Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Giờ mong gì nữa hả các con? Cuộc sống của mẹ đã đủ đầy hơn bao nhiêu người khác. Mấy lần tưởng chết mà vẫn còn ngồi đây, có mái nhà ấm áp, Nhà nước quan tâm, các con yêu mến thì mẹ đâu có mong gì nữa..."
Đại diện Chi hội Sân khấu của Hội VHNT tỉnh chụp ảnh với mẹ Phạm Thị Bé.
Ðoàn khách bước vào sân, mẹ có phần bối rối vì khách đến đông quá mà nhà chỉ có một chiếc bàn. Mẹ chính là Mẹ VNAH Phạm Thị Bé (xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành).
Mẹ Bé quê ở Long An, có chồng và con là liệt sĩ Phan Văn Rành, Phan Văn Hạnh. Chồng con đi cách mạng, mẹ ở nhà nuôi giấu cán bộ, vượt sông, vượt đồng tiếp tế lương thực, hướng dẫn đường đi nước bước cho bộ đội.
Hồi đó mẹ theo công vạn để cấy lúa, rồi mấy lúc ngồi nghỉ có chú này nhờ mang gói đồ, bọc cơm cho chú kia. Ừ thì đàn bà con gái dạn dĩ cứ đem giùm người ta thôi. Vậy rồi gia nhập đoàn quân cách mạng từ lúc nào không biết…”. Miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay vén những sợi tóc bạc loà xoà, mẹ Bé vui vẻ kể chuyện xưa.
Sau khi bị lộ, mẹ đã “chạy giặc” về Tây Ninh, trụ lại ở xã Trường Hoà (nay là Trường Ðông) của huyện Hoà Thành. May mắn là gần nơi mẹ trú ngụ có Căn cứ Huyện uỷ Toà Thánh, nên mẹ đã tìm được những người cùng chí hướng và tiếp tục hoạt động cách mạng cho tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Khi chồng và con hy sinh, mẹ Bé không còn người thân nào. Sau đó, mẹ tái hôn và sinh được vài người con. Sau năm 1975, mẹ lại phải đi cấy lúa, trỉa đậu, chặt mì, đan lát… để nuôi con khôn lớn vì chồng sau của mẹ cũng mất sớm.
Cuộc sống chưa thôi trêu đùa với mẹ Bé. Người con gái mất đi để lại đứa cháu ngoại cho mẹ nuôi dưỡng. Cô cháu này lớn khôn, lập gia đình, nhưng hôn nhân không hạnh phúc, phải bươn chải mưu sinh và gửi con gái lại cho bà ngoại chăm sóc. Tuổi ngoài bảy mươi, mẹ Bé còn nuôi cháu tuổi lẫm đẫm. Bây giờ, cô cháu cố đó được 16 tuổi và đang hôm sớm hủ hỉ cùng bà cố.
Căn nhà tình nghĩa của mẹ Bé lúc nào cũng tinh tươm và ngát hương trầm, bởi có đến ba liệt sĩ được thờ phụng là chồng, con và em trai của mẹ. Tuổi gần 90, mẹ uống trà đá nhiều hơn ăn cơm.
Một ngày của mẹ bắt đầu từ việc sáng sớm ra quán cà phê đối diện UBND xã để nói chuyện với các bà bạn già, rồi tầm chín giờ tạt qua chợ Trường Lưu mua ít thức ăn về làm cơm cho cô cháu cố đi học về ăn.
“Giờ mong gì nữa hả các con? Cuộc sống của mẹ đã đủ đầy hơn bao nhiêu người khác. Mấy lần tưởng chết mà vẫn còn ngồi đây, có mái nhà ấm áp, Nhà nước quan tâm, các con yêu mến thì mẹ đâu có mong gì nữa. À có, mẹ chỉ mong sống anh hùng/chết vinh quang như bao anh em đồng đội khác là đủ rồi”.
Mẹ tiễn chúng tôi ra về, bước chân già đã yếu khi bước xuống bậc tam cấp. Chúng tôi vẫn mong mẹ sống đến trăm tuổi để làm nhân chứng sống nuôi dạy các thế hệ con cháu về lòng yêu nước.
THUỲ TRANG