Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Góc nhìn
Ðiểm số, tính trung thực và lòng tự trọng
Thứ hai: 00:01 ngày 28/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người giáo viên khi trung thực sẽ dạy thật, kiểm tra, đánh giá thật; điểm của học sinh là điểm thực chất, giúp các em thấy được ưu điểm và hạn chế của mình để phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém, cố gắng phấn đấu học ngày càng tiến bộ.

Học sinh Trường tiểu học Phước Ninh B say sưa đọc sách tại thư viện trường. (Ảnh: Phương Thuý)

Gia đình em tôi liên tiếp nhận được “quả đắng” về chuyện học hành của con cái. Năm 2018, cô con gái trượt tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm nay, cậu quý tử lại không thi đậu vào lớp 10 trường đã đăng ký. Vợ chồng em tôi rất quan tâm đến việc học hành của con, đầu tư khá bài bản, quan hệ tốt với nhà trường và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn.

Ðiều đáng trách là mỗi lần tôi góp ý với chuyện học hành của các cháu, chúng nó cứ “khoe” điểm của mấy đứa nhỏ rất cao, năm nào cũng là học sinh tiên tiến. Tôi bảo điểm số ở trường không phản ánh đúng toàn bộ học lực- nhất là trong môi trường giáo dục chưa toàn diện, chưa động viên được những khả năng, tiềm lực của mỗi học sinh... Muốn có điểm số chính xác, tin cậy, cần tính trung thực và lòng tự trọng của ngành Giáo dục, mà giáo viên là người trực tiếp chịu trách nhiệm.

Ðiểm là kết quả của kiểm tra, đánh giá, là thước đo mức độ học tập của học sinh. Hiện nay, điểm của mỗi học sinh trong từng học kỳ là điểm trung bình cộng của điểm kiểm tra thường xuyên (hệ số 1, có thể là kiểm tra miệng, viết (15 phút), thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập...), điểm kiểm tra giữa kỳ (1, 2 tiết, hệ số 2) và kiểm tra cuối kỳ (thi học kỳ, hệ số 3).

Ðiểm cả năm là điểm trung bình cộng của  hai học kỳ. Theo quy chế, việc kiểm tra không chỉ dừng lại ở yêu cầu tái hiện kiến thức mà còn chú ý đúng mức kiểm tra năng lực độc lập, sáng tạo của học sinh. Nội dung kiểm tra phải bảo đảm tính toàn diện đồng thời chú ý đến tính phổ thông, đại trà và tính phân hoá trong học tập của học sinh.

Trước đây, quan niệm về đánh giá còn phiến diện, giáo viên giữ vị trí độc quyền đánh giá, còn học sinh là đối tượng được đánh giá. Ngày nay, khi coi việc rèn luyện phương pháp tự học cho người học là một trong những mục tiêu dạy học, thì yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh kỹ năng tự đánh giá, tạo điều kiện cho học sinh tham gia đánh giá, cho phép các em tự chấm bài của mình, của bạn.

Qua điểm số của kiểm tra, đánh giá, học sinh biết được những điều mình đã đạt được và những điều hạn chế để tự điều chỉnh quá trình học tập; giáo viên biết được chất lượng giảng dạy để phát huy mặt mạnh, khắc phục những thiếu sót; các cấp quản lý giáo dục biết được chất lượng dạy học của từng giáo viên, từng học sinh, từng lớp và của đơn vị mình để kịp có những biện pháp, sự uốn nắn, điều chỉnh cần thiết, kịp thời để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đã và đang xảy ra thực trạng “lạm phát điểm”. Ðiển hình như trường hợp học bạ của 1.000 ứng viên lớp 5 lên lớp 6 vào Trường Hà Nội - Amsterdam toàn điểm 10 của tất cả các môn học (Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Khoa học); 100% học sinh một lớp 9, Trường THCS Ðoàn Thị Ðiểm, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ có điểm tổng kết từ 9,8 trở lên; điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ kỳ thi THPT 2020 ở một số tỉnh, thành chênh nhau tới gần 2 điểm và sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp toàn giỏi, xuất sắc...

Không biết tự bao giờ, điểm số của học sinh, sinh viên đã không còn là thước đo đáng tin cậy để đánh giá chất lượng học tập, đào tạo. Nguyên nhân của thực trạng này được lý giải bằng nhiều cách khác nhau.

Nhưng “điểm ảo, kết quả ảo” dẫn đến việc học sinh ảo tưởng, lơ là học tập, đánh mất niềm tin, tác động tiêu cực đến việc hình thành, phát triển nhân cách, phẩm chất của học sinh, gây hệ luỵ lâu dài đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Chính vì thế, định hướng của việc thay sách giáo khoa để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra trong giai đoạn phát triển mới phải là một nền giáo dục thực học và dân chủ để thực nghiệp. Muốn đạt được mục tiêu đó cần phải làm lại từ gốc: thực dạy, thực học và thực chất trong kiểm tra, đánh giá để có được kết quả chính xác, tin cậy.

Mục tiêu của giáo dục là hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết cho người học, trong đó, phẩm chất trung thực được xem là căn cốt, làm cơ sở tiền đề cho những phẩm chất khác. Trung thực trong nhận thức, suy nghĩ, hành động, quan hệ ứng xử; trung thực trong học tập, thi cử, lao động; trung thực với bạn bè, thầy cô, tập thể, tổ chức, với chính bản thân mình để khi trưởng thành là tấm gương sáng về tính trung thực trong công việc, phụng sự gia đình, quê hương, đất nước.

Muốn học sinh trung thực, giáo viên phải là tấm gương về lòng trung thực. Làm nghề dạy học, tính trung thực là quan trọng. Làm thế nào để giữ được lòng mình, không để tâm nghiêng ngả với những khen chê của người khác.

Người giáo viên khi trung thực sẽ dạy thật, kiểm tra, đánh giá thật; điểm của học sinh là điểm thực chất, giúp các em thấy được ưu điểm và hạn chế của mình để phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém, cố gắng phấn đấu học ngày càng tiến bộ.

Ðể có được tính trung thực là không dễ, nhưng cũng không quá khó nếu như mỗi người có quyết tâm và lòng tự trọng. Ðối với người có lòng tự trọng, công việc, trách nhiệm luôn đồng hành với danh dự, không bao giờ đánh đổi danh dự, không muốn đánh mất sự tôn trọng của người khác.

Biết rằng việc kiểm tra, đánh giá và điểm số của học sinh, người giáo viên phải chịu rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, đối với giáo viên có lòng tự trọng, họ sẽ làm cho lãnh đạo thấy được hậu quả của bệnh thành tích, của “lạm phát điểm”; sẽ không nao núng trước sự “cuồng điểm” của một bộ phận phụ huynh luôn muốn con có điểm số cao, nếu không đáp ứng thì họ chất vấn, khiếu nại, kiện tụng...

Giáo viên cũng đừng đánh mất mình liên quan đến việc dạy thêm, quà cáp... của phụ huynh; lo trọn gói khi phụ huynh gửi gắm, cho điểm cao để giữ chân học sinh, cho điểm kém vì học sinh không học thêm với mình. Những giáo viên giữ được lòng tự trọng khiến tâm hồn thanh thản và sẽ nhận được sự nể phục, thương yêu và kính trọng của học sinh, xứng đáng là những “kỹ sư tâm hồn”.

D.M

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục