Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Khi dân chọn cách nói dối là bởi người cầm quyền không muốn nghe thật, còn một khi người cầm quyền muốn nghe lời nói thật thì dân sẽ không còn nói dối.
Chỉ cần cầm trên tay một thiết bị điện tử có kết nối Internet và truy cập vào địa chỉ nguoidan.chinhphu.vn, mọi công dân đều có quyền bày tỏ ý kiến của mình.
Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói với phóng viên Tuổi Trẻ rằng đây là một trong những nỗ lực nhằm tạo sự tương tác hai chiều: Chính phủ - người dân.
Bản tin Tuổi Trẻ giới thiệu về sự kiện này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn đọc, trong đó cũng có những băn khoăn.
“Việc làm này rất mới, đúng là kiến tạo, nhưng người dân mong muốn rằng chớ nên lập ra cho có như nhiều nơi lập ra đường dây nóng, nhưng gọi mãi mà máy cứ ò e...” - bạn đọc Bùi Tá Vinh viết.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Minh Giám “hi vọng thông tin gửi phải đến trực tiếp người cần đọc, không nên có nhân viên kiểm duyệt để ý dân đến đúng đích đến”.
Đem những thắc mắc trên hỏi ông Mai Tiến Dũng thì được giải thích: “Một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển phải là Chính phủ công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình trước người dân.
Chính phủ không chỉ truyền thông điệp, chính sách, chỉ đạo... xuống cấp dưới, đến nhân dân và doanh nghiệp mà còn là lắng nghe ý kiến phản hồi, góp ý, bày tỏ từ phía người dân, doanh nghiệp. Mọi ý kiến của người dân đều được Chính phủ lắng nghe”.
Trong ngày đầu tiên (4-4) vận hành, trang web đã nhận được một số phản ảnh, kiến nghị, tập trung ở vấn đề thủ tục hành chính.
Phải nói rằng những băn khoăn của người dân là hoàn toàn có lý. Bởi trên thực tế, lâu nay các cơ quan nhà nước đã thiết lập không ít kênh giao tiếp với dân, nhưng đã xảy ra tình trạng “nguội lạnh” với khá nhiều “đường dây nóng”.
Thậm chí, luật pháp đã quy định rõ hạn định cho người đứng đầu các cấp hành chính phải tiếp xúc công dân, nhưng qua kiểm tra thì vẫn có không ít lãnh đạo ở nhiều cấp khác nhau “né” tiếp dân với vô vàn lý do để biện bạch.
Cũng có ý kiến nghi ngại, liệu người dân có nói thật, nói đúng thông qua trang web mới được thiết lập này không?
Trò chuyện bên lề Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hôm qua (4-4), phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy bình luận rằng như cổ nhân đã nói: khi dân chọn cách nói dối là bởi người cầm quyền không muốn nghe thật, còn một khi người cầm quyền muốn nghe lời nói thật thì dân sẽ không còn nói dối.
Suy cho cùng, hiệu quả của kênh thông tin này phụ thuộc trước hết vào người tiếp nhận, xử lý chứ không phải là từ phía người dân.
Về tính chất, trang web này chỉ là một kênh trong nhiều kênh giao tiếp, nhưng đây là kênh chính thức được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thiết lập và Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo.
Người phát ngôn Chính phủ khẳng định rằng những ý kiến, phản ảnh, câu hỏi của người dân gửi đến sẽ được chuyển đúng địa chỉ, có bộ phận đốc thúc, giám sát phản hồi.
Đây là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, cho nên các bộ, ngành, địa phương không được thoái thác trách nhiệm, nếu bê trễ trả lời thì sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý.
Với sự mới mẻ trong cách tư duy, vận hành và quyết tâm ấy, hi vọng đây thật sự là một kênh giao tiếp có tương tác hai chiều giữa Chính phủ và người dân, nơi các cơ quan của Chính phủ thực sự lắng nghe dân nói và nói cho dân nghe, vì sự thịnh vượng của đất nước như lời giới thiệu về trang web khi truy cập.
Nguồn TTO