Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chính thức hoạt động tại Tây Ninh vào tháng 10.2014, tính đến cuối tháng 7.2018, Chi nhánh CEP Tây Ninh đã giải ngân số tiền gần 260 tỷ đồng cho hơn 23 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có vốn kinh doanh, buôn bán, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội.
Trao mái nhà CEP cho thành viên vay vốn có hoàn cảnh khó khăn.
Với mục tiêu hoạt động là trợ vốn cho công nhân, viên chức, người lao động có thu nhập thấp, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống, thời gian qua, Tổ chức tài chính vi mô CEP- tiền thân là Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP) do Liên đoàn Lao động TP.HCM sáng lập đã có những đóng góp tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo tại Tây Ninh, giúp đỡ nhiều hộ gia đình khó khăn có điều kiện vươn lên.
Chính thức hoạt động tại Tây Ninh vào tháng 10.2014, tính đến cuối tháng 7.2018, Chi nhánh CEP Tây Ninh đã giải ngân số tiền gần 260 tỷ đồng cho hơn 23 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có vốn kinh doanh, buôn bán, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội.
Góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi
Thiếu vốn làm ăn là trăn trở lâu nay của bà con nghèo, nhiều người phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, lãi mẹ lãi con khiến cuộc sống lao đao. Sự hiện diện kịp lúc của Tổ chức CEP như một chiếc phao cứu sinh, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt. Và quan trọng hơn cả là CEP đã tạo được niềm tin, sự lạc quan, tiếp thêm sức mạnh để họ vươn lên trong cuộc sống.
Hình thức cho vay tín chấp với lãi suất vừa phải, cán bộ tín dụng nhiệt tình, thủ tục đơn giản là những ưu điểm để người nghèo gắn bó lâu dài với CEP. Các thành viên được trợ vốn từ CEP chủ yếu là dân lao động, người nghèo.
Ðể giúp đỡ họ sử dụng đồng vốn hiệu quả, nhân viên của CEP luôn sâu sát từng hộ gia đình, đối tượng, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên tinh thần, đồng thời nắm bắt tình hình công ăn việc làm của họ để có thể kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ.
Mặt khác, CEP luôn khuyến khích thành viên gửi tiết kiệm, dù khoản gửi mỗi lần chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, nhưng các thành viên sẽ có một khoản tiền trong những trường hợp cấp thiết, không cần phải tìm đến các khoản vay nóng, góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở những cộng đồng mà CEP phục vụ.
Bà N.T.H.S (phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh) chia sẻ, cách đây vài năm, do thiếu vốn làm ăn, thông qua một vài người quen giới thiệu, bà vay mượn được một số tiền từ bên ngoài với lãi suất cao. Dù cật lực làm lụng, nhưng bà S vẫn không đủ khả năng hoàn trả hết số tiền nợ này.
Bà tâm sự: “Trong lúc tôi loay hoay chưa biết làm gì thì mấy cháu bên CEP đến thăm hỏi, hướng dẫn cặn kẽ cách thức vay vốn. Họ rất nhiệt tình, tận tuỵ, sẵn lòng chia sẻ khó khăn với người nghèo, giúp tôi có thêm niềm tin vượt qua được khó khăn này”.
Nhờ nguồn vốn 10 triệu đồng từ tổ chức CEP, bà S có thể trả hết các khoản nợ, số còn lại bà mua thêm máy móc cho con trai làm thợ mộc. Riêng bà cũng có thêm chút vốn để mua nguyên liệu làm bánh. Nhờ vậy, cuộc sống của hai mẹ con đỡ bấp bênh hơn. Bà S nói: “Tôi mong rằng CEP sẽ ngày càng phát triển để có thể giúp đỡ thêm nhiều hộ nghèo như chúng tôi”.
Có thể nói, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nhiều người dân nghèo sa vào các khoản cho vay nặng lãi là việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc vay vốn từ các ngân hàng phải bảo đảm các điều kiện, thủ tục theo quy định. Khi cần tiền gấp cho những trường hợp cấp bách, người dân thường dễ dàng chấp nhận vay bên ngoài mà không nghĩ đến phần trả lãi.
Từ năm 2005, để có tiền mua nguyên liệu làm nem chay buôn bán trong những ngày tết, bà H (ngụ phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh) phải vay nóng bên ngoài gần 50 triệu đồng, hoàn trả trong vòng 1 tháng với tiền lãi lên đến 10 triệu đồng. Lãi suất cao nên bà buôn bán không còn lời bao nhiêu. Thế nhưng, vì thiếu vốn làm ăn, bà cũng đành phải chấp nhận vay nặng lãi như vậy trong suốt một thời gian dài.
Năm 2015, bà H lần đầu được tiếp cận với nguồn vốn vay từ CEP với số tiền 15 triệu đồng. Bà chia sẻ: “Tuy số tiền vay không nhiều, nhưng cũng đủ để tôi làm vốn, nhất là lãi suất nhẹ, việc thu hồi vốn lên đến 10 tháng và được trả theo mỗi tháng. Sau khi hoàn trả vốn, tôi còn nhận được 2 triệu đồng từ khoản tiết kiệm nữa”.
Có vốn làm ăn nên việc sản xuất nem chay của bà H thuận lợi hơn. Những năm tiếp theo, bà H mạnh dạn vay vốn với mức cao hơn. Từ nguồn vốn vay này, bà có tiền mua thêm nguyên liệu làm nem chay, sản phẩm làm ra nhiều hơn, với lợi nhuận cao hơn trước.
Ðến nay, việc sản xuất nem chay của bà đã phát triển và có đầu ra ổn định. Mỗi tháng trừ hết tất cả chi phí, thu nhập của bà đạt hơn 15 triệu đồng. Giờ đây, cuộc sống gia đình bà đã ổn định, có điều kiện ăn nên làm ra.
Ðồng hành cùng công nhân lao động
Một trong những đối tượng được CEP tập trung trợ vốn trong thời gian qua là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thông qua việc hỗ trợ những khoản vay nhỏ, CEP đã giúp họ có điều kiện sửa chữa nhà, mua xe đi làm, sắm sửa các vật dụng cần thiết trong gia đình. Chỉ riêng đối tượng công nhân lao động, tổ chức CEP đã phát triển được 7.687 lượt thành viên vay vốn, với tổng dư nợ đạt trên 75 tỷ đồng.
Anh Huỳnh Văn Mạnh (sinh năm 1987)- công nhân tại Công ty TNHH Can Sports Việt Nam cho biết, khi được Công đoàn thông báo về chương trình vay vốn từ CEP, anh đã mạnh dạn đăng ký.
Theo anh Mạnh, thủ tục vay của CEP rất đơn giản, chỉ cần người vay điền đầy đủ thông tin vay vốn kèm chứng minh nhân dân và hộ khẩu là hoàn tất. Bên cạnh đó, lãi suất thấp, việc chi trả hằng tháng thuận tiện, theo hình thức mỗi tháng số tiền sẽ được trừ trực tiếp vào tiền lương của người lao động.
Từ số tiền 15 triệu đồng được vay, anh Mạnh mua ngay một chiếc xe máy mới để phục vụ cho việc đi làm hằng ngày. Anh cho biết: “Tôi sử dụng chiếc xe cũ đã mười mấy năm nay nên thường xuyên hỏng hóc, nhiều khi trễ giờ làm gây ảnh hưởng đến công việc.
Nhờ có xe mới, việc đi lại của tôi cũng thuận tiện hơn. Nếu không có chương trình vay vốn từ CEP, đồng lương công nhân chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày, không biết đến bao giờ mới tích luỹ mua được xe mới”.
Còn với chị Ngọc Loan (sinh năm 1980) - công nhân Công ty TNHH Can Sports Việt Nam, nguồn vốn vay từ CEP giúp chị bớt một phần gánh nặng khi đang xây nhà lại thiếu tiền, không biết xoay xở thế nào.
Nhờ có số tiền này, ngôi nhà của chị đã được hoàn thiện, hai vợ chồng có thể yên tâm làm lụng. Chị Loan chia sẻ: “Ở chỗ tôi làm, nhiều anh chị em công nhân cũng vay vốn làm ăn. Tháng sau, khi hết hạn hoàn trả vốn, tôi dự định sẽ làm thủ tục vay thêm để cải thiện kinh tế gia đình”.
Rất nhiều công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, công ty thông qua tổ chức Công đoàn đã được tiếp cận với vốn vay từ CEP để có điều kiện ổn định cuộc sống. Theo chị Võ Thị Thuỳ Linh- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Can Sports Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 3.000 công nhân tại công ty tham gia vay vốn từ CEP.
Có vốn giúp người lao động cải thiện đời sống, đầu tư kinh doanh thêm, chăm lo cho con cái học hành, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, giảm bớt áp lực lo toan hằng ngày. Nhờ đó, đời sống người lao động ổn định, mọi người làm việc hiệu quả.
Chị Thuỳ Linh cho biết thêm: “Công đoàn có sẵn người hướng dẫn người lao động làm đơn và chịu trách nhiệm thẩm định về mức lương, thời gian làm việc, không cần công nhân phải tốn thời gian xin xác nhận từ công ty mới được vay vốn như một số đơn vị tín dụng khác”.
Bên cạnh hoạt động chính là trợ vốn cho công nhân và người lao động nghèo tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, tổ chức CEP còn thực hiện Chương trình phát triển cộng đồng, với các hoạt động mua bảo hiểm y tế tự nguyện cho gia đình thành viên nghèo; cấp học bổng và dụng cụ học tập cho con thành viên nghèo hiếu học hoặc có nguy cơ bỏ học cao; xây dựng và sửa chữa nhà cho thành viên nghèo và khó khăn nhất...
Tổng ngân sách thực hiện Chương trình phát triển cộng đồng của tổ chức CEP sau gần 4 năm triển khai tại Tây Ninh đạt hơn 1,7 tỷ đồng. Chương trình đã chia sẻ phần nào khó khăn cùng với gia đình thành viên, động viên các em học sinh là con của thành viên vay vốn có hoàn cảnh khó khăn thêm nghị lực, vượt khó, học giỏi.
Qua đó, góp phần cùng các cơ quan chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện những việc làm thiết thực hướng về cộng đồng, xã hội.
Hoà Khang