Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Không có HĐND sẽ mất đi công cụ pháp lý hữu hiệu”
Thứ hai: 12:00 ngày 24/11/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đa số các ý kiến của ĐBQH đều cho rằng, cần phải duy trì mô hình HĐND ở các cấp để thực hiện quyền giám sát của nhân dân.

Thảo luận về Luật tổ chức chính quyền địa phương sáng 24-11, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhất trí để tồn tại HĐND các cấp. Ông cho rằng nếu bỏ HĐND thì chính quyền không còn của dân, không do dân ở cấp độ địa phương nữa. Mặt khác tính hợp pháp của chính sách cũng giảm theo, từ đó dễ phát sinh tiêu cực hơn.

Đa số các ĐBQH đều tán thành với việc duy trì HĐND các cấp trước đây.
 
“Ở đâu có UBND mà không có HĐND thì sẽ mất đi một công cụ pháp lý hữu hiệu. Nếu không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường thì tính đại diện của cử tri sẽ thế nào? Việc quyết định các vấn đề của địa phương có đảm bảo tính dân chủ không?” – ông Vinh nêu.
 
Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cũng ủng hộ phương án duy trì cả UBND và HĐND các cấp. Ông Diệu cho rằng, điều này sẽ đảm bảo mục tiêu ở đâu có quyền lực, ở đó có sự giám sát quyền lực của nhân dân. Tuy nhiên ông cũng đề nghị cần phải nghiên cứu để làm rõ hơn sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn.
 
Đề nghị nên thực hiện theo Hiến pháp, duy trì đơn vị hành chính ở 3 cấp, đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) nhấn mạnh rằng không thể cắt bỏ HĐND các cấp, vì làm vậy sẽ không đem lại lợi ích gì cho dân, cho nước mà chỉ mất đi một “công cụ quan trọng” góp phần xây dựng bộ máy nhà nước tốt hơn. 
 
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cũng cho rằng, HĐND ở địa phương chính là đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân ở địa phương nên phải duy trì.
 
Cho rằng việc thí điểm mô hình bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường chưa đủ sức thuyết phục, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị nên áp dụng phương án duy trì HĐND các cấp. Theo đại biểu sự khác nhau của chính quyền đô thị và địa phương do đặc điểm kinh tế nên phương thức khác nhau, nhưng tính nhân dân thì không thay đổi. Đại biểu đề nghị phải làm sâu sắc thêm tính nhân dân, không nên vì quá đề cao vai trò của chính quyền mà làm phai mờ tính nhân dân.
 
Cũng thán thành theo phương án mà đa số đại biểu đồng tình, vì phương án này toát lên được tinh thần Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, không thể có chuyện có UBND mà lại không có HĐND.
 
“Thí điểm không tổ chức HĐND khá kỳ lạ và diễn ra quá dài. Không tổ chức HĐND quận, huyện, phường là tốt, là hay? Tôi cho không phải. Đừng bao giờ quên HĐND là thành quả của nền dân chủ mà tất cả các nước làm. Nhiều nước thậm chí còn chuẩn bị làm nhưng chúng ta lại muốn bỏ”. Đại biểu Sơn đề nghị lần thảo luận này là lúc tuyên bố chấm dứt thí điểm và không cần tổng kết nữa.
 
Ở góc độ khác, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) thì cho rằng mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở cả 2 phương án dự thảo đưa ra đều chưa thuyết phục, chưa làm rõ được những ưu thế và bất cập của từng phương án, dễ gây tranh cãi vì khó phân định được. Đề nghị cần phân biệt rõ hơn mô hình chính quyền địa phương các cấp. Đại biểu Thủy cho rằng, không thể quy định nơi thì có nơi thì không có HĐND.
 
Là một trong số ít đại biểu đề nghị bỏ mô hình HĐND như đang thực hiện thí điểm, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng: “Tôi không coi nhẹ HĐND mà chỉ nghiêng về phương án chỉ duy nhất có 1 cấp chính quyền ở địa phương” – đại biểu Hoàng nói.
Nguồn Infonet
Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục