Y tế - Sức khỏe   Sức khỏe - Đời sống

BAOTAYNINH.VN trên Google News

​Lợi ích của những gia vị thân thuộc 

Cập nhật ngày: 23/01/2017 - 10:56

Trong tự nhiên, gia vị vô cùng đa dạng và phong phú, chúng có thể có nguồn gốc từ thực vật, động vật, vi sinh hay hợp chất vô cơ, hữu cơ.

Gia vị là nguyên liệu rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên hương vị đặc trưng cho các món ăn. Những lúc cơ thể mệt mỏi, biếng ăn, gia vị trong món ăn có thể khiến ta có lại cảm giác thèm ăn. Sử dụng gia vị một cách thông minh trong các bữa ăn hàng ngày không những đem lại vị thơm ngon hấp dẫn cho món ăn mà còn có nhiều lợi ích với sức khỏe.

Nghệ

Nghệ là một gia vị tạo màu, đồng thời mang hương vị đặc biệt cho nhiều món ăn Việt Nam. Trong các món bánh xèo, bánh khoái, người ta sử dụng nghệ để làm màu cho bánh. Nghệ còn được dùng trong các món cà bung, ốc bung hoặc ướp vào cá… 

Các nhà khoa học đã khám phá ra hoạt chất tạo nên màu vàng và đem lại tác dụng của nghệ vàng là tinh chất Curcumin. Tinh chất Curcumin được thừa nhận rộng rãi trên toàn cầu như là một “loại thuốc kỳ diệu của tương lai” vì có hoạt chất chống viêm và chống oxy hóa vượt trội, chữa được nhiều loại bệnh như viêm khớp, rối loạn tiêu hóa, chống lại các vi khuẩn sống ký sinh trong ruột, giảm hàm lượng cholesterol trong máu, lưu thông lọc máu, giải độc gan, mau lành vết thương, liền sẹo, giảm nguy cơ nhiễm trùng, hen suyễn, các bệnh ngoài da, hiệu nghiệm nhất là đau bao tử, viêm loét dạ dày.

Phụ nữ mang thai và sau sinh nên sử dụng nghệ vì nghệ có công dụng phòng ngừa ung thư vú giúp co bóp tử cung, làm sạch khí huyết ứ và đau bụng sau sinh, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm. Củ nghệ còn giúp làm đẹp một cách kỳ diệu, bởi trong nghệ có chất chống ôxy hóa, chống lão hóa, giảm các nếp nhăn, chậm hình thành các nếp nhăn mới, ngăn ngừa mụn làm cho da dẻ hồng hào trắng mịn. Đặc biệt, theo nghiên cứu gần đây, dùng nghệ thường xuyên sẽ ngăn ngừa béo phì ở độ tuổi trung niên. Những vết thương vừa liền da dùng củ nghệ tươi bôi vào làm liền da và vết thương mờ dần vết sẹo.

Gừng

Gừng có vị cay, thơm, là một loại gia vị phổ biến được sử dụng trong chế biến những món ăn có thịt gia cầm vì gừng giúp làm mềm thịt và thêm hương vị vào món ăn.

Gừng có thể dùng để chế biến nước chấm ăn với ốc, thịt vịt, dùng nấu phở bò có tác dụng khử mùi hôi của bò, dùng với cháo cá, cháo lòng, hoặc trong món chè trôi nước… 

Trong củ gừng có trên 400 chất khác nhau, bao gồm tinh dầu, chất béo, các vitamin B1, B2, B6, C và nhiều chất khoáng như kali, canxi, sắt, kẽm... 

Gừng giúp ngăn chặn sự tạo thành cục máu đông, nhờ đó có thể ngăn ngừa chứng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. 

Gừng ngăn cản sự tăng cholesterol trong máu, có tác dụng với các bệnh tăng mỡ máu, nhiễm mỡ gan, huyết áp cao. 

Gừng giúp cho hệ thống miễn dịch làm việc có hiệu quả, tăng khả năng chống lạnh, chịu lạnh và hạn chế các bệnh viêm nhiễm. Ức chế thần kinh trung ương, ức chế hoạt tính của histamin, dẫn đến giảm co thắt cơ trơn, giảm cơn dị ứng. Do đó, gừng có tác dụng tốt trong việc chữa nôn mửa (do thai nghén, say tàu xe hay do hóa trị, xạ trị) mà không gây phản ứng phụ như các thuốc chống nôn hóa dược.

Đồng thời, gừng còn giúp hệ thống tiêu hóa làm việc tốt hơn nhờ khả năng kích thích tiết nước bọt, dịch mật, kích thích sự vận chuyển trong đường tiêu hóa. Gừng cũng làm giảm bài tiết dịch vị, ức chế sự co bóp dạ dày, ức chế sự phát triển của các loại vi trùng gây bệnh dạ dày. 

Gừng được dùng để điều trị có hiệu quả các chấn thương phần mềm (thuốc đắp và uống) như bong gân, hen, ho lâu không khỏi, đau răng, thấp khớp. Ngoài ra, gừng còn có tác dụng phòng sỏi mật, phòng chống các bệnh ung thư, chống lão hóa, giảm sốt, điều hòa thân nhiệt, giúp ra mồ hôi, chống nhiễm độc gan do thuốc và hóa chất. 

Tỏi

Tỏi là gia vị được ưa dùng trong các loại nước chấm, xào, nấu, ngâm chua, ăn sống. Tỏi không chỉ là một gia vị, mà còn là “vị thuốc”. Trong thành phần của tỏi có rất nhiều các hoạt chất chứa lưu huỳnh như thiosulfinate (allicin), diallyl disulfide và allylpropyl disulfide. Những hoạt chất này được cho là có vai trò quyết định tạo ra mùi thơm và các tác dụng dược lý của tỏi, trong đó, quan trọng nhất là vai trò của allicin. 

Điều đáng lưu ý là các hoạt chất này chỉ được hoạt hoá khi củ tỏi được đập dập, nghiền nát hoặc nhai. Do đó, khi sử dụng tỏi với mục đích y học, không nên để nguyên củ mà cần nhai hoặc nghiền nát và nên ăn sống vì tỏi nấu chín sẽ bị giảm tác dụng. 

Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D, PP, hiđrát cacbon, polisaccarit, inulin, fitoxterin và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể như: iốt, canxi, phốt pho, magiê, các nguyên tố vi lượng.

Tỏi đã được khoa học chứng minh là có tác dụng hạ mỡ máu, hạ huyết áp và giảm ngưng tập tiểu cầu ở người lớn, từ đó góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim... 

Những hợp chất sulfur của tỏi còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư vòm họng. Tỏi cũng có khả năng kháng lại nhiều chủng vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng. Trong y học cổ truyền của nhiều dân tộc, tỏi thường được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở đường tiêu hoá, hô hấp và ngoài da. Khoảng 1 hoặc 2 tép tỏi mỗi ngày là liều lượng phổ biến và rất tốt cho sức khỏe.

Sả

Sả có nhiều tinh dầu thơm, là gia vị rất thông dụng để ăn tươi, ướp thịt cá, chế biến các món ăn. Một số nghiên cứu cho thấy, mỗi 100g sả chứa đến 24,205 microgam beta-carotene - những chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể giúp ngăn ngừa ung thư. 

Trà từ cây sả và tinh dầu sả có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa kém, ăn chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn, nôn mửa, hay kích thích trung tiện, đau dạ dày, nóng trong, co thắt ruột, tiêu chảy. 

Sả cũng có tác dụng giải độc cơ thể bằng cách tăng cường số lượng và tần xuất đi tiểu (thông tiểu tiện).

Tinh dầu sả hỗ trợ điều trị một số rối loạn của hệ thần kinh như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, co giật, căng thẳng, chóng mặt, run rẩy chân tay, động kinh... 

Bên cạnh đó, còn giúp cải thiện chất lượng da như giảm mụn trứng cá, mụn nhọt cũng như có tác dụng làm săn chắc các cơ và các mô trong cơ thể. 

Các tinh chất có trong sả còn có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu và giúp giảm bớt tất cả các vấn đề của huyết áp; có thể làm giảm các cơn đau nhức như đau răng, đau cơ, đau khớp hoặc các cơn đau như đau lưng, đau nhức dây thần kinh, đau đầu.

Ớt

Ớt là gia vị rất thông dụng, có vị cay, để ăn tươi và chế biến các món ăn. Ớt dùng pha nước chấm, cho vào canh cá, canh tôm, đặc biệt là trong các loại thức ăn có mùi tanh. 

Trái ớt chứa nhiều vitamin và khoáng chất: vitamin E, A, K, B1, B2, beta-carotein, canxi, sắt, magiê, phốt pho, kẽm, đồng... 

Đặc biệt, lượng vitamin C trong ớt rất cao, là nguồn bổ sung hữu hiệu cho những người hệ miễn dịch kém, thiếu vitamin C. Hàm lượng các hoạt chất tự nhiên chứa trong ớt có khả năng tác động tích cực đến glucose và các hoá chất khác của não bộ, giúp giấc ngủ tới nhanh và sâu hơn.

Đáng chú ý, trong ớt có chất capsaicin (hợp chất gây đỏ, nóng của ớt) có thể tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách tấn công trung tâm năng lượng của chúng, có thể làm giảm huyết áp, giảm béo. 

Trong ớt cũng chứa một số chất giúp máu lưu thông tốt, tránh được tình trạng đóng vón tiểu cầu (một nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim). 

Ngoài ra, chất cay trong ớt còn khiến não bộ tiết ra chất hoá học làm giảm bớt đau đớn. 

Đặc tính nóng của ớt sẽ giúp giữ nhiệt cho cơ thể trong mùa lạnh và còn giúp giải độc rất tốt qua đường hô hấp của da (toát mồ hôi). 

Vị cay đặc trưng của ớt kích thích tuyến nước bọt tiết ra nhiều nước bọt, giúp cho việc tiêu hóa được dễ dàng hơn. 

Ngoài ra, ớt có khả năng kích thích tim đập nhanh, máu tuần hoàn nhanh, có lợi cho tim. 

Với những người không dám ăn ớt do sợ làm ảnh hưởng đến dạ dày của bạn thì đừng lo vì ớt có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề về dạ dày, kích thích các enzyme tiêu hóa và hạn chế các vết loét ở dạ dày.

Hạt tiêu

Với hương thơm mạnh, nồng và cay, tiêu đen không chỉ giúp tạo mùi thơm cho món ăn mà còn giúp món ăn đậm đà hơn. Trong hạt tiêu có một lượng tinh dầu rất nhỏ lưu giữ hương thơm, do đó cách tốt nhất khi sử dụng tiêu là ăn đến đâu mới xay đến đó.

Hạt tiêu chứa nhiều dưỡng chất như piperine, vitamin C, vitamin K , kali, chất xơ, sắt và mangan, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chất piperine chứa trong tiêu đen có tác dụng kích thích tăng tiết axít clohydric trong dạ dày, góp phần hoạt động hệ tiêu hóa thuận lợi hơn. Chất piperine chứa trong tiêu đen cũng được chứng minh tác động tích cực đến hệ thần kinh trung ương, giúp chống trầm cảm và cải thiện chức năng nhận thức của não bộ.

Với hàm lượng cao vitamin C, hạt tiêu giúp điều trị ho, cảm lạnh, viêm xoang và nghẹt mũi. Bên cạnh đó, tiêu đen còn là chất có đặc tính chống vi khuẩn, giúp điều trị táo bón và tiêu chảy. 

Tiêu đen chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng chống lại các gốc tự do gây hại trong cơ thể, mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời trong việc điều trị các bệnh như ung thư, đặc biệt là ung thư da. 

Tiêu đen cũng có công dụng tiêu hủy chất béo, giúp hỗ trợ tốt cho những người béo phì giảm cân nhanh hơn trong quá trình ăn kiêng. 

Ngoài ra, tiêu đen còn giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng bài tiết mồ hôi và lợi tiểu, giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Tiêu đen còn có tác dụng làm sạch mạch máu nên cũng rất tốt cho tim.

Hiểu về công dụng của các loại gia vị thân thuộc trên để không chỉ thưởng thức hương vị đặc trưng của chúng trong các món ăn mà còn biết tận dụng chúng để bảo vệ sức khỏe. Các loại gia vị tuy có nhiều tác dụng nhưng nên sử dụng ở mức độ vừa phải để không gây ảnh hưởng lên các cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương