Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Kỳ tích” ở Tà Păng
Thứ tư: 05:30 ngày 02/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một tấm ảnh chụp cho thấy nhà báo Úc Bớt-set, trưởng phái đoàn điều tra tội ác chiến tranh của toà án quốc tế Bruxelles cũng đến xã Tà Păng vào năm 1969. Như thế, liệu có thế gọi Phước Vinh cũng là một “thủ đô gió ngàn” của cách mạng miền Nam?

Nhà bia liệt sĩ Phước Vinh.

Tên gọi đầy đủ của xã Tà Păng là Tapan Brosroc. Từ điển Hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư (Nxb Chính Trị Quốc Gia 2008), trang 947 có mục từ này- “Làng thuộc tổng Tabelyul, hạt thanh tra Tây Ninh từ sau 1862… Sau 1956 giải thể”.

Câu cuối có lẽ nhầm! Vì cả hai mục từ Châu Thành (trang 300) và Phước Vinh (trang 892) đều viết rằng tổng Tabelyul sau đổi thành Chơn Bà Đen; đến 1958, chính quyền Sài Gòn mới đổi tên xã Tapan Brosroc thành xã Phước Vinh thuộc tổng Phước Hưng.

Từ năm 1959 lại đổi sang thuộc quận Phú Khương. Đấy là về phía chính quyền thực dân và Sài Gòn. Còn chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn giữ những tên riêng.

Sách Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh do Đảng uỷ xã và Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh Tây Ninh xuất bản năm 1985 có viết: “Sau cách mạng tháng 8.1945, phần đất các xóm Vịnh cũ và Tà Păng Prosoc vẫn còn thuộc về xã Hảo Đước đến tháng 4.1949, tỉnh thành lập huyện Khăng Xuyên gồm 3 xã… xã ta được lấy tên Khăng Xuyên Bắc… Về sau thành lập Ban Cán sự biên giới bỏ huyện Khăng Xuyên. Xã ta thành xã Khăng Xuyên thuộc huyện Châu Thành cho đến hết kháng chiến chống Pháp. Đầu kháng Mỹ (1954) nguỵ quyền lấy lại tên xã cũ Tà Păng Prosoc. Ta lấy tên xã Tà Păng… và giữ tên này đến hết kháng Mỹ…”.

Đấy là lý do để thầy trò Trường Hoàng Lê Kha thời kháng chiến ấy ai cũng nhớ Tà Păng. Vị trí đầu tiên của nhà trường năm xưa (1962) vẫn còn đây, nay là Trường THCS ấp Phước Lợi, chỉ cách bến nước Băng Dung vài trăm mét.

Đối diện trường qua con đường trục liên ấp là ngôi trường mẫu giáo quy mô khá nhỏ. Sau trường này có một nhà dân, chủ nhà là một phụ nữ trung niên, bà vẫn nhớ ngôi Trường Hoàng Lê Kha đầu tiên chỉ mấy túp lều lợp lá.

Ngay từ năm 1985, khi tàn tích chiến tranh biên giới vẫn còn nham nhở đất quê hương thì người Phước Vinh đã viết cho mình một cuốn sử địa phương (sau đây gọi tắt là sách Truyền thống xã).

Xin bái phục những người viết sử ngày xưa, trong đó có Ban Tổng kết chiến tranh với các biên tập viên như Trương Minh Hiếu, Đăng Huy, Lương Hoài Vũ. Nhân chứng sống còn nhiều, miền đất còn biết bao dấu tích. Nên những trang viết cũng còn nóng rực không khí của một thời kháng chiến.

Những đề mục rất nên thơ. Như: “Mưu giặc hiểm sâu, mở đầu kháng chiến (1945-1954)”; Dừng chân tại chỗ, củng cố xóm thôn”; “Mưu trí đấu tranh, quyết giành thắng lợi” v.v…và v.v. Sách ấy đưa ta trở về với Phước Vinh - Tà Păng Prosoc ngày xưa với “rừng bạc, suối vàng”. Nào: “gỗ quý… nhiều đến mức thành rừng huỷnh, rừng huỳnh, rừng dầu, rừng giáng hương… Thú rừng đủ loại từ voi, cọp, hươu nai, bò rừng, mễn, nhím, cheo, kỳ đà, cá sấu… từng đôi chim công, tố hộ vươn cánh xoè đuôi nhảy múa sau một ngày kiếm ăn trở về tổ ấm. Ôi, cảnh đẹp của thiên nhiên Phước Vinh trước đây như vậy đó! Nhưng từ khi bị bom đạn, chất độc hoá học của giặc Mỹ huỷ diệt thì cảnh ấy nay chỉ còn một phần 10…”.

Ánh sáng cách mạng của Đảng đã tới đây từ năm 1941, đến 1944 thì có nhóm Đảng đầu tiên hoạt động giữa vùng xóm Vịnh. Thời chống Pháp, Phước Vinh là nơi đứng chân của bộ đội Si-vô-tha và bộ đội Pô-kum-pô.

Ông Ngô Thất Sơn chỉ huy Si-vô-tha bị giặc Pháp truy lùng và bắt được ở cù lao Rừng Huỳnh, nay là ấp Phước Thạnh. Còn nơi sau này là ngôi trường cách mạng đầu tiên mang tên Hoàng Lê Kha là Chót-lô-viêng thì nay là Phước Lộc.

Ấp này thời kháng chiến từng mang tên liệt sĩ Nguyễn Đức Cơ, do ông đã thiết kế và xây dựng ấp chiến đấu, mô hình đánh giặc hiệu quả tại Phước Vinh. Còn biết bao câu chuyện anh dũng và đau thương xảy ra trên miền đất này suốt hai mùa kháng chiến; mùa nào thì quân giặc cũng trút đạn bom huỷ diệt thành vùng trắng. Vậy chỉ xin nhắc lại về những kỳ tích của con người và miến đất Phước Vinh.

Thứ nhất: Tà Păng- Khăng Xuyên là tỉnh lỵ của Gia Ninh thời kháng chiến chống Pháp.

Sách chép: “Khoảng tháng 3.1952, Tỉnh uỷ Gia Ninh cùng các cơ quan chuyển lên xã Khăng Xuyên, Ban Xây dựng và bảo vệ căn cứ bố trí địa điểm đóng của các đơn vị:

+ Tỉnh đội đóng tại rừng Bàu Hang.

+ Tỉnh uỷ, Uỷ ban và Mặt trận tỉnh đóng ở rừng cặp nhánh phía Tây suối Tổng Du (cụm nhà ông Phượng).

+ Bộ phận quân trang Tỉnh đội đóng ở bàu Ông Cả..”. Trước đó từng có một sự kiện quan trọng: “tháng 6.1951, Huyện uỷ Châu Thành tổ chức chuyển 53 gia đình từ Tam Long Ninh Điền lên Khăng Xuyên Bắc” (sau là xã Khăng Xuyên; từ năm 1948 đây cũng là căn cứ địa của nhiều đơn vị dân chính và võ trang tỉnh, huyện). Sau lũ Nhâm Thìn 1952, lực lượng miền Đông cũng lấy Trảng Cồng làm cứ tăng gia. Từ đây bài hát “Lên ngàn” được sinh ra bởi tài năng của nhạc sĩ Hoàng Việt.

Ngày nay, có những bến sông đẹp nhưng buồn vì thưa vắng người đi như bến Lon, Băng Dung, Trung Dân… Nhưng đã có một thời chúng từng dội vang câu hò câu hát dân công tải gạo từ miền Tây lên, nuôi quân đánh giặc. Sách viết: “Anh chị em rất hăng hái băng rừng, vượt đồng “chó ngáp” xuống lấy gạo Đồng Tháp… một hột gạo là một giọt mồ hôi, một giọt máu đã đổ ra đem về nuôi quân dân Tây Ninh ở hậu cứ…”.

Thứ hai: Thủ đô gió ngàn thời chống Mỹ.

Năm 1963, xã Tà Păng được chọn làm “điểm đầu tiên xây dựng chính quyền quá độ. Đây cũng là thí điểm đầu tiên của Trung ương… Các đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Bạch Đằng về nói chuyện, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Phước Vinh phải sáng suốt chọn lựa bầu cử HĐND xã và thành lập chính quyền quá độ kiểu mẫu cho toàn huyện… Chào mừng sự kiện này, quân dân Phước Vinh đã đào hẳn một con kênh dài 3.800m, rộng trên mặt 4m, đáy 1,5m và sâu 2m… để thoát nước phèn cho vùng đất 800 ha ở đây cấy được lúa…”.

Đây quả là một kỳ tích của Phước Vinh thời chống Mỹ. Trong tỉnh Tây Ninh, những năm chiến tranh có nơi nào làm được thế này không? Kênh ôm lấy khu Rừng Huỳnh, thoát nước hai đầu ra sông Vàm Cỏ.

Từ đây, Rừng Huỳnh gắn thêm hai tiếng cù lao. Vào tháng 6.2017, con kênh kháng chiến ấy vẫn còn, nước đỏ hồng hào chảy giữa đôi bờ thảm xanh vụ lúa Hè Thu đang kỳ “con gái”.

Cho đến nay, đấy vẫn là một trong hai dòng kênh xả của Phước Vinh, tháu chua rửa mặn cho hàng ngàn ha. Quý hiếm vậy, nên người dân xã vẫn luôn bồi đắp, giữ gìn để đến nay con kênh mở rộng ra đến hơn 10 mét. Trên bản đồ quy hoạch xã, vẽ một vòng cung duyên dáng trên đất ấp Phước Thạnh, ở ngay gần bến Băng Dung.

Người trực tiếp đào kênh vẫn còn đến hôm nay là ông Phan Văn Soái, 75 tuổi. Ông từng là Bí thư Xã đoàn, rồi Phó Bí thư Huyện đoàn Châu Thành. Nhớ lại, ông bảo, có ngày một người đào được “5 thước tới”, tính ra là khoảng 20 mét khối.

Bên kia sông Vịnh ở An Cơ, Hảo Đước hay hầu khắp đất Tây Ninh, nước Lòng Hồ đã về lai láng nhưng bên này nước Lòng Hồ mới về từ độ 5 năm nay, tưới cho khoảng một nửa đất canh tác xã Phước Vinh.

Miền đất này cũng là nơi đóng quân của nhiều cơ quan đơn vị thuộc Trung ương Cục. Tuyên huấn Miền đóng ở khu bàu Rau Muống. Quân lực và binh vận Miền đóng ở bàu Cỏ Sả. An ninh Miền đóng ở Nàng Rà. Quân y Miền đóng ở Bàu Phèn. Hậu cần Miền ở Chót-lô-viêng.

Rồi Ban Sản xuất, Giao bưu Miền, Y 4 Sài Gòn- Gia Định cũng chọn nơi đây làm căn cứ. Thuộc Tỉnh uỷ Tây Ninh, ngoài Trường Hoàng Lê Kha, còn có Trường Đảng tỉnh ở bến Cây Sao. Chính tại đây vào tháng 5.1965, Đại hội Đảng bộ tỉnh được tổ chức thành công. Ông Nguyễn Văn Tốt (Hai Bình) được bầu là Bí thư Tỉnh uỷ.

Chính quyền cách mạng kiểu mẫu, nơi đây lại là hậu cứ của nhiều cơ quan chỉ đạo cách mạng toàn Miền; nên Phước Vinh cũng là nơi được nhiều phái đoàn quốc tế đến thăm như một vùng giải phóng điển hình thời kháng chiến chống Mỹ.

Sách ghi: “Cuối năm 1964… nhiều phái đoàn quốc tế đến thăm:- Đoàn Ba Lan, có chị Mô-Ni-Ca; đoàn Cu Ba, có hai thanh niên; Đoàn Trung Quốc, có hai thanh niên; Đoàn Mông Cổ, có một thanh niên và một phụ nữ; Đoàn Pháp, có chị Ma-đơ-len-Rip-phô…”.

Một tấm ảnh chụp cho thấy nhà báo Úc Bớt-set, trưởng phái đoàn điều tra tội ác chiến tranh của toà án quốc tế Bruxelles cũng đến xã Tà Păng vào năm 1969. Như thế, liệu có thế gọi Phước Vinh cũng là một “thủ đô gió ngàn” của cách mạng miền Nam?

Đi giữa miên man những cánh rừng cao su ấp 1, hay giữa mênh mông thảm lúa vàng đôi bờ con kênh “kháng chiến” và cả những con đường khấp khểnh đang làm, nối ấp Phước Thạnh sang Phước Lộc; chợt nhớ Phước Vinh còn nghèo hơn nhiều xã bạn. Xã vẫn còn tới 180 hộ nghèo và 111 hộ cận nghèo, chiếm hơn 8% trong tổng số 3.418 hộ dân.

Nhưng sự thật là miền đất này vẫn vô cùng giàu có. Về thiên nhiên, còn “rừng bạc, suối vàng”; về lịch sử, vô vàn kỳ tích suốt nhiều thời kháng chiến chống xâm lăng. Vậy mà lạ thay, cho đến giờ vẫn chưa thấy một dấu mốc ghi nhận nào trên mặt đất.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục