Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Đã có những hy sinh, khó nói thành lời”
Thứ sáu: 00:10 ngày 22/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có những hy sinh rất khó nói thành lời- cựu chiến binh Cao Văn Thành nói về câu chuyện của chính bản thân ông. Khi lên đường đánh Mỹ, điều ông suy nghĩ nhiều nhất không phải là cái chết mà chính là tình yêu!

Những người đi qua các cuộc chiến tranh trong buổi hội ngộ ở Tân Biên (ảnh: Đại Dương)

Cách nay cũng đã lâu, một ngày cuối tháng 4, chúng tôi nhận được điện thoại của một cựu chiến binh. Từ đầu dây bên kia, người lính già nói với giọng run run: “Ngày 1.5, những đồng đội cũ của chú về Tân Biên thăm căn cứ kháng chiến cũ, thăm lại chiến trường xưa. Mấy cháu có thời gian lên chơi!”.

“TẤT CẢ DO CHIẾN TRANH”

Họ là những người lính của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 từ khắp nơi trên cả nước về họp mặt tại nhà của ông Đàm Tuy- một cựu quân nhân của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 nổi tiếng ở miền Đông Nam bộ thời chống Mỹ, hiện đang sống ở Tân Biên. Phần lớn trong số họ, tóc đã ngả màu, có người từng tham gia giải phóng thủ đô của 3 nước Đông Dương.

 Trong buổi gặp hôm ấy, có một người được đồng đội cả nam lẫn nữ “cưng chiều” nhất, được gọi là anh Hai, đó là cựu chiến binh Tạ Xuân Thu. Ông Thu quê tận Vĩnh Phúc, thời điểm đó, ông đã 82 tuổi nhưng nghe tin có họp mặt ở chiến trường xưa, ông liền lên kế hoạch “Nam tiến”.

Khi biết được ý định của ông vào Nam lần nữa, con cái của ông e dè, khuyên không nên đi. Vì ở cái tuổi của ông, đi chưa chắc đã tới nơi. Nhưng ông vẫn quyết tâm, vì như ông nói, năm nay không đi, sang năm chắc gì còn sống để đi.

Ông Thu tham gia đánh Pháp từ chiến cuộc Đông Xuân 1953. Sau trận Điện Biên Phủ “chôn sống” hơn mười sáu ngàn quân viễn chinh Pháp, ông cùng đơn vị trong đoàn quân chiến thắng tiến về đồng bằng tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ngày lịch sử ấy diễn ra cách nay đã hơn nửa thế kỷ, nhưng hình như với những người lính, ký ức vẫn còn tươi rói, nóng hổi. Ông nói: “Chỉ có những ai có mặt trong đoàn quân về tiếp quản Thủ đô mới cảm nhận được niềm vui vô bờ của cả một dân tộc. Giải phóng Thủ đô, nghĩa là ta đã làm chủ đất nước mình”.

Nhấp một ngụm trà, ông kể tiếp, năm 1964, ông lại chia tay gia đình, mang ba lô vào Nam đánh giặc. Là người yêu văn nghệ, lúc ấy, ngoài lương khô, trong ba lô của ông và nhiều đồng chí khác còn có cả thơ. Ông thích nhất thơ Tố Hữu và Phạm Tiến Duật.

Mùa xuân năm 1964, cô con gái mới sinh vừa tròn 4 ngày tuổi thì ông lên đường. Biết được nỗi lo của chồng, đêm cuối cùng trước ngày ra trận, sau khi con đã ngủ, vợ ông lò mò dậy bật đèn, tìm giấy và ghi ghi chép chép. Một lúc sau, chị đưa cho anh, thì ra đó là 4 câu thơ của Tố Hữu. Bà ghi cho ông như một lời động viên, trấn an, đến giờ ông còn nhớ: “Những người vợ biết tình sâu nghĩa nặng/ Anh đi đi, em gắng nuôi nhà/ Biết cầm cày và cầm súng cho ta/ Gieo giống mới làm nên mùa gặt lớn…”. Gấp tờ giấy bỏ vào túi áo bên ngực, ông lên đường.

Năm 1967, chiến tranh quá ác liệt, ông không liên lạc được với gia đình, ở nhà tưởng đã hy sinh. Người vợ ở quê nhà đợi chờ mỏi mòn, chị tin rằng, giải phóng rồi ông sẽ về. Nhưng ngày miền Nam giải phóng, vẫn không có tin tức gì về chồng, kể cả giấy báo tử cũng không.

Bất ngờ, năm 1979, sắp đến ngày làm đám giỗ cho ông thì người lính ấy trở về! Thì ra, khi tham gia giải phóng Sài Gòn, ông bị thương. Sau khi được chữa trị khỏi, ông nói sẽ về quê thăm vợ con. Nhưng chưa thực hiện được thì chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ. Một lần nữa, ông lại cùng quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Thủ đô Phnom Penh của xứ Chùa Tháp.

“Như vậy, trong cuộc đời chinh chiến của mình, tôi đã tham gia giải phóng cả ba Thủ đô, kể cũng thú vị”- ông nói. Ngày ông về, cô con gái lúc này đã 15 tuổi. Gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. “Sau nhiều năm trở lại Tân Biên, ông thấy có gì thay đổi”- chúng tôi hỏi. “Trước đây rừng Tân Biên bạt ngàn một màu xanh, nhưng nay rừng còn lại ít quá”- ông nói với vẻ tiếc nuối.

“Giây phút nào trong cuộc chiến khiến ông nhớ nhất?”. “Đó là buổi sáng ngày 30.4.1975. Lúc này chúng tôi đang đánh nhau với giặc tại Long An, đến trưa, bộ đội thông tin mở đài Sài Gòn và không một ai tin được khi nghe chính giọng của Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tất cả chúng tôi đều không tin được”!

Buổi gặp gỡ hôm ấy, còn có một người phụ nữ quê ở Trảng Bàng. Chị tên là Trần Thị N, nhà ở khu căn cứ Bời Lời, gia đình chị là địa điểm tin cậy của cách mạng. Một anh bộ đội quê ở Bến Tre đã đem lòng yêu người con gái xứ Trảng.

Chị bảo, hồi ấy, anh bộ đội đẹp trai, sau một thời gian tán tỉnh đã ngỏ lời cầu hôn và đề nghị cưới cho chắc ăn! Nhưng chị động viên anh rằng, ráng đánh giặc cho giỏi, giải phóng Sài Gòn rồi tổ chức. Nhưng rồi, anh “năn nỉ” quá, đám cưới đã diễn ra. Chị nói thật rằng, không sợ gì, chỉ sợ ảnh hy sinh. Cưới nhau xong là đi. Ở nhà chị vừa nuôi con nhỏ, vừa tham gia sản xuất, lại vừa phải tránh máy bay của giặc.

Một thời gian sau, anh trai của chị tên là Trần Văn Trà hy sinh trong một trận đánh tại chính Trảng Bàng, năm 1969. “Thời ấy, cả nước như thế, đều mất mát, đâu riêng gì một ai. Chỉ có một niềm tin rằng, một ngày không xa, đất nước sẽ sạch bóng quân thù”- chị nói.

 Có những hy sinh rất khó nói thành lời- cựu chiến binh Cao Văn Thành nói về câu chuyện của chính bản thân ông. Khi lên đường đánh Mỹ, điều ông suy nghĩ nhiều nhất không phải là cái chết mà chính là tình yêu! Ông không sợ mình chết mà chỉ sợ tình yêu của mình sẽ chết. Khoác ba lô lên vai, đầu không ngoảnh lại, nhưng ông biết “có một người con gái tuổi hai mươi” rất lo cho ông và đang chờ ông từng ngày.

Một năm sau, cô thôn nữ ấy nhận được tin ông hy sinh. Không còn hy vọng nữa, cất giấu mối tình đầu vào nơi sâu thẳm của trái tim, chị đi lấy chồng. Chiến tranh kết thúc, “liệt sĩ” trở về. Thêm một lần nữa, người phụ nữ ấy lại khóc. “Có thể cô ấy vui, vì người yêu cũ còn sống và trở về. Nhưng cũng có thể đó là giây phút se lòng, vì mối tình đầu tan vỡ. Tôi đã nói với cô ấy rằng, không ai có lỗi. Tất cả là do chiến tranh”- ông Thành tâm sự.

GIỮ LẤY HOÀ BÌNH

Theo thống kê, trong các cuộc kháng chiến, cả nước đã có 1.146.250 anh hùng, liệt sĩ hy sinh, trong đó 191.605 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

105.627 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, thi thể các anh còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia, biển Đông… Hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có khoảng hơn 4 triệu dân thường ở hai miền Bắc - Nam đã chết và bị thương tật suốt đời do bom đạn, do kẻ thù giết hại.

Đóng góp vào sự nghiệp cách mạng, cả nước có trên 9.000.000 người có công; 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; trên 13.000 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; gần 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh; hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam; gần 111.000 người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày, tra tấn trong các nhà tù Hoả Lò, Sơn La, Lao Bảo, Côn Đảo, Phú Quốc…

Những con số thống kê nêu trên chưa hẳn đã đầy đủ và chắc chắn không phải con số sau cùng. Để đất nước được hoà bình, thống nhất, Bắc Nam liền một dải như hôm nay, chúng ta đã phải hy sinh rất lớn về mọi mặt: nhân mạng, nguồn lực con người, nguồn lực vật chất, thời gian… không một bút mực nào tả xiết. Có không ít người, theo xu hướng xét lại lịch sử, rằng dân tộc ta đã trải quá giá quá đắt cho hoà bình, thống nhất.

Nhưng, đúng như một vị tướng trong quân đội từng phát biểu “họ nói chúng ta trả giá đắt nhưng họ không biết rằng, để giành lấy độc lập, thống nhất, chúng ta không còn cái giá nào rẻ hơn”. Trong bộ phim Ván bài lật ngửa, nhân vật Nguyễn Thành Luân (nguyên mẫu là nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo) nói với những người đứng đầu ở phía bên kia chiến tuyến rằng: “Chúng tôi chấp nhận đổ máu để chấm dứt vĩnh viễn đổ máu”.

Phải giữ cho được hoà bình.

VIỆT ĐÔNG

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục