Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nếu một số đơn vị thuộc diện sáp nhập nhưng chưa sáp nhập và đang hoạt động hiệu quả thì không nhất thiết phải sáp nhập.
Sau khi khảo sát tại cơ sở và làm việc với một số đơn vị cấp tỉnh, ngày 26.2, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023” tại UBND tỉnh.
Ông Phạm Hùng Thái- trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi giám sát.
Tây Ninh còn 512 đơn vị sự nghiệp công lập
Lấy mốc thời gian từ tháng 10.2017 đến tháng 12.2023, UBND tỉnh cho biết, năm 2017, toàn tỉnh có 645 đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2021 còn 534 đơn vị và đến năm 2023 còn 512 đơn vị. So với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TW, giai đoạn 2015-2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm 112 đơn vị, đạt tỷ lệ giảm 17,33% và vượt hơn so với mục tiêu giảm 10% trong nghị quyết đề ra. Nếu tính cả giai đoạn 2015-2023 (tức lùi lại hai năm trước khi có Nghị quyết 19 của Trung ương), số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm 134 đơn vị, đạt tỷ lệ giảm 20,74%.
“Sau 6 năm thực hiện, trên tinh thần nghiêm túc, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thông qua nhiều cách làm phù hợp, các mục tiêu nghị quyết đề ra cơ bản đạt kết quả tốt. Điều đó giúp cho các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, bảo đảm nguyên tắc cùng nhóm nhiệm vụ chỉ có một tổ chức, đơn vị thực hiện và phải phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Những lĩnh vực, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp mà các doanh nghiệp hoặc thành phần kinh tế khác thực hiện được thì từng bước thực hiện chuyển giao, chuyển đổi sang mô hình hoạt động như doanh nghiệp hoặc thực hiện xã hội hoá; đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả thấp, không tự bảo đảm kinh phí hoạt động nếu thấy không cần thiết thì xem xét giải thể”- UBND tỉnh đánh giá việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn. Thực hiện chủ trương có phần khó khăn, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến công tác nhân sự.
Chính vì vậy, cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể và phải có sự hướng dẫn của cấp trên, sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, ngành. Đơn vị sự nghiệp nhiều, quy mô nhỏ, phần lớn dựa vào ngân sách Nhà nước. Năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều hạn chế, nguồn thu sự nghiệp ít và phát triển chậm.
“Việc thực hiện xã hội hoá, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp ngành Y tế, Giáo dục còn chậm, cần phải có thời gian, lộ trình thực hiện và phải có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Đơn vị sự nghiệp của tỉnh phần lớn thuộc sự nghiệp giáo dục, y tế, do đó, khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cắt giảm biên chế theo quy định chủ yếu thực hiện ở các đơn vị này dẫn đến địa phương gặp nhiều khó khăn, không đủ biên chế để bố trí đủ theo định mức quy định của ngành- UBND tỉnh nhìn nhận khó khăn, vướng mắc sau 6 năm thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu tại buổi làm việc.
Tài sản bỏ hoang - xử lý thế nào?
Tại buổi giám sát, bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH nêu, trong ngành Giáo dục, sau sáp nhập vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường (điểm chính, điểm lẻ) trong đó có những điểm lẻ khá xa điểm chính.
Việc này nên được xử lý như thế nào để bảo đảm tinh gọn? Việc sắp xếp trụ sở dôi dư sau sáp nhập, hiện tại vẫn còn nhiều trụ sở đang bỏ hoang, gây lãng phí, phương án nào giải quyết chuyện này? Bà Thuý cũng đề cập kiến nghị của cơ sở về việc xem xét có chính sách hỗ trợ đối với giáo viên dạy ở hai điểm trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính (một phần hoặc toàn phần) đạt tỷ lệ rất thấp, làm thế nào để nâng cao tỷ lệ này? Bà Huỳnh Vương Hiếu- Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu: theo báo cáo, hiện tại có 9 cơ sở dôi dư, những địa phương còn lại thế nào, chưa thấy đề cập. Báo cáo nêu tồn tại, hạn chế nhưng không nêu cụ thể những khó khăn, bất cập như đoàn giám sát ghi nhận ở cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn- Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, tỷ lệ đơn vị tự chủ tài chính rất thấp, chỉ 7%, trong khi nghị quyết yêu cầu 10% vào năm 2021, làm thế nào để đạt chỉ tiêu? “Nếu một số đơn vị thuộc diện sáp nhập nhưng chưa sáp nhập và đang hoạt động hiệu quả thì không nhất thiết phải sáp nhập”- bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu.
“Chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiêm trong sáp nhập, đặc biệt trong việc sáp nhập điểm trường còn nhiều bất cập, có trường sau sáp nhập học sinh đi học quá xa. Chúng ta sáp nhập nhưng chưa giải quyết triệt để mọi vấn đề, ví dụ nhiều cơ sở, trụ sở đang bỏ hoang”.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong nêu những khó khăn, nguyên nhân của khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng. Trong đó, đối với Tây Ninh, chủ trương xã hội hoá, tăng tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập khó khăn hơn nhiều so với các thành phố lớn.
Đối với ngành Giáo dục, chuyện sắp xếp lại trường học chỉ mới giảm được ban giám hiệu, còn lại vẫn nguyên, “ngành Giáo dục muốn giảm biên chế thì xã hội hoá phải đạt hiệu quả cao”. Vì thế, Trung ương cần xem lại chỉ tiêu giảm biên chế, giảm đơn vị sự nghiệp cũng như việc tăng tự chủ tài chính.
Kết luận buổi giám sát, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, trưởng đoàn giám sát hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của cơ quan được giám sát. Các đơn vị được giám sát đã bám sát đề cương, nội dung báo cáo cơ bản đáp ứng yêu cầu.
UBND tỉnh đã bám sát chủ trương của Trung ương và địa phương. Việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp còn nặng tính cơ học, vì trước đó chưa có rà soát quy hoạch. Đạt được kết quả nhưng hạn chế cũng còn nhiều, việc tinh giản biên chế, giảm số lượng cấp phó ở đơn vị sự nghiệp còn thấp.
“Thực hiện chủ trương xã hội hoá trong Giáo dục, Y tế còn chậm, việc chuyển một số cơ sở giáo dục công lập ra ngoài công lập chưa thực hiện được”- trưởng đoàn giám sát nhận xét..
Việt Đông
(lược thuật)