Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong những năm qua, kinh tế xã hội nước ta có bước phát triển rất ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng hằng năm liên tục đứng hàng đầu trên thế giới.
-Ông nhà báo nè, sao lúc này báo chí, truyền thông “sính nói ví von” sự kiện thời hiện đại với sự kiện thời xa xưa quá vậy ông?
-Ông nói gì Bàn Dân chưa hiểu kịp?
-Đây, ông xem báo này đăng một cuộc họp với cái tựa đề: “Chính phủ tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” với các doanh nghiệp tư nhân lớn”.
-À, vậy là ông muốn nói đến “Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp nhần phát triển kinh tế xã hội đất nước” mới diễn ra hôm thứ bảy 21.9.2024 chứ gì! Chuyện báo chí có dùng cách nói ví von trong việc đặt tít tin thời sự để hấp dẫn người đọc, kể cũng bình thường thôi, chứ có phải “câu viêu, câu lai” gì mà đâu ông phải nói là “sính” có ý nghĩa như là một sự “thích, chuộng đến mức thái quá” vậy?
-Tại vì tôi nhớ mới hồi tháng trước, khi Chính phủ tổ chức gặp mặt trí thức, chuyên gia người Việt ở nước ngoài báo chí cũng gọi cuộc họp ấy là “Hội nghị Diên Hồng”, tôi có chút “lăn tăn”, không biết sự ví von chuyện ngày nay với sự kiện lịch sử xưa có… khập khiễng không vậy mà!
-Thật ra chuyện người đứng đầu cơ quan hành pháp của cả nước gặp gỡ các trí thức, chuyên gia Việt kiều hôm nọ rồi nay là doanh nhân doanh nghiệp lớn để tham khảo ý kiến, bàn bạc tìm giải pháp phát triển kinh tế xã hội đất nước; suy về mặt “lắng nghe tiếng dân của Nhà nước” thì cũng có thể ví như sự kiện ngày xưa vua nhà Trần xin ý kiến dân “nên hoà hay nên chiến” khi có giặc ngoại bang xâm lăng nước ta, kể cũng đâu phải là “thái quá”!
-Vâng, nghe ông phân tích vậy tôi cảm thấy có khi mình dùng từ “sính” để nói về việc đưa tin ấy mới là hơi… “thái quá”, xin lỗi ông nhen!
-Lỗi phải gì mà xin, nhưng có lẽ Bàn Dân cũng cần hỏi ông, sau khi đọc tin tường thuật về “Hội nghị Diên Hồng” ấy, ông có cảm tưởng như thế nào?
-Rồi, lại bị nhà báo phỏng vấn nữa rồi. Nhưng ông đã hỏi thì tôi cũng phải ráng suy nghĩ mà trả lời thôi. Nói thiệt, do tôi bận lo làm ăn nên ít có theo dõi thời sự phát triển kinh tế đất nước. Nhưng qua đọc các tin bài về hội nghị ấy, tôi cảm thấy hơi bị bất ngờ về sự phát triển phải nói là khá nhanh của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước ta. Tôi không nghĩ là doanh nghiệp tư nhân đóng góp tới gần phân nửa giá trị tổng sản phẩm quốc nội của nước ta. Cụ thể là gần 46% GDP của cả nước…
-Ông có tính ra con số tuyệt đối của tỷ lệ đóng góp ấy không?
-Có chứ, tôi cũng có biết GDP năm 2023 của nước mình lên tới 430 tỷ USD, đưa quy mô nền kinh tế nước nhà lên tới vị trí thứ 34 trên thế giới. Rồi tôi ngồi tính ra được phần kinh tế tư nhân trong nước đóng góp 46% của 430 tỷ là tới gần 198 tỷ USD. Lớn thiệt và phát triển nhanh thiệt đó chớ ông!
-Ông dựa vào đâu mà nói thành phần kinh tế tư nhân “lớn và nhanh” như thế?
-Là vì tôi có tra lại số liệu thống kê của hơn chục năm trước, cụ thể là năm 2012, đúng một “giáp” năm Thìn về trước, năm ấy thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - tổ chức giám sát tài chính toàn cầu của Liên Hợp Quốc ghi nhận GDP của Việt Nam là 192,5 tỷ USD.
Ông thấy đó, phần đóng góp 46% vào GDP năm 2023 của kinh tế tư nhân nước mình đã là 198 tỷ USD, có phải cao hơn GDP cả nước năm 2012 là 4,5 tỷ hay không? Tiếc là tôi không tìm được phần đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP nước ta năm 2012 là bao nhiêu phần trăm nên không tính được sức phát triển của kinh tế tư nhân từ năm ấy đến nay. Nhưng lấy con số giá trị tổng sản phẩm quốc nội của năm 2012 so với 2023 thì sẽ thấy ngay trong chỉ hơn chục năm GDP nước ta đã tăng tới 223%. Thiệt là “quá nhanh” đó chớ ông!
-Vâng, Bàn Dân hoàn toàn đồng ý với ông là trong những năm qua, kinh tế xã hội nước ta có bước phát triển rất ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng hằng năm liên tục đứng hàng đầu trên thế giới, trong thắng lợi chung đó có phần đóng góp của kinh tế tư nhân, mà theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ là “một động lực quan trọng của phát triển kinh tế xã hội đất nước”. Có điều, Bàn Dân xin hỏi ông câu nữa, qua theo dõi cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn, ông có nghe các doanh nhân góp ý gì với Chính phủ không?
-Dĩ nhiên phải có rồi, nếu không sao gọi là “Hội nghị Diên Hồng” được! Tôi thấy các doanh nhân đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng. Chủ yếu là xoay quanh việc “mong Chính phủ tạo các cơ chế chính sách để các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Đặc biệt có một ý kiến mà tôi cảm thấy thể hiện rõ ý chí, quyết tâm của doanh nghiệp trong thời đại 4.0 ngày nay, đó là chuyện doanh nhân “mong Chính phủ có cơ chế giao nhiệm vụ cho các tập đoàn tư nhân phát triển các dự án công nghệ cao, đòi hỏi công nghệ, quản trị tài chính miễn là bảo đảm tuân thủ các quy định, nhất là (các quy định-NV) liên quan an ninh quốc phòng; đào tạo, chuyển giao công nghệ”.
-Bàn Dân nghĩ, điều doanh nghiệp mong muốn, chắc chắn Chính phủ có tính đến. Vấn đề là doanh nhân sẽ biến quyết tâm thành hành động như thế nào.
Bàn Dân