới.

Tháng 10.2023, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam” của tác giả - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sách dày gần 800 trang, tập hợp nhiều bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách thể hiện bước phát triển tư duy chiến lược của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, góp phần định hướng mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong giai đoạn mới.

Nội dung cuốn sách gồm ba phần. Phần thứ nhất thể hiện, làm rõ vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gồm bài viết tổng quan và 7 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, hội nghị ngoại giao, hội nghị đối ngoại toàn quốc. Các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư thể hiện tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng ta về đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá những kết quả, thành tựu của đối ngoại, ngoại giao đã “góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung, to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta”, nhờ đó, “vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế”.

Trong phần này, Tổng Bí thư chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng cho công tác đối ngoại nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. “Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, có vị trí địa chiến lược quan trọng trong những chuyển dịch hiện nay của thời đại. Trong thế giới biến động và khó lường, thách thức luôn luôn đan xen với cơ hội, rủi ro luôn đi kèm với thời cơ”- Tổng Bí thư chỉ rõ. Để hiện thực hoá các mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2025, 2030 và năm 2045, Tổng Bí thư yêu cầu phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Trong đó, “tiên phong (thứ nhất) thể hiện trong tư duy, nhận thức về đối ngoại. Tiên phong (thứ hai) trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tiên phong (thứ ba) kiến tạo cơ hội để thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc. Tiên phong (thứ tư) trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết sức mạnh cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước.

Thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”, Tổng Bí thư khẳng định, “đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước; sự gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hoá, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh và  đối ngoại trong các lĩnh vực khác”. Đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là lợi ích quốc gia - dân tộc. Việc thực hiện đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột đối ngoại tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam. Đây vừa là truyền thống quý báu, vừa thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật đối ngoại cách mạng Việt Nam được Tổng Bí thư phân tích, lý giải cụ thể và định hướng sâu sắc bằng nhãn quan chính trị và tầm tư duy chiến lược. Đây là bước phát triển về tư duy đối ngoại Việt Nam, vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài, đáp ứng nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Phần thứ hai của cuốn sách thể hiện đường lối đối ngoại Việt Nam là độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Phần này gồm 78 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên các diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trụ cột đối ngoại là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Trải qua các thời kỳ, trên nhiều cương vị: Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quan điểm, chủ trương đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam có quan hệ hợp tác rộng mở cả song phương và đa phương với các đối tác, các lĩnh vực, đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, huy động và kết hợp hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nội lực trong nước nhằm chủ động tham gia, tích cực đóng góp, “nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế” vì lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

Trong quan hệ song phương, các bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn thể hiện sự đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Phát huy truyền thống hoà hiếu của ông cha, Tổng Bí thư khẳng định cần tiếp tục đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống. Qua đó, tăng cường tin cậy, phát huy điểm đồng, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tranh chấp, thúc đẩy hoà bình, hợp tác và phát triển nhằm củng cố vững chắc cục diện đối ngoại ổn định, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức khu vực, quốc tế, các khuôn khổ hợp tác cũng như trong những vấn đề quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng, điều kiện của đất nước. Trong quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, các đảng cầm quyền và các đảng dân chủ, vì hoà bình, tiến bộ trên thế giới, Tổng Bí thư luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, có những đóng góp cả lý luận và thực tiễn vào kho tàng chủ nghĩa Mác - Lênin từ công cuộc đổi mới của Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ, thật sự vì con người.

Tổng Bí thư, tác giả cuốn sách nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam “luôn coi trọng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, với các đảng cộng sản, công nhân và bạn bè truyền thống”. Trong các bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người dân nước sở tại nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện, hoà hiếu, mến khách, năng động và phát triển.

Phần thứ ba của cuốn sách thể hiện rõ dấu ấn ngoại giao, gồm 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư trong việc hình thành và phát triển trường phái ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. Đó là những câu chuyện, kỷ niệm, tình cảm của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, các nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, được gặp Tổng Bí thư trong các chuyến thăm và làm việc ở trong và ngoài nước.

Những ý kiến thể hiện sự kính trọng, tình cảm dành cho Tổng Bí thư và niềm tin tưởng, tự hào về những thành tựu to lớn của đất nước, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. Các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tuyển chọn trong cuốn sách là sự tổng kết những bài học kinh nghiệm có giá trị của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, thể hiện bước phát triển tư duy chiến lược của Đảng, do Tổng Bí thư đứng đầu.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục