Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Đánh thức” bản Ngòi
Thứ hai: 15:00 ngày 29/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nằm cách cảng Thung Nai gần một giờ đi tàu trên hồ thủy điện sông Đà, bản Ngòi thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc là một trong những bản cổ người Mường đẹp nhất của tỉnh Hòa Bình. Một dự án du lịch đã được triển khai nơi đây, song vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên và những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Mường vẫn được bảo tồn, phát triển.


Giới thiệu đặc sản địa phương cho khách du lịch.

Sức hấp dẫn từ vẻ đẹp nguyên sơ

Chúng tôi ngồi trên chiếc tàu du lịch nhỏ, chạy dập dềnh qua vùng nước mênh mông trên hồ Hòa Bình, ngắm cảnh quan ở nơi vẫn được gọi là “Vịnh Hạ Long trên núi” để đến bản Ngòi.

Anh Trần Văn Vỹ, hướng dẫn viên Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình đưa chúng tôi vào bản nhỏ, nép mình trong những dãy núi đá vôi nguyên sinh. Bản Ngòi đẹp dịu dàng và bình dị như cách nói của anh Vỹ, giống nàng công chúa ngủ quên trong rừng đã lâu, và mới được đánh thức.

Nhìn từ xa, bản thấp thoáng trong mầu xanh ngút ngàn của những ruộng ngô, vườn cây trái phủ tràn đồi núi, nếp nhà. Càng đi sâu phong cảnh càng đẹp và bình yên, bỏ lại phía sau cảm giác ngột ngạt, oi nồng của những ngày nắng nôi đầu hạ.

Anh Vỹ cho biết: Hiện nay, chỉ có đường thủy đến đảo và cũng vì thế, bản Ngòi gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Bản vẫn giữ vẻ đẹp truyền thống của người Mường, giản dị tựa bao đời nay vẫn thế.

Tàu vừa cập bến, đón chào chúng tôi là âm thanh rộn ràng của tiếng cồng, chiêng, thanh âm đặc trưng của văn hóa rừng núi Hòa Bình. Những cô gái, chàng trai Mường trong trang phục truyền thống, nở nụ cười rạng rỡ, khiến mọi người trong đoàn vừa đặt bước chân đầu tiên tới đây đã thiện cảm.

Bản Ngòi là một trong những bản Mường cổ nhất của tỉnh Hòa Bình, là nơi sinh sống của gần 90 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, đều là người dân tộc Mường, xa xưa còn có tên là Bưa Dâm.

Theo tiếng Mường, “bưa” nghĩa là vạt đất bằng phẳng trên núi cao, còn “dâm” nghĩa là nơi có nhiều cây gỗ lớn hoặc nơi có bóng râm mát mẻ. Đúng như tên gọi ấy, càng đi sâu vào trong bản, chúng tôi càng ngạc nhiên vì gặp khá nhiều khoảng đất bằng, trù phú ngay trên địa hình núi cao, như món quà quý của thiên nhiên ban tặng.

Trên những bãi đất, từng đàn bò, dê nhởn nhơ gặm cỏ, bên lũ trẻ nhỏ tung tăng nô đùa… Vẻ đẹp bình yên của thiên nhiên và cuộc sống, lao động ở bản Ngòi khiến lòng người tĩnh tại.

Những chàng trai, cô gái Mường ở bản Ngòi đánh cồng chiêng đón du khách.

Sau gần một tiếng đi bộ tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người dân, chúng tôi lại theo những người hướng dẫn và cán bộ địa phương tiến vào các lối đường gồ ghề, lầy bùn đất sau trận mưa đêm trước, để tiếp tục khám phá vẻ đẹp cuốn hút, huyền ảo của hệ thống hang động trong vùng.

Du khách và mọi người trong đoàn không khỏi sững sờ trước các hình khối sinh ra của tạo hóa, với hệ thống nhũ đá, măng đá, cột đá như những tác phẩm điêu khắc đẹp mê hồn.

Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình cho biết: Ẩn trong dãy núi đá vôi là những hang động tuyệt đẹp, trong đó có những hang đã được biết đến từ lâu, như động Hoa Tiên - thắng cảnh đã được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia; và có cả những hang động vừa được phát hiện. Mới đây nhất, hai hang động được nhân dân trong vùng tìm thấy vào tháng 9-2016 và tháng 3-2017, còn chưa kịp đặt tên.

Ấn tượng đặc biệt trong hành trình là khi chúng tôi tới thăm nhà ông Bùi Văn Tân, một trong hai thầy mo của bản Ngòi, cũng là người am hiểu phong tục tập quán của người Mường Ngòi Hoa.

Nghe ông giải thích nội dung các bài mo, các nghi lễ tín ngưỡng và những bài học giáo dục nhiều ý nghĩa từ các phong tục tốt đẹp ấy, mới càng thêm hiểu về đời sống văn hóa của người Mường qua bao thế hệ, thêm trân trọng Mo Mường, một loại hình di sản đặc biệt của Hòa Bình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Tối đến, du khách và mọi người trong đoàn có những trải nghiệm đầy cảm xúc, cùng dân bản Ngòi bên ánh lửa trại, bên ngụm rượu núi và mâm cỗ lá Mường với gà, lợn bản đậm mùi hạt dổi, chén sâm cau thơm ngát, vị nếp nương dẻo ngọt…; để rồi chìm vào giấc ngủ sâu trong ngôi nhà sàn mái cọ nguyên sơ…

“Người đẹp” xứ Mường đang thức giấc

Nằm lọt trong lòng hồ thủy điện sông Đà, ba mặt bao phủ bởi những dãy núi đá vôi, hoàn toàn không có đường bộ đi vào bản, giao thông hạn chế, nên bản Ngòi cũng là một trong những bản Mường nghèo nhất của Hòa Bình.

Dân bản sống thuần nông bằng nghề trồng nương rẫy và đánh bắt thủy sản. Họ đang mong chính sách phát triển du lịch sẽ mang lại nguồn thu ổn định, có cuộc sống tốt hơn.

Bản Ngòi là một trong mười phân khu, điểm du lịch nằm trong Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia lòng hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ năm 2014, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, địa phương, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình đã đầu tư, triển khai dự án đưa bản Ngòi trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng đặc sắc của người Mường.

Đến nay, giai đoạn một của dự án đã hoàn thành, bản Ngòi trở thành điểm đến trong hành trình nối tuyến với các điểm khác, qua tuyến giao thông trên lòng hồ thủy điện, như: thành phố Hòa Bình, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi mới đầu tư vào bản Ngòi, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng cơ sở. Bên cạnh đó, người dân đều là đồng bào Mường, chưa biết đến du lịch, nên phải làm công tác dân vận để họ thay đổi nhận thức, dần giúp họ làm quen những kỹ năng phục vụ khách du lịch, như cách dọn phòng, chế biến đồ ăn…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vũ Duy Bổng cho biết: “Chúng tôi xác định, điều quan trọng nhất là giúp nhân dân địa phương biết giữ gìn, bảo vệ,phát huy các giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống nguyên bản. Như vậy mới có thể tạo nên những khác biệt độc đáo, sức hấp dẫn, để mời gọi du khách đến khám phá, tìm hiểu”.

Đến nay, dù mới có bảy hộ dân liên kết với công ty để tổ chức loại hình du lịch tại cộng đồng (homestay), nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của những người dân xứ Mường. Các hộ dân được công ty cho vay vốn không lấy lãi, để xây dựng cải tạo chỗ ở thành những điểm homestay đạt chuẩn.

Anh Bùi Văn Long, chủ một homestay trong bản Ngòi chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi sống bằng nghề làm nương rẫy, nuôi gà nên bữa đói bữa no. Những ngày mưa gió, muốn sang sông mua bán gì cũng khó. Giờ đây, đã có những đoàn khách du lịch đến với bản làng, góp phần mang lại việc làm, thu nhập cho mọi người. Hy vọng, du lịch sẽ giúp dân bản bớt nghèo”.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Ngọc Lâm cho biết: Các hộ tham gia làm du lịch homestay nơi đây cũng được tỉnh hỗ trợ các vật dụng cần thiết, như chăn, ga, gối, đệm, màn… để hoàn thiện dịch vụ.

Thời gian tới, đường nối từ bản Ngòi, xã Ngòi Hoa tới với xã Ba Khan thuộc huyện Mai Châu cũng được xây dựng, để người dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch.

Bên cạnh các dịch vụ du lịch khám phá hang động, homestay, bản Ngòi còn được đầu tư, phát triển một số dịch vụ dưới lòng hồ, như tàu du lịch tốc độ cao, xe máy nước bơm hơi, thuyền kayak…

Mới đây, Công viên nước bơm hơi đã chính thức được khai trương, đưa vào hoạt động, với hơn 30 cụm trò chơi. Dự kiến, thời gian tới, hệ thống nhà hàng nổi, nhà nghỉ nổi cũng sẽ được hoàn thiện để phục vụ du khách.

Gần đây, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình đã hợp tác Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội để đào tạo 50 thanh niên trong bản học cứu hộ, đào tạo 15 nữ nhân viên buồng phòng. Một lãnh đạo xã cho biết, chừng nào các dịch vụ thật hoàn thiện, người dân trong bản đã nhận thức đủ về lợi ích từ du lịch, thật sự có ý thức trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình để phát triển du lịch bền vững, thì khi đó Ngòi Hoa mới có khả năng đón nhiều khách du lịch.

Nhận xét về điểm đến du lịch bản Ngòi, Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định: Mô hình phát triển du lịch cộng đồng nơi đây đã đi đúng hướng khi chú trọng giải quyết ba vấn đề.

Thứ nhất, xác định được văn hóa bản sắc Mường chính là sức hấp dẫn phải bảo tồn.

Thứ hai, chính quyền và nhân dân đã nhận thức được về việc phát triển du lịch bền vững, không xâm hại môi trường, ngay từ đầu đã có phương án xử lý chất thải, nước thải, giữ gìn vệ sinh nguồn nước phục vụ an ninh năng lượng.

Thứ ba, ngành du lịch đã sớm hỗ trợ kỹ năng làm du lịch và cả kỹ năng cứu hộ cho người dân, giúp họ tự tin khi chính mình là người cung cấp dịch vụ du lịch, hưởng lợi từ du lịch.

Thời gian tới, để Ngòi Hoa trở thành điểm đến được du khách chú ý, cần kết nối nhiều công ty lữ hành và kết nối điểm đến này với nhiều điểm đến khác trong vòng cung đông bắc.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục