Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong lúc đất nước đối mặt nhiều khó khăn, có một số người, họ không làm gì để đóng góp cho việc phòng, chống dịch bệnh, ngoài chuyện ngồi sau bàn phím để dạy đời, từ chuyện chống dịch cho đến quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nếu không kể những trận thiên tai như bão nhiệt đới, động đất, sóng thần, núi lửa... dịch bệnh Covid- 19 là thách thức lớn nhất toàn cầu trong vòng nhiều thế kỷ trở lại đây. Ngay những ngày này, tại Việt Nam, cơn đại dịch đã và đang gây hậu quả vô cùng nặng nề. Mọi nguồn lực, vật lực, tài lực đều được dành cho mục tiêu khống chế dịch bệnh.
Trong lúc đất nước đối mặt nhiều khó khăn, có một số người, họ không làm gì để đóng góp cho việc phòng, chống dịch bệnh, ngoài chuyện ngồi sau bàn phím để dạy đời, từ chuyện chống dịch cho đến quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Bàn phím ma thuật” của họ, công bằng mà nói đã qua mặt được một bộ phận dân chúng. Nhưng, dù có làm xiếc bằng ngôn từ, họ không thể lừa mị được tất cả mọi người
Chuyện nói mãi vẫn không cũ
Sau khi TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam buộc phải giãn cách dài ngày để phòng, chống dịch bệnh, đời sống, sinh hoạt, đi lại, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... đều gặp bất tiện.
Ðiều này là hiển nhiên, ai cũng thấy, cũng biết. Chính phủ, chính quyền địa phương đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn. Bất kỳ ai có chút trải nghiệm, có chút vốn sống sẽ hình dung ra rằng, việc hỗ trợ cũng như thực hiện các chính sách không thể tránh khỏi bất cập, thiếu sót, thậm chí sai đối tượng.
Ðiều này rất khó tránh khỏi vì cùng lúc “ứng cứu” hàng chục triệu dân không phải chuyện dễ, kể cả các cường quốc nổi tiếng về trình độ khoa học cũng như ý thức kỷ luật của người dân. Vin vào những thiếu sót, hạn chế nhất định đó, những người tự nhận mình là vô tư, am hiểu công nghệ, nắm bắt thông tin nhanh đã sập ngay vào cái bẫy chính họ từng giăng ra cho nhiều người, cho cộng đồng.
Câu chuyện một ông cụ “đi gõ cửa xin gạo vì nhà không còn gì ăn” vừa xuất hiện đã được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, “hình ảnh cụ ông xin gạo” lan khắp cõi mạng, vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Thậm chí một đài phát thanh của nước ngoài phát bằng tiếng Việt cũng nhanh nhảu cập nhật và thu hút lượng lớn “bình luận” bằng những ngôn từ, góc nhìn như thế nào, không khó hình dung.
Kết quả xác minh cho thấy, “cụ ông đi xin gạo” trong clip không phải là người nghèo khó. Ngược lại, ông có ngôi nhà hoành tráng, hai mặt tiền. Còn ngôi nhà ông đứng trước cửa để xin gạo chính là ngôi nhà ông cho người khác thuê. Con cháu cụ xác nhận, cụ cao tuổi, không còn minh mẫn, có phần lú lẫn nên mới “đi lang thang” như vậy. Sau khi câu chuyện được xác minh, hầu hết trang cá nhân của các nhân vật “cấp tiến, dân chủ, nhân quyền, văn minh, nghĩa tình” đều im lặng cứ như thể họ là người vô can.
Trang cá nhân của những nhân vật kiểu như trên có lượt theo dõi đông đảo. Như vậy, chính họ là người vừa trực tiếp vừa gián tiếp lan truyền thông tin không có thật, gây hoang mang cho xã hội nhưng họ không thèm nói một lời xin lỗi.
Tiêu chí khách quan, vô tư, trung thực, không thiên vị trong thông tin, họ để ở đâu? Nhưng điều này mới đáng nói: chủ nhân của các tài khoản mạng xã hội đã để cho vô số người thi nhau mạt sát, vu khống chính quyền, rồi quá mù ra mưa, chửi bới chế độ, mạ lỵ cá nhân vô cùng nặng nề, thiếu văn hoá. Rõ ràng, chủ các tài khoản phải chịu trách nhiệm về việc này.
Như từng đề cập nhiều lần, tin giả hoặc thông tin nửa thật nửa giả luôn có tính hai chiều, nó gây phương hại cho tổ chức, cá nhân khác nhưng những người tung tin giả lại luôn thu lợi về phần mình.
Việc một số gia đình gọi điện cầu cứu sự hỗ trợ, cung cấp lương thực trong những ngày giãn cách là một ví dụ. Một số người, vì ích kỷ, lòng tham khiến họ trở nên sân si: lương thực đầy nhà nhưng họ thường xuyên gọi điện vào đường dây nóng để xin hỗ trợ, thậm chí còn đưa lên mạng để thu hút sự chú ý của đám người “khóc mướn chuyên nghiệp”.
Ðến khi chính quyền địa phương đến kiểm tra, trong nhà họ có hàng chục bao gạo, chiếc tủ lạnh loại lớn đầy ắp thức ăn, hoa quả, 2 chiếc xe tay ga dựng ngay phòng khách. Chỉ khi hình ảnh, video lip được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, những nhà “đấu tranh cho dân quyền, công bằng” mới thôi chửi bới, xúc phạm, vu khống chính quyền địa phương.
Sau khi mục sở thị “hoàn cảnh khó khăn” của nhà kia, có nhiều ý kiến đề nghị phải xử lý nghiêm minh trường hợp (không phải duy nhất) này, đồng thời tịch thu ngay hàng chục bao gạo đang tích trữ trong nhà để phát cho người khác.
Không phải Nhà nước thiếu lương thực để lo bữa cơm cho người dân, nhưng trong lúc này, phải trừng phạt nghiêm khắc để họ biết rằng, đây không phải thời điểm để họ đùa giỡn hoặc thể hiện lòng tham không giới hạn.
Chứng kiến cảnh đó, có người bình luận rằng: “Hộ này là kế bên hộ nghèo chứ không phải hộ cận nghèo”! Gần đây nhất, một cô gái ăn mặc sang trọng bị công an TP. Cần Thơ phạt hơn 7 triệu đồng vì dòng trạng thái “hơn hai tháng chưa được hỗ trợ, Chính phủ ơi, Nhà nước ơi, hãy trợ cấp, phát trực tiếp cho dân nghèo”. Ðược “mời lên phường uống trà”, cô gái này thừa nhận mình bịa đặt và đã gỡ thông tin đó khỏi trang cá nhân.
Những câu chuyện tương tự như thế còn nhiều. Dù mức độ, tính chất có khác nhau nhưng hành vi, phương thức thực hiện lại đồng nhất: dùng công nghệ thông tin, tạo tin giả hoặc tin xuyên tạc, bóp méo để trục lợi, bất chấp hậu quả gây ra cho tổ chức, cá nhân.
Ảo tưởng, ðiên rồ
Ngày cuối cùng của tháng Tám, một nhân vật có chút tiếng tăm trên mạng xã hội đã bị bắt giam vì vi phạm pháp luật. Nhân vật này xuất thân là một giáo viên dạy môn Hoá học, tức ít nhiều có trình độ, có hiểu biết.
Nhiều năm nay, sau khi bỏ nghề, người này được hà hơi tiếp sức, khích tướng của một số tổ chức người Việt ở ngoài nước, liên tục viết bài công kích vu khống chính quyền. Ngay sau khi người này bị bắt, một đài phát thanh bằng tiếng Việt (đặt ở nước ngoài) nhanh nhảu phỏng vấn một số nhân vật “bất đồng chính kiến”.
Một trong số người được phỏng vấn nhận xét rằng, người vừa bị bắt là “một cây bút phản biện sắc sảo, dũng cảm đấu tranh cho công lý”. Câu trả lời này không những nhạt như nước ốc, nó còn vô thưởng vô phạt bởi cái trò “mèo khen mèo dài đuôi”.
Thực tế, trên trang cá nhân của cựu giáo viên này những bài viết không có gì xuất sắc. Ngược lại, để thu hút người đọc, tăng lượng tương tác, nhân vật này sử dụng “thủ pháp” không mấy xa lạ trong làng “dân chủ”: chửi.
Chửi gần như là cách duy nhất để anh ta thu hút sự chú ý của cái gọi là “cộng đồng mạng”. Trong hàng trăm, thậm chí cả ngàn bài viết dài ngắn khác nhau, nhân vật này xúc phạm không từ một ai.
Ðiều đáng nói, kết hợp giữa kênh hình và kênh chữ, nhân vật này, người từng đứng lớp dạy học trò đã xúc phạm hết sức nặng nề vị lãnh tụ của dân tộc- Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự xúc phạm, phỉ báng ấy, thậm chí ngay cả những nhân vật chống cộng cực đoan nhất cũng ít dùng (do tính chất của bài báo, xin phép không đề cập chi tiết).
Chưa cần nói đến người bị xúc phạm, mạ lỵ là vị lãnh tụ, chỉ cần đặt ngược câu hỏi: nếu ai đó xúc phạm, vu khống bố mẹ anh ta như vậy, anh ta có chịu được không và có chấp nhận không? Ngoài việc lợi dụng thông tin để tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam, trong những ngày các tỉnh phía Nam đang vật lộn chống cơn cuồng phong mang tên Covid- 19, nhân vật này liên tục đăng bài mỉa mai, công kích những người trên tuyến đầu chống dịch.
Trong khi những nhân viên y tế đang từng giờ đối mặt với rủi ro, thậm chí với “tử thần” để giành giật mạng sống cho người nhiễm virus, thì nhân vật này lại không ngừng chửi bới họ.
Khi lực lượng vũ trang được lệnh tham gia chống dịch, hùa theo các ngòi bút nham hiểm, nhân vật này lại gia tăng mức độ bôi nhọ lực lượng này bằng cả hình ảnh lẫn chữ viết. Không loại trừ, những người bị bôi nhọ, xúc phạm, có cả bạn bè từng một thời chung trường chung lớp của anh ta, thậm chí có người là học trò của cựu giáo viên.
Hồi đầu tháng 7, tài khoản của một nữ doanh nhân có gần bốn trăm ngàn người theo dõi, viết: “Mỗi ngày nước ta có bình quân 35 - 40 người chết vì tai nạn giao thông. Mỗi tháng bình quân có một ngàn chết vì dạng này, tức bằng nổ 4 chiếc máy bay chở đầy người mỗi tháng.
Thế mà chẳng ai nói gì, coi như đó là điều tất yếu, tự nhiên. Trong khi đó, trong hai năm bị dịch Covid- 19, số người chết chỉ vỏn vẹn có vài chục người, thế mà đã làm ầm ĩ cả lên. Ðành rằng cái chết nào cũng thương tâm cả”.
Sau khi dòng trạng thái này xuất hiện, nhiều người lấy làm bất ngờ, không hiểu vì sao một doanh nhân thành đạt lại nhận thức tồi tệ vượt mức cho phép như thế. Thực ra, theo dõi trang cá nhân này một thời gian ngắn dễ dàng rút ra một điều: phần lớn những bài viết đều bị cảm xúc chi phối, lấn át lý tính. Khách quan trong tiếp nhận thông tin, đánh giá thông tin và phân tích thông tin, gần như không có.
Một trong những đặc điểm của người Việt Nam là trọng tình hơn trọng lý, do đó, những bài viết chửi bới, mạt sát hoặc sến súa, khóc mướn chuyên nghiệp đều thu hút lượng lớn người đọc.
Những “anh hùng cào phím” này luôn tin vào những điều mình mong muốn hơn là tin vào hiện thực khách quan. Ðây là sai lầm cơ bản nhất, phổ biến nhất trong thế giới mạng hiện nay. Cạn như cơi (đĩa) ăn trầu của các cụ già nhưng lại tưởng mình là giếng khơi.
Việt Ðông