Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Kỹ sư” chân đất
Chủ nhật: 19:44 ngày 29/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Không có bằng kỹ sư cơ khí, chưa qua bất kỳ lớp đào tạo nào, nhưng ông lại là tác giả của hơn chục chiếc máy phục vụ cho nông nghiệp. Vừa qua, ông được UBND tỉnh đề nghị Chủ tịch nước khen tặng Huân chương lao động hạng Ba.

Ông chính là lão nông Lê Văn Hường ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu.

Ông Hường nghiên cứu, điều chỉnh máy nhổ và lặt đậu phộng.

Hai năm nữa, ông Hường bước vào tuổi 70. Tuổi già, nhưng niềm đam mê chế tạo máy trong ông chưa bao giờ tắt. Hằng ngày, ông vẫn bận bịu bên “xưởng cơ khí” với đủ sắt thép, động cơ và hơn chục chiếc máy được ông làm ra để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Hường gắn bó với nghề cơ khí trên 30 năm. Ông kể, trước kia, trong giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam, ông từng là thợ cơ khí trong quân đội. Khi chiến tranh kết thúc, ông về quê tiếp tục công việc sửa chữa máy móc của mình. Do nhà nằm sâu giữa đồng ruộng, nên ông chủ yếu đi sửa dạo chứ không mở tiệm tại nhà. Được một thời gian, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc sửa máy không ổn định, ông nghĩ đến việc chế tạo máy phục vụ nông nghiệp.  

Cũng là người nông dân, cũng sống nhờ vào thửa ruộng, vườn cây, nên ông Hường hiểu được nỗi vất vả của người làm nông khi chi phí đầu tư cao, lợi nhuận không nhiều. Vì vậy, mỗi chiếc máy chế tạo ra, đưa vào hoạt động giúp giảm vốn cho người dân là niềm vui, mong mỏi lớn nhất của ông.

Những năm đầu thập niên 80, các giống lúa thường cấy, thân khá cao, khi cắt xong để lại phần rạ rất khó cho việc cày xới đất. Thấy bà con phải mướn người dọn ruộng vất vả nhưng năng suất thấp, ông Hường mày mò tìm hiểu và chế tạo được chiếc máy đầu tiên: máy cắt gốc rạ. Tiếp sau đó, ông lại cho ra đời hàng loạt các máy khác như máy rọc hàng, máy bón phân cho bắp, thuốc lá. Mỗi chiếc máy ông tạo ra đều được người nông dân hân hoan đón nhận.

“Với chiếc máy chày lỗ gieo hạt đậu phộng, chi phí chế tạo thấp, chỉ khoảng 10 triệu đồng, nhưng hiệu quả cao. Trung bình mỗi ngày, một máy có thể tỉa được 3 ha đậu, tiết kiệm được 30-40% so với thuê nhân công cuốc lỗ tỉa. Thêm phần nữa, tỉa bằng máy, độ sâu và khoảng cách giữa các lỗ đều nhau, giúp cây nảy mầm đồng đều, dễ cho chăm sóc”, ông Hường giới thiệu về chiếc máy gieo đậu phộng.

Đặc biệt, năm 2013, ông chế tạo thành công máy đào lỗ và trồng mì, một số cây trồng khác, trong đó có thể dùng để trồng thuốc lá. Chính ứng dụng này, nhiều người nông dân ở huyện Bến Cầu tìm mua.

Ông Hường bên chiếc máy bỏ hạt đậu phộng.

Tuyệt vời hơn, chiếc máy do ông chế tạo còn được “xuất ngoại” sang Lào. “Hôm đó tôi đang trình diễn hướng dẫn cho bà con ở huyện Bến Cầu cách sử dụng máy trồng thuốc lá, tình cờ một người của công ty ở Lào đi ngang thấy được, sau đó họ tìm đến đặt mua 3 máy. Tôi cũng đã sang tận Lào một tuần lễ để hướng dẫn họ cách sử dụng”, ông Hường kể lại.

Cả hai chiếc máy gieo hạt đậu phộng và đào lỗ trồng mì, cây trồng khác đã được ghi nhận tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh lần thứ 9 (2014-2015). Đây là động lực để ông Hường tiếp tục với đam mê của mình.

Năm 2017, ông cho ra đời một bộ gieo hạt đậu phộng gồm 3 máy: gieo hạt, cắt hàng và lắp hạt. Bộ máy này có thể tiết kiệm bình quân 1 triệu đồng/ha so với gieo hạt bằng tay. Trong vụ đậu Đông Xuân năm ngoái, ông Hường đã nhận phục vụ trên 115 ha, tiết kiệm trên 100 triệu đồng cho người nông dân.

Truông Mít là một trong những xã có diện tích trồng cây đậu phộng nhiều nhất của tỉnh. Tuy nhiên, so với các loại cây trồng khác, đậu phộng tốn khá nhiều công chăm sóc, đặc biệt là khâu thu hoạch. Đậu đã nhổ phải lặt ngay, nếu để lâu sẽ bị khô, rụng và mất năng suất.

“Có khi công lặt hôm trước ra giá 35 ngàn đồng/giạ, hôm sau quay lại đã lên 40 ngàn đồng. Mình không thuê, họ bỏ đi, đậu nhổ rồi bỏ đó sao được, nên giá nào cũng phải chấp nhận. Nếu có được cái máy lặt đậu thì khỏe, chứ giờ công cán ngán lắm”, ông Nguyễn Văn Sanh, nông dân ở ấp Thuận Bình, Truông Mít cho biết. 

Đó cũng là lý do mà hai năm nay, ông Hường dồn hết tâm huyết vào nghiên cứu máy nhổ và lặt đậu phộng. Ông cho biết, hiện nay trên thị trường đã có máy lặt đậu nhưng dây đậu sau khi đưa vào máy sẽ bị nghiền nát ra.

“Ở Tây Ninh, dân mình rất cần mua dây đậu để phủ gốc cây mãng cầu, cao su… Do đó, tôi chế tạo máy theo cơ chế hoạt động giống như lặt thủ công, nghĩa là vẫn giữ nguyên phần dây đậu. Hiện tại máy nhổ đạt 90%, nhưng còn công đoạn lặt đậu mới được chừng 50%, tôi đang điều chỉnh lại cho đạt để vụ đậu năm sau có thể chạy phục vụ cho bà con”, ông Hường nói.

N.D

Tin cùng chuyên mục