Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn, cho biết tùy thuộc vào tính chất của từng nghề mà DN Nhật có cách tuyển dụng khác nhau.
Ứng viên đi làm việc tại Nhật thi cắt giấy thể hiện sự khéo léo và chính xác - Ảnh: Q.PHƯƠNG
Tuy nhiên họ không chú trọng nhiều đến bằng cấp mà chú trọng vào kinh nghiệm thực tế, đặc biệt họ rất chú trọng đến chỉ số IQ. Bởi họ cho rằng các em có chỉ số IQ cao tiếp thu công việc nhanh và có trí nhớ tốt hơn.
DN Nhật có các tiêu chí tuyển chọn thì tùy ngành nghề: ví dụ nếu là ngành xây dựng họ chú trọng đến chiều cao, sức khỏe tốt và tuổi trẻ; nếu tuyển thợ hàn, thợ cơ khí thì họ chú trọng tay nghề chuyên môn.
Khi tuyển nữ làm thủy sản hay nông nghiệp, họ lại kiểm tra bàn tay để chọn những đôi bàn tay đã kinh qua công việc lao động và sạch sẽ.
Bà Thu Cúc phân tích thêm trong quá trình phỏng vấn, DN Nhật thường căn cứ vào tính cách con người như sự trung thực, siêng năng cần cù chịu khó học hỏi, luôn có óc cầu tiến và biết phấn đấu. Họ còn kiểm tra cả nhóm máu để biết tính cách của từng người xem phù hợp công việc của họ hay không.
“Chúng ta nên học hỏi cách tuyển dụng của người Nhật, vừa có lợi cho DN vừa làm hài lòng người lao động. Ví dụ thay vì công ty tuyển 3 người làm 3 công việc và phải trả lương cho cả 3 người, người Nhật họ chỉ tuyển 1 người kiêm luôn 3 việc và thu nhập của người đó cũng được trả cao.
Khi tuyển được người, họ thuê chuyên gia đào tạo theo từng đợt, từ cơ bản đến nâng cao. Họ dạy lao động phải nắm hết quy trình sản xuất và tìm hiểu để học hỏi, nâng cao nghiệp vụ. Chính điều này nên người lao động rất ít khi bỏ việc” - bà Cúc cho hay.
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, nhìn nhận: “DN Nhật luôn coi nhân lực là tài sản của công ty và cũng là yếu tố quan trọng giúp công ty phát triển. Vì vậy, họ có văn hóa tuyển dụng suốt đời.
Ứng viên phải trải qua nhiều vòng kiểm tra từ kiến thức, năng lực đến phỏng vấn xác nhận tính cách, tinh thần và tố chất con người. Mục tiêu là đảm bảo người lao động gắn bó lâu dài, phát triển sự nghiệp bản thân song hành cùng với quá trình phát triển của công ty”.
Theo ông Sơn, các DN Việt cũng nên thay đổi cách tuyển dụng nhân sự.
Những DN có chính sách tốt, quan tâm đến nhân viên, chú trọng đào tạo con người thì DN ấy sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động ngày càng được cải thiện và nguồn nhân lực này cũng sẽ gắn bó lâu dài với DN, tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của DN.
* Ông Mai Ngọc Vinh (Giám đốc Công ty CP giáo dục Việt RDC):
Làm như người Nhật sẽ bớt “nhảy việc”
Các DN Nhật tuyển dụng khá công bằng, tuyển dụng dựa vào năng lực của các ứng viên. Họ có sự đào thải ngay từ đầu, tư vấn kỹ nên chọn được những ứng viên phù hợp với nghề.
Các DN ở nước ta hiện nay đang có thực trạng tuyển người vào rất nhiều nhưng người bỏ việc cũng rất nhiều. Điều đó nói lên rằng chất lượng nhân sự đầu vào không đảm bảo với yêu cầu thực tế của DN.
Tôi cho rằng nếu khâu tuyển dụng đầu vào của chúng ta tốt, tư vấn rõ cho người xin việc họ phải làm gì ở vị trí ứng tuyển, tố chất, con người họ có phù hợp với công việc đó hay không thì sẽ không xảy ra tình trạng vào làm việc một thời gian rồi “nhảy việc”.
* Ông Phạm Xuân Thắng (Giám đốc Công ty TNHH DV TM quảng cáo M.BRAND):
Biết sàng lọc sẽ có đội ngũ nhân sự tốt
VN đang phát triển nhiều DN vừa và nhỏ nhưng luôn gặp trở ngại về làm sao để có được một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, gắn bó lâu dài với những phát triển thăng trầm của công ty?
Tôi nghĩ khâu then chốt vẫn nằm ở tố chất của nhân sự. Một DN mạnh phải có đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn.
Nhìn cách tuyển dụng của các DN Nhật, tôi nghĩ nếu chúng ta áp dụng tuyển dụng theo hình thức “sàng lọc” như họ thì chắc chắn sẽ có được đội ngũ nhân sự như ý muốn.
Nguồn TTO