Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên- Huế) cho rằng: “Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến”.
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên- Huế) cho rằng: “Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến”.
Tham nhũng thách thức lòng tin
Dẫn Kết luận của Ban chấp hành Trung ương: "Tham nhũng đã thách thức sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước", đại biểu Trần Đình Nhã (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội) cho rằng, tham nhũng cũng đã thách thức Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nguy hiểm hơn tham nhũng còn thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân.
Để đấu tranh trực diện với tội phạm về tham nhũng, Nhà nước ta đã tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp khá hùng hậu, cơ quan điều tra Viện kiểm sát, Tòa án nhưng theo báo cáo, năm 2012, Tòa án các cấp chỉ xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 34,2%.
Với số lượng vụ án tham nhũng được xét xử khiêm tốn như trên, đại biểu đặt vấn đề: “Vậy tại sao ở nơi nào cũng lên tiếng, cũng bức xúc về tham nhũng hay do vô tình chúng ta tự bôi đen tình hình, thổi phồng tình hình tham nhũng?”.
Đại biểu Trần Đình Nhã: "Tham nhũng buộc chúng ta phải tuyên chiến" (Ảnh:Vietnamnet) |
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cũng đã khẳng định số lượng vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện và điều tra chưa tương xứng với thực tế tham nhũng xảy ra. Chính phủ đã chỉ ra các địa chỉ tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đó là những nơi tập trung nhiều tiền của của nhà nước, của nhân dân.
“Vỏ quýt dày phải có móng tay nhọn”
Đại biểu Trần Đình Nhã đề nghị Quốc hội bàn kỹ hơn về cuộc chiến chống tham nhũng và cần có “phương án tác chiến hiệu quả hơn, vỏ quýt dày thì móng tay phải nhọn”.
Theo đại biểu, muốn thắng được tham nhũng đã đến lúc phải thay đổi cách đánh: “Đánh tham nhũng phải đánh từ ngoài vào, đánh từ trên xuống, cấp trung ương sẽ đánh tham nhũng ở cấp tỉnh, cấp tỉnh đánh xuống cấp huyện, huyện thì đánh xuống xã. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy cơ quan điều tra cấp tỉnh vất vả, thậm chí bất lực thế nào khi điều tra các tội tham nhũng của quan chức cấp tỉnh”.
Bày tỏ tin tưởng về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, đại biểu Trần Đình Nhã đề nghị cần củng cố “lực lượng tác chiến trực tiếp”.
Theo đại biểu, Quốc hội nên quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng, nếu không điều tra tất cả thì cũng tập trung vào 3 tội danh: Tham ô, hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Cơ quan này độc lập do Quốc hội lập ra, báo cáo công tác trước Quốc hội.
Hơn nữa, đại biểu Trần Đình Nhã cho rằng cơ quan này được điều động hoặc nhận biệt phái những điều tra viên, trinh sát viên xuất sắc có bản lĩnh từ các cơ quan điều tra. Các điều tra viên, trinh sát viên này cũng như cơ quan chống tham nhũng mà họ phục vụ phải có thực quyền và được độc lập trong điều tra tham nhũng…
Trước tình hình tham nhũng nêu trên, đại biểu Trần Đình Nhã nêu ý kiến đề nghị không áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ, không tha tù trước thời hạn đối với bất kỳ người nào phạm tội tham nhũng.
Theo VOV online